Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bố mẹ có thể ngăn con tự tử nếu biết lắng nghe

Trước khi tự tử, không ít thanh thiếu niên cố gắng báo ý định của mình cho cha mẹ. Vì thế, phụ huynh nên quan tâm, lắng nghe để phát hiện kịp thời và giúp con vượt qua khó khăn.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, năm 2014, nước này có hơn 42.773 trường hợp tự tử, trong đó, thanh thiếu niên chiếm gần 12%. Khoảng 25% học sinh trung học có ý định tử tử vì áp lực học tập từ gia đình và nhà trường. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong của người trong độ tuổi từ 10 đến 19.

Tình trạng thanh thiếu niên tự tử ngày càng nghiêm trọng do áp lực học tập và bất ổn tâm lý. Ảnh: Rxeconsult.

Năm 1987, trước tình trạng tự tử ngày càng tăng, Mỹ thành lập tổ chức Phòng tránh Tự tử. Ngoài ra, các trung tâm sức khỏe, nhà trường cũng chú trọng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, nhằm phát hiện và ngăn chặn cách giải quyết tiêu cực này.

Các chuyên gia tại Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đưa ra lời khuyên về những việc bố mẹ nên làm để tránh con rơi vào bế tắc và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Họ cho rằng, điều cần thiết đầu tiên là đừng để chứng trầm cảm hoặc mối lo âu của thanh thiếu niên trở nên trầm trọng. Ở độ tuổi bất ổn về tâm lý, các em dễ dàng suy sụp.

Nghiên cứu cho thấy, 90% người tự tử trải qua quá trình rối loạn tâm thần, hơn 50% trong số họ mắc chứng trầm cảm. Những người này thường sống khép kín bản thân, âm thầm mong được giúp đỡ. Tuy nhiên, các em thường xấu hổ, không dám để lộ vấn đề mình đang gặp phải với người khác, kể cả cha mẹ.

Thanh thiếu niên che giấu cảm xúc vì quan niệm sai lầm rằng, đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Những cảm xúc tiêu cực ấy tích tụ trong thời gian dài sẽ dễ dàng bộc phát thông qua hành vi tự tử khi chúng lên đến đỉnh điểm, hoặc các em gặp phải sự cố làm "giọt nước tràn ly".

Vì thế, phụ huynh đừng chờ đợi con cái chủ động tâm sự về vấn đề của chúng, mà nên nói chuyện thường xuyên, khuyến khích trẻ nói lên những khó khăn gặp phải và đề nghị được giúp đỡ.

Lời khuyên thứ hai là cố gắng lắng nghe con kể cả khi chúng im lặng. Phần lớn những đứa trẻ có suy nghĩ tự tử đều bộc lộ ý định đó qua các hành vi thường ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thiếu sự giao tiếp giữa bố mẹ và con cái là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tự sát.

Trực giác của phụ huynh thường chính xác nếu họ thực sự quan tâm con. Nếu trực giác mách bảo rằng, con có nguy cơ làm hại chính bản thân mình, các bậc cha mẹ không nên để chúng một mình. Trong trường hợp này, phản ứng thái quá hay nghiêm trọng hóa vấn đề vẫn tốt hơn việc kiên nhẫn chờ con tự vượt qua khó khăn.

Sự quan tâm, chia sẻ từ bố mẹ là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên. Ảnh: Rxeconsult.

Thanh thiếu niên thường dễ kích động. Vì thế, người làm cha mẹ đừng thờ ơ trước lời đe dọa tự tử hay cho rằng, con đang bắt chước phim ảnh, cố tình gây sự. 

"Những tuyên bố kiểu 'con không muốn sống nữa' hoặc 'con chẳng còn quan tâm chuyện gì' nên được xem xét nghiêm túc. Thông thường, trước khi tự vẫn, trẻ sẽ cố cho bố mẹ biết chúng đang có ý định này", chuyên gia tâm lý Helen Pratt nói.

Trên thực tế, những người công khai đe dọa tự tử không thực sự muốn chấm dứt cuộc đời. Đó chỉ là tín hiệu cầu cứu, hy vọng người khác chú ý và giúp họ thoát khỏi bế tắc. Họ chỉ đi đến quyết định cuối cùng khi không ai quan tâm hoặc coi thường lời đe dọa của họ.

Vì thế, khi nghe con nói những câu như "không biết sẽ có bao nhiêu người đến dự đám tang của con", "con chỉ muốn ngủ một giấc thật dài và không bao giờ tỉnh dậy nữa" hay "cuộc sống của mọi người sẽ tốt đẹp hơn nếu không có con", "bố mẹ sẽ không phải lo lắng cho con lâu nữa đâu", phụ huynh cần có phản ứng thích hợp. 

Thái độ thờ ơ hay phản ứng quá mức chỉ khiến cha mẹ đẩy con đến quyết định không thể vãn hồi. Thay vào đó, họ nên xem xét, trao đổi nghiêm túc, bày tỏ rằng họ hiểu những khó khăn con gặp phải và hy vọng con chia sẻ để gia đình cùng nhau vượt qua.

Khi hành vi của con khiến phụ huynh lo âu, họ nên tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Trên thực tế, nhiều người, đặc biệt người phương Đông, ngại điều trị tâm lý vì cho rằng, nó chỉ dành cho người mắc bệnh tâm thần và lo sợ người khác đánh giá họ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý là cách nhanh chóng và chắc chắn nhất để đảm bảo an toàn cho thanh thiếu niên.

Bên cạnh sự cảm thông, quan tâm, gia đình còn cần đến sự chia sẻ. Phụ huynh nên để con hiểu được họ không cô độc, cảm xúc của họ ảnh hưởng đến mọi thành viên trong gia đình. Sự chia sẻ giúp xoa dịu nỗi đau, khiến giới trẻ nhận ra, khoảng thời gian tồi tệ sẽ không kéo dài mãi mãi. 

Trước khi tự tử, phần lớn thanh thiếu niên tự cô lập bản thân với những người xung quanh với ý nghĩ giảm bớt nỗi đau cho bạn bè, người thân khi họ ra đi. Tạo ra mối ràng buộc tình thân là biện pháp hữu hiệu để ngăn trẻ tìm đến cái chết. Vì thế, phụ huynh nên khuyến khích con hòa nhập. Tuy nhiên, nếu con không đồng ý, cha mẹ không nên quá thúc ép.

Các chuyên gia cũng khuyên phụ huynh nên đề nghị con tập thể dục. Vận động nhẹ nhàng giúp não giải phóng endorphins, chất giảm đau và cải thiện tâm trạng. Endorphins cũng giảm lượng cortisol, hormone gây trầm cảm, trong cơ thể.

Ngoài ra, tập thể dục còn giúp con người ít nghĩ đến những khó khăn và cảm thấy bản thân tốt hơn. Các chuyên gia khuyên thanh thiếu niên nên tập thể dục khoảng 40 phút mỗi ngày, hai đến 5 lần mỗi tuần.

Phụ huynh đừng gây áp lực, đồng thời khuyên con không tự gây sức ép lên bản thân. Trong thời gian trẻ em rối loạn tâm lý, họ cần được thư giãn thoải mái. Họ nên thực hiện những mục tiêu nhỏ để không gây căng thẳng và lấy lại sự tự tin.

Theo các chuyên gia, điều trị tâm lý là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì từ bệnh nhân. Vì thế, phụ huynh không nên nôn nóng. Họ cũng phải giúp con hiểu rõ, mọi người luôn cần thời gian để điều chỉnh tâm trạng, do đó, không cần chán nản, đổ lỗi cho bản thân khi tình hình không tốt lên hay tiến triển chậm.

Người làm cha mẹ nên hiểu rõ tâm lý của con. Khi có ý định tự tử, con trai thường chọn cách bạo lực như súng, dao. Trong khi đó, con gái hay chọn thuốc. Vì thế, phụ huynh nên hạn chế để những vật có tính sát thương, gây nguy hiểm đến tính mạng trong nhà nếu phát hiện con bất ổn tâm lý.

Học sinh muốn tự tử vì kỳ vọng quá lớn của cha mẹ

Theo một số chuyên gia tâm lý, nhiều học sinh hiện sống vì mục tiêu "vào trường tốt, có công việc ổn định, lập gia đình và sinh con" theo mong muốn của cha mẹ nên dễ sinh mệt mỏi.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm