“Nhiều bố mẹ đã sinh đến 2 con nhưng "mù tịt" kiến thức sơ đẳng liên quan đến sức khoẻ, sinh lý thông thường của trẻ. Hay có gia đình chỉ chú ý đến vùng kín bé gái mà bỏ qua của bé trai, với suy nghĩ con gái dễ mắc viêm nhiễm, con trai đơn giản hơn nhiều. Kiến thức của bố mẹ về bộ phận sinh dục nam vừa yếu vừa thiếu”, bác sĩ Nguyễn Thế Lương - Phó giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nam học Andos -nói.
Người lớn không nên bỏ qua việc thăm khám "cậu nhỏ". Ảnh: FB . |
Nhiều người lớn “mù tịt” kiến thức sinh sản
Bác sĩ Lương kể trong quá trình thăm khám cho các bé trai, trường hợp hay gặp nhất là trẻ bị viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục do trẻ không được vệ sinh hàng ngày hoặc vệ sinh không đúng cách. Nhiều trẻ có bao quy đầu cặn trắng đọng lại, có mùi hôi, viêm nhiễm. Thậm chí có những trẻ cặn đã chuyển sang vàng, đóng hòn, đóng cục, dịch như bã đậu. Đặc biệt, có trường hợp cháu bé bị nhiễm khuẩn nặng, nhưng gia đình hoàn toàn không hay biết.
Bé trai T.T.A.. (2,5 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được mẹ đưa tới khám với lý do “cậu nhỏ” sưng to mấy hôm nay không rõ nguyên nhân. Qua thăm khám, bác sĩ Nguyễn Thế Lương phát hiện bao quy đầu chưa lộn, bít kín khiến quá trình vệ sinh không được làm sạch, nước tiểu đọng lại bên trong gây viêm nhiễm khiến “cậu nhỏ” tấy đỏ lên.
“Khi ngứa, trẻ có thói quen gãi, cấu nên tình trạng tổn thương, viêm nhiễm càng nặng”, bác sĩ Lương cho hay.
Bác sĩ Lương từng chứng kiến một ca biến chứng nặng vì xử lý bao quy đầu không đúng cách. Bé Đ.N.M. (4 tuổi ở tỉnh Hưng Yên) được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng “cậu nhỏ” khá nặng, sung vù, đau tức. Người mẹ kể gia đình phát hiện M. hẹp bao quy đầu, gây khó khăn cho tiểu tiện nhưng lại cho rằng chỉ cần ở nhà lộn bằng tay cho bé.
Bé M. khóc kêu đau nhưng người mẹ này sốt ruột sợ để lâu mắc bệnh nên càng ra sức dùng tay kéo, lộn khiến “cậu nhỏ” bị tổn thương mà không biết, chỉ đến khi con mình bị sưng vù có biểu hiện nhiễm trùng,cả nhà mới hốt hoảng đưa bé đi vào viện.
Bệnh đơn giản dễ bỏ qua
Hẹp và bán hẹp bao quy đầu là một trong những tình trạng hay gặp nhất ở các bé trai. Việc xử lý “sự cố” không phức tạp, nhưng cần làm sớm để cơ quan sinh dục trẻ được vệ sinh sạch sẽ. Nếu không được xử lý, các chất cặn bã tiết ra lưu lại trong bao quy đầu của trẻ lâu ngày, có thể lên tới hàng năm, sẽ gây ra hiện tượng viêm nhiễm, nhiễm trùng dương vật, nhiều trường hợp có biến chứng viêm ngược dòng lên bàng quang, thận sẽ đem lại hậu quả khó lường và để lại di chứng suốt đời cho trẻ.
“Ở hầu hết bé trai, khoảng 3 tuổi, bao quy đầu có thể kéo lùi xuống một phần. Khi trẻ có dấu hiệu hẹp bao quy đầu bác sĩ tiến hành thăm khám và đưa ra hướng điều trị. Nếu trẻ ở mức độ nhẹ có thể nong, nặng hơn phải chích. Nếu trẻ có hiện tượng không tụt được bao quy đầu xuống hoàn toàn và thấy bé hay sờ bộ phận sinh dục, bố mẹ nên đưa cháu đi khám để kiểm tra ngay, bởi đây là hành vi bất thường ở trẻ và dấu hiệu trẻ có viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục”, bác sĩ Lương cho hay.
Trường hợp hẹp bao quy đầu nặng có thể gây ra đau đớn khi đi tiểu, bí tiểu, nhiễm khuẩn đường niệu và nhiễm khuẩn vùng da dương vật. Đến tuổi trưởng thành không được điều trị hẹp bao quy đầu nguy cơ ung thư dương vật cao sẽ hơn người bình thường.
Hẹp bao quy đầu có thể gây rất đau đớn khi cương dương vật và giao hợp, bao quy đầu có thể bị chảy máu nhẹ hoặc và viêm nhiễm. Ở trẻ nhỏ, hẹp và bán hẹp bao quy đầu sẽ gây lưu lại chất cặn bã, có thể trong thời gian dài, khiến dương vật bị viêm nhiễm.
Bác sĩ Lương khuyến cáo việc khám bộ phận sinh dục cho trẻ cần được tiến hành 6 tháng một lần, bác sĩ có thể kiểm tra mức độ bị nhiễm khuẩn dưới bao quy đầu. Trong một số trường hợp viêm nhiễm nặng, có thể sẽ tiến hành cắt bao quy đầu, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu là tiến hành bóc tách và nong để tránh các chấn thương tâm lý và biến chứng nhiễm trùng cho trẻ.
Đặc biệt, bao quy đầu không nên bị kéo xuống với lực mạnh, có thể gây ra chảy máu hoặc tổn thương, thậm chí gây ra sẹo. Sẹo sẽ gây ra sự khó khăn khi kéo bao quy đầu xuống và khó giữ vệ sinh bên trong, cũng như có thể gây đau cho trẻ khi quan hệ ở tuổi trưởng thành.