Rối loạn chức năng sàn chậu là một trong những vấn đề đáng lo sau sinh đẻ. Ảnh: Medical News Today. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thống kê cho thấy khoảng 30% phụ nữ mang thai sẽ có các triệu chứng của rối loạn tiểu tiện và tự thuyên giảm trong vòng 3 tháng sau sinh. Tuy nhiên, chủ quan không thăm khám và chăm sóc từ sớm, sau một năm, các triệu chứng rối loạn tiểu tiện sẽ tái lại.
Sàn chậu là gì?
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa khám Phụ khoa tự nguyện, sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống gồm sinh dục (tử cung, âm đạo), niệu dưới (bàng quang, niệu đạo) và tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh.
Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy. Nó còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục cũng như giúp quá trình sinh dễ dàng hơn.
Triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu gồm đau vùng bụng dưới, tiểu đêm nhiều lần, táo bón kéo dài... Ảnh: Hillpromotionpt. |
Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?
Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ, sẽ có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó, cứ 5 người sẽ có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng).
Bác sĩ Thủy cho hay nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là mang thai, suy yếu sức cơ theo tuổi... Những biểu hiện được xem là rối loạn chức năng sàn chậu gồm:
Đường tiểu:
- Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng.
- Không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu.
- Tiểu đêm nhiều hơn một lần.
- Tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt trên 8 lần/ngày.
- Tiểu khó phải rặn.
- Cảm giác đi tiểu không hết.
Đại tiện:
- Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy.
- Không giữ được theo ý muốn khi muốn xì hơi hoặc mắc đi tiêu.
- Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống.
Đường sinh dục: Sa tử cung, sa bàng quang hay sa trực tràng và ruột.
Rối loạn tình dục: Giao hợp đau, giảm cảm giác, cảm giác cửa mình rộng.
Đau vùng chậu mạn tính: Đau vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới, vùng cửa mình.
Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu
Để điều trị ban đầu tình trạng rối loạn chức năng sàn chậu, bác sĩ Thủy khuyến cáo phụ nữ cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tập luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn hoặc tập với máy siêu âm, máy hướng dẫn tập hoặc kích thích điện cơ để nhận biết nhóm cơ cần tập.
Ngoài ra, tập vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soát tiêu tiểu hay sử dụng vòng nâng Pessary điều trị sa cơ quan vùng chậu, són tiểu cũng hữu ích. Khi có triệu chứng viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo, bệnh nhân cần điều trị thuốc, trong trường hợp nặng hơn có thể phải phẫu thuật.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.