Tối 20/11, ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2020 gọi tên Đỗ Thị Hà (sinh năm 2001), sinh viên ngành Luật Kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
Sau đêm thi, ngoài những tranh cãi liên quan đến phần thể hiện ở vòng chung kết, tân hoa hậu nhanh chóng bị nhiều người đào bới trang cá nhân và “soi” từng hình ảnh, bình luận trong quá khứ.
Nhiều người ném đá, cho rằng cô gái 19 tuổi có phát ngôn không chuẩn mực khi từng dùng những từ chửi bậy viết tắt khi nói chuyện với bạn bè.
Nổi tiếng sau một đêm và trở thành đối tượng bị soi mói quá khứ, đặc biệt là hình ảnh cũ, phát ngôn trên mạng xã hội không còn là câu chuyện mới.
Giữa thời đại số hiện nay, trang cá nhân có thể giúp thể hiện phần nào tính cách, nói lên tiếng nói song cũng sẽ là nơi để mọi người soi chiếu, đánh giá hành động của mỗi người.
Sau chung kết, nhiều chia sẻ của Đỗ Thị Hà trong quá khứ bị đào bới. Cô gái 19 tuổi cũng trở thành tâm điểm của dân mạng chỉ sau 1 đêm. Ảnh: Do Ha. |
Nổi tiếng là bị “soi”
Khi kết hôn cùng Hoàng tử Thụy Điển Carl Philip, Sofia Hellqvist thường được truyền thông quốc tế ví là “nàng Lọ Lem ngoài đời thực”. Tuy nhiên, trước khi trở thành nàng dâu hoàng gia và được phong tước vị nữ công tước xứ Varmnland, Hellqvist từng là ngôi sao truyền hình, người mẫu nội y.
Trong thời gian đầu quen Carl Phillip, những bức ảnh mặc bikini trên bìa tạp chí hay các phát ngôn về “rượu và tình dục” của Hellqvist liên tục được “đào” lại và nhận nhiều bình luận không đồng tình. Hoàng tử Philip cũng hứng nhiều chỉ trích.
Sau khi nổi tiếng với bộ phim Trần Tình Lệnh, diễn viên Tiêu Chiến (Trung Quốc) cũng bị người hâm mộ phát hiện từng có bình luận thô tục dành cho một cô gái trên mạng xã hội vào năm 2014 hay liên tục chửi bậy trên trang cá nhân. Trước đó, anh còn bị phát hiện từng giơ “ngón tay thối” lên khi chụp ảnh cùng bạn.
Hay như Kim Chae Won cũng trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi ra mắt với nhóm nhạc Hàn Quốc IZ*ONE vì từng phát ngôn “không thích đàn ông lùn, mập hay da trắng”.
Không chỉ người nổi tiếng, trang cá nhân cũng là nơi nhiều người bình thường bị đánh giá, soi xét, nhất là với người lạ.
Tháng 7/2018, câu chuyện một cô gái tốt nghiệp đại học bằng giỏi, có đầy đủ chứng chỉ tiếng Anh, tin học, từng tham gia các hoạt động ngoại khóa nhưng vẫn trượt phỏng vấn xin việc vì bị nhà tuyển dụng soi Facebook từng thu hút sự chú ý.
Theo đó, cô không chửi bậy trên trang cá nhân nhưng lại có một số bình luận thô tục trên các diễn đàn mạng. Theo công ty, hành động ứng xử không tốt trên mạng xã hội của cô có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh nơi làm việc.
Trước đó một năm, Chesterpablog đưa tin một nữ sinh trung học ở Pennsylvania, Mỹ cũng bị nhà trường loại khỏi đội cổ vũ vì sử dụng lời tục tĩu trong một bài đăng trên mạng xã hội với bạn bè.
Các nhân viên trong trường đã gọi bài đăng này là “tiêu cực”, “thiếu tôn trọng” và “hạ thấp phẩm giá”. Sau đó, vụ việc được đưa lên tòa án bang để giải quyết.
Góp ý hay soi mói?
Trong trường hợp của Đỗ Thị Hà và nhiều người nổi tiếng bị đào bới phát ngôn quá khứ trên mạng xã hội, nhiều dân mạng phân trần rằng việc “soi” ra những hình ảnh này là phát hiện về “con người thật, tính cách thật” của người nổi tiếng.
Tuy nhiên, vì để thỏa mãn sự hiếu thắng, “dìm hàng” người khác, không ít người sẵn sàng bỏ qua bối cảnh câu chuyện, hoàn cảnh phát ngôn của khổ chủ mà chỉ chăm chăm vào những cụm từ nhạy cảm.
Chia sẻ trong buổi họp báo sau khi đăng quang, Đỗ Thị Hà cho biết không nghĩ sẽ đoạt giải cao nên luôn mở trang Facebook cá nhân.
"Tôi là cô gái vô tư nên hay nói vui đùa và điều đó có thể khiến mọi người nghĩ không hay về mình. Nhưng từ khi trở thành tân hoa hậu, tôi sẽ cố gắng thay đổi, để xứng đáng với vương miện đạt được", Đỗ Thị Hà nói.
Trở thành tân hoa hậu, Đỗ Thị Hà nhanh chóng trở thành tâm điểm soi mói của dân mạng. Ảnh: Nhật Minh. |
Trang cá nhân cũng là một bộ mặt khác
Việc ngày càng được tự do bày tỏ quan điểm, phát ngôn trên mạng xã hội vô tình khiến tài khoản Facebook, Instagram hay Twitter… trở thành profile thứ hai của một người.
Ở đó, những dòng chữ gõ trong lúc nóng giận hay buồn tủi phút chốc cũng sẽ được nhiều người biết tới và tự do đánh giá, bình phẩm.
“Các công ty tuyển dụng thường tìm kiếm thông tin online về ứng viên trước khi cho họ vào vòng phỏng vấn”, Blair Decembrele, một chuyên gia nghề nghiệp tại LinkedIn cho biết.
Theo Blair, khoảng 1/5 công ty ở Mỹ loại bỏ ứng cử viên khỏi danh sách nhân sự do những bức ảnh hoặc video không phù hợp được đăng tải trên Internet. Các bài đăng trên mạng xã hội cung cấp cho nhà tuyển dụng một cái nhìn về nhân viên bên ngoài giấy tờ lý lịch.
Dù "trang cá nhân" nghe có vẻ riêng tư, không có nghĩa nó là một kênh để nói lên mọi suy nghĩ và cảm xúc của bạn, bất kể là bức xúc đến mức nào. Hành động và lời nói trên mạng có thể đem lại hậu quả khó lường.
Vì vậy, tùy thuộc vào phong cách của bạn như thế nào hay “hình tượng” mà bạn muốn xây dựng ra sao, để tránh rơi vào hoàn cảnh không mong muốn, mỗi người nên có kế hoạch và cân nhắc nhất định khi phát ngôn trên các nền tảng này hay thậm chí, tránh xa mạng xã hội.
Nếu không muốn bị bới móc đời tư, người dùng nên cẩn thận trên mạng xã hội. Ảnh: mediaobserver. |
Theo Randstad, nếu không muốn bị “soi” và đảm bảo một trang cá nhân sạch, mỗi người có thể đặt tài khoản ở chế độ riêng tư nhất định cho cả trang cá nhân hoặc một số bài đăng có thể gây tranh cãi.
Điều này cho phép bạn nói lên suy nghĩ của mình và thể hiện bản thân theo cách bạn muốn mà không gây rủi ro cho danh tiếng của mình.
“Những điều này không đồng nghĩa với chuyện ngừng sử dụng mạng xã hội. Hãy đặt ranh giới giữa đời sống cá nhân và công việc. Bị sa thải hoặc tước cơ hội làm việc vì một bức ảnh trên Internet tưởng chừng như bất công, tuy nhiên, mạng là ảo còn khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp trong tương lai vì vài dòng tweet là có thật", Kristen Ribero, trưởng phòng marketing tại mạng lưới tìm kiếm việc làm cho sinh viên mới ra trường Handshake tại Mỹ, nói.