Gần 5 năm về lại thôn làng nhưng mặc áo quần là một cực hình đối với ông Vớt. |
Căn bệnh đau đầu và mất ngủ kinh niên khiến người đàn ông, cha của 3 đứa trẻ, một ngày bỗng chạy nhảy, la ó giữa làng. “Mọi người thấy ông chạy ra hướng sông Re, tưởng ông đi tự tử. Rồi cả làng đi tìm dưới sông mấy ngày nhưng không kiếm ra xác. Ba tháng sau thình lình có người thấy ông lang thang trên đỉnh núi Bờ Rơi”, ông Đinh Văn Bích, trưởng thôn Tà Cơm, kể về ông Vớt.
Rồi từ năm 2001 ông đi mãi, tưởng ông chết trong rừng, năm 2009 ông thình lình xuất hiện trở lại với tóc dài ngang lưng, lông lá đầy người. Dân trong làng vây và đưa ông về. Nói không được, ăn không được, sợ ông chết người ta đổ sữa cho ông uống rồi chuyển đi viện. Sau ba tháng nằm viện, ông Vớt trở về làng và sống với gia đình đến tận ngày nay. Bây giờ hằng tuần ông đều xuống trung tâm y tế huyện để nhận thuốc uống.
Ông Đinh Tà Vớt bây giờ là người đàn ông trung niên, mũi cao, đôi mắt rất sáng nhưng vẫn đầy âu lo. Hỏi tuổi ông lắc đầu không nhớ. Ông không nói được tiếng Kinh, chúng tôi phải nhờ những người H’Re trẻ tuổi trong làng thông dịch. “Bây giờ ông ấy vẫn sợ người lạ. Ông rất chăm chỉ, làm rẫy, làm ruộng, tự cưa cây dựng nhà nuôi vợ và các con” - ông Bích nói.
Sau khi trở về từ rừng sâu, ông Đinh Tà Vớt bây giờ được làng Tà Cơm tin yêu hơn bởi bàn tay khéo léo, hiền lành và chăm chỉ của mình. Nói về ông Vớt, trưởng thôn Bích tự hào: “Ông ấy đoạn tuyệt với rượu và thuốc lá. Ông chỉ đi làm giúp những ai trong làng đang dựng nhà vì ông là thợ mộc rất khéo tay. Cây rui, cây mè tay ông đẽo thẳng tắp như cưa. Giúp ai ông làm hết mình”.
Mọi người trong làng bảo ông Vớt không còn nhớ gì về những tháng ngày biệt tích giữa rừng sâu. Chuyện ông ăn sống con chuột, con rắn, ăn cây trái trong rừng như con vượn rồi ngủ co ro trong hang đá không ai dám kể lại trước mặt ông. Chưa ai lý giải được chừng ấy năm trời ông Vớt không bị bệnh tật mà vẫn khỏe mạnh đến khi được đưa về làng.