Trong 3 thập kỷ, các doanh nghiệp và chính phủ trên khắp thế giới hoạt động với giả định rằng toàn cầu hóa kinh tế và tài chính sẽ tiếp tục diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi trật tự quốc tế trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, khái niệm phi toàn cầu hóa - sự tách rời liên kết trong thương mại và đầu tư - ngày càng thu hút các hộ gia đình, công ty và chính phủ.
Dù vậy, dữ liệu hiện có cho thấy toàn cầu hóa sẽ không kết thúc nhanh chóng mà nó đang thay đổi, theo ông Mohamed El-Eria, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, đồng thời là cựu phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Toàn cầu hóa đang thay đổi
Viết trên Guardian, ông Mohamed El-Eria cho hay cách đây không lâu, dường như không có giới hạn nào đối với hội nhập kinh tế và tài chính toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, lợi ích của toàn cầu hóa là điều hiển nhiên và không thể phủ nhận.
Tính chất liên kết của các dòng sản xuất, tiêu dùng và đầu tư mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn với mức giá hấp dẫn, đồng thời cho phép các công ty mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng.
Thị trường vốn toàn cầu đã mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng và giảm chi phí cho những bên vay tư nhân cũng như chính phủ.
Các chính phủ trên thế giới tham gia vào hàng loạt quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Và công nghệ - gần đây nhất là sự chuyển đổi nhanh chóng sang làm việc từ xa - khiến biên giới quốc gia dường như không còn là trở ngại nữa.
Một nhân viên tại trung tâm phân phối JFK8 của Amazon ở Staten Island, New York, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Nhưng trong khi toàn cầu hóa làm cho thị trường hoạt động tốt hơn, các nhà hoạch định chính sách đã quên mất những hậu quả tiêu cực khác. Nhiều cộng đồng và quốc gia bị bỏ lại phía sau, góp phần tạo ra cảm giác bị gạt ra ngoài lề xã hội và xa lánh.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ cũng cảnh tỉnh thế giới, khiến giới chính trị nhận ra rằng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia, được phát triển trong giai đoạn toàn cầu hóa, có nhiều bất cập.
Kết quả, nó dẫn đến những phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa. Biểu hiện chính trị dễ thấy nhất là việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU và ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ngay sau đó, Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai cường quốc kinh tế.
Trong khi đó, người tiêu dùng phương Tây ngày càng phản đối, bài xích những quốc gia vi phạm nhân quyền, cũng như gây hại cho môi trường.
Và cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga (một quốc gia G20), đồng thời "vũ khí hóa" hệ thống thanh toán quốc tế.
Trong bối cảnh đó, nhiều người sẽ kết luận rằng toàn cầu hóa đã kết thúc. Tuy nhiên, thay vì đảo ngược mạnh mẽ tiến trình 30 năm qua, có vẻ như thế giới đang bước vào một kỷ nguyên toàn cầu hóa phân mảnh, được đặc trưng bởi sự thay thế chứ không phải phủ định.
"Toàn cầu hóa phân mảnh” là kịch bản có thể xảy ra nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với Nga là một trường hợp điển hình. Trong năm qua, các hạn chế do EU - Mỹ đứng đầu không làm giảm đáng kể lượng xuất khẩu dầu của Nga mà chuyển hướng chúng sang nơi khác, chủ yếu đến Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá dầu thô và nhiên liệu của Nga đang tăng lên với khách mua châu Á, do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ lên cao, theo Bloomberg.
Cụ thể, các nhà buôn cho biết mức chào bán giá dầu Urals, ESPO và dầu mazut của Nga đã tăng vọt vài tuần qua. Ngày càng nhiều hãng lọc dầu nhà nước và tư nhân của Trung Quốc, như Sinopec, PetroChina, Hengli Petrochemical quan tâm đến sản phẩm này. Nhu cầu từ Ấn Độ cũng tăng vọt, kéo giá lên cao.
Tương tự, thay vì khiến nền kinh tế Nga suy sụp như nhiều người đã dự đoán, các biện pháp trừng phạt toàn diện chỉ làm giảm GDP của nước này 2% khi các nhà kỹ trị Nga tìm ra cách định hướng và điều chỉnh lại hoạt động đối nội và đối ngoại.
Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong vài năm tới, khi các công ty ngày càng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tách sự phụ thuộc khỏi Trung Quốc, giữa lúc chính phủ phương Tây theo đuổi mô hình near-shoring (sản xuất tại các quốc gia có vị trí địa lý gần) và friend-shoring (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu).
Biện pháp này được cho là nhằm duy trì nhập khẩu các mặt hàng quan trọng và xuất khẩu mặt hàng nhạy cảm.
Theo đuổi mô hình mới
Sự kết hợp của các cú sốc địa chính trị, chiến lược của công ty và sự thay đổi giá trị xã hội sẽ ảnh hưởng đến mô hình thương mại và đầu tư.
Tờ 100 USD tại một ngân hàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Khi các công ty lựa chọn tập trung vào sức chống chọi, tính bền vững thay vì hiệu quả, họ sẽ dần chuyển cách tiếp cận chuỗi cung ứng từ “Just in time” (Đúng sản phẩm - đúng số lượng - đúng nơi - đúng thời điểm) sang chiến lược phòng bị “Just in case”.
Phương pháp này chú trọng tích trữ tồn kho “đề phòng” nhu cầu đột ngột tăng cao hoặc nguồn cung nguyên liệu hạn chế. Điều này sẽ xảy ra vào thời điểm khi mối quan tâm về an ninh được cân nhắc và đánh giá kỹ hơn trong thương mại.
Các công ty cũng sẽ chuyển từ hình thức hoạt động chia sẻ rủi ro và hợp danh sang thỏa thuận hẹp hơn. Quá trình này sẽ tạo ra tình huống Zero-sum game (Trò chơi có tổng bằng không), với người thắng và kẻ thua được quyết định phụ thuộc phần lớn vào cách các nhà hoạch định chính sách thích ứng với mô hình hoạt động mới của nền kinh tế toàn cầu.
Ví dụ, Mexico sẽ được hưởng lợi từ mô hình friend-shoring của Mỹ. Tuy nhiên, như chính phủ Mexico nhận ra nhu cầu mơ tưởng (notional demand) sẽ không thể chuyển thành nhu cầu thực tế (effective demand) trừ khi các nhà hoạch định chính sách đẩy nhanh việc cải tiến cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, bãi bỏ quy định,...
Theo ông Mohamed El-Eria, khi thế giới ngày càng chia thành nhiều khối, nó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Đồng nhận định, trong bài viết trên Foreign Affairs, ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cũng cho rằng dường như nền kinh tế thế giới thực sự sẽ chia thành các khối.
"Mỗi bên đều cố gắng tách khỏi nhau và sau đó giảm bớt ảnh hưởng của khối kia. Khi có ít mối liên kết kinh tế hơn, thế giới sẽ chứng kiến xu hướng tăng trưởng thấp hơn và ít đổi mới hơn”, ông chia sẻ.
Việc tránh kết quả này phụ thuộc vào cách chính phủ các quốc gia và tổ chức đa phương định hướng trong thực tế kinh tế mới.
Các công ty phải làm việc với các chính phủ, trong và ngoài nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng vốn đã phức tạp và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Các nhà hoạch định chính sách quốc gia và toàn cầu cần xem xét lại cách họ suy nghĩ và vận hành. Và những nhà đầu tư dài hạn nên kết hợp phân tích địa chính trị, chính trị xã hội và môi trường theo cách phức tạp hơn vào chiến lược phân bổ của họ.
Thế giới có thể không đối mặt với cảnh phi toàn cầu hóa hoàn toàn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể cho rằng mọi chuyện thuận buồm xuôi gió.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.