Sự việc được ông bố tại Malaysia chia sẻ trên mạng xã hội ngày 7/1. Asia One dẫn lời Ihsan cho biết trước đó một ngày, con gái anh suýt bị bắt cóc ngay tại trường. Cô giáo kể một người lạ mặt đã tiếp cận cô bé, gọi đúng tên của em. Sau đó, đối tượng tìm cách dẫn cô bé đi.
May mắn, giáo viên thân với phụ huynh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành động này. Kẻ lạ mặt bị bắt đã chối tội, lấy lý do nhận nhầm người. Ban giám hiệu đã thông báo vụ việc cho phụ huynh và tăng cường an ninh tại trường.
Lời cảnh báo của anh Ihsan sau sự việc con gái suýt bị bắt cóc. |
Gia đình Ihsan vô cùng lo lắng vì kẻ tình nghi biết rõ thông tin trường học, tên tuổi của con gái mình. Người cha hối hận vì đã đăng ảnh, thông tin của con gái lên mạng xã hội.
“Chúng ta không nên chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào của trẻ lên mạng xã hội. Hiểm họa có thể đến từ chính hành động vô tình đó”, Ihsan viết trên trang cá nhân.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc như trên. Tại Singapore, trong vài năm qua, ngày càng nhiều phụ huynh lo lắng về an toàn của con khi gặp tình huống tương tự. Chính những bức hình check-in hoặc ảnh chụp khuôn mặt con, đồng phục trường, lại "giúp" kẻ xấu hại trẻ.
Không những vậy, việc chia sẻ ảnh chụp con lên mạng xã hội cũng là gốc rễ của nạn bắt nạt và xâm phạm đời tư khi chúng trưởng thành. Nhiều người có thể sử dụng những bức ảnh chụp con cái họ hồi bé để bêu giếu, xúc phạm, thậm chí đe dọa, bắt nạt.
Những bức hình trên mạng xã hội còn là mầm mống cho việc mạo danh. Năm 2015, kẻ lạ mặt đã lấy hình ảnh cậu bé 18 tháng tuổi từ trang cá nhân của một bà mẹ. Sau đó, người này tự ý đăng lại và ghi đây là con trai của mình.
Theo thống kê của một tổ chức bảo vệ trẻ em, trên website cung cấp 45 triệu bức ảnh, 50% là hình ảnh đời thường của trẻ em. Dưới những bức ảnh đó là hàng loạt bình luận khiêu dâm, không phù hợp.