Câu chuyện ông Hàn Đức Long - người 4 lần bị tuyên án tử hình được trả tự do - được một số phóng viên đặt ra với các lãnh đạo Bộ Công an tại buổi họp báo chiều 21/12.
Theo đại diện Tổng cục cảnh sát, sau 2 cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm và bị tuyên án tử hình về 2 tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em, tối 20/12, đại diện VKDNS tỉnh Bắc Giang đã có quyết định đình chỉ điều tra vụ án với ông Hàn Đức Long (57 tuổi). "Cơ quan chức năng nhận thấy không đủ cơ sở vững chắc", đại diện Tổng cục cảnh sát nói.
Đề cập đến vấn đề oan sai, người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng này.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ với báo giới về kết quả công tác năm 2016 chiều 21/12. Ảnh: T.N. |
Theo thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vấn đề bỏ lọt tội phạm và oan sai đều không thể chấp nhận được. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề oan sai trong thời gian qua do các cấp quản lý buông lỏng, điều tra viên thiếu nghiệp vụ và nôn nóng. Ngoài ra, có những địa bàn do điều tra viên còn quá mỏng dẫn đến những áp lực nhất định.
"Có những địa phương ở vùng sâu vùng xa, một điều tra viên có khi phải điều tra đến 50 vụ việc trong một năm", thượng tướng Tô Lâm chia sẻ.
Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, đại diện Bộ Công an cũng đề cập đến câu chuyện thành lập đội hình săn bắt cướp ở TP.HCM hay việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài.
Theo một lãnh đạo đại diện Tổng cục cảnh sát, qua rà soát cho thấy Trịnh Xuân Thanh không bỏ trốn theo con đường chính ngạch. Cơ quan này vẫn đang phối hợp với lực lượng Interpol phối hợp truy bắt kẻ đang mang lệnh truy nã.
Với nghi vấn thông tin có thể bị lộ lọt khiến Trịnh Xuân Thanh kịp bỏ trốn, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Bộ đã xem xét, kết quả cho thấy không có việc đó".
Liên quan đến hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 4 bị can. "Khi nào bắt được Trịnh Xuân Thanh chúng tôi sẽ thông báo. Thanh khó trốn thoát được", đại diện một lãnh đạo Tổng cục của Bộ Công an nói.
Theo ông Tô Lâm, tình trạng vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, lấn chiếm vỉa hè lòng đường để buôn bán kinh doanh hiện nay vẫn diễn ra phổ biến.
Năm 2016, cơ quan này đã xử lý 2 triệu người vi phạm, giữ hàng nghìn phương tiện với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng. "Tôi không muốn con số này cao lên tí nào nhưng thực tế, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt là không đủ. Mọi người cần có ý thức bản thân và mạnh mẽ phê phán các vi phạm trên...", người đứng đầu ngành công an chia sẻ.