Khi được hỏi, chị Mộc Khiết (tên thật Văn Kiều Tiểu Giang, 32 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) mô tả cuộc sống hiện tại “trên cả tuyệt vời” vì ngày nào cũng giống như nghỉ dưỡng.
“Mình đang sống và làm việc cùng nhóm 7-8 người trẻ ở thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Sáng sớm, mình bắc ghế ra ngoài đón bình minh và những tia sáng đầu tiên nhẹ nhàng. Có khi đi cắm trại trên núi, mình ra hồ đón ánh nắng, nhâm nhi ly trà, cà phê. Đến tối, mọi người quây quần, trò chuyện như gia đình. Thích thì đi đâu đó camping qua đêm, ngủ lều còn nhiều hơn ở nhà”, chị nói với Zing.
Trước khi về gần gũi với thiên nhiên, chị Khiết quẩn quanh với cuộc sống của một nhân viên “ngồi máy tính, sống máy lạnh” trong 10 năm ở TP.HCM.
Tháng 12/2021, chị bỏ đi mọi thứ được cho là ổn định để sống cuộc đời mình mong muốn.
Chị Mộc Khiết làm nhân viên văn phòng ở TP.HCM 10 năm trước khi từ bỏ tất cả để về Lâm Đồng sinh sống. |
Bỏ phố về rừng
Sau khi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM, chị Mộc Khiết trải qua nhiều công việc như làm về logistics, biên dịch, thư ký dự án, marketing. Bị cuốn vào vòng xoáy bận rộn, chị ít có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch.
Cách đây 3 năm, sau chuyến đi chơi ở Đà Lạt, chị Khiết bắt đầu thích cây cối, thiên nhiên, đi chân đất, nhịp sống an yên và những thứ giản dị. Tuy nhiên, chị lại sống trong những tòa cao ốc, máy lạnh, hối hả, bon chen.
“Khi ấy, mình chỉ dám ôm mộng vì mình sợ. Sợ làm gia đình thất vọng, sợ không ổn định, sợ không biết phía trước là gì, sợ không biết bắt đầu từ đâu và xoay xở thế nào. Tất cả nhấn chìm ước mơ và trả mình về cái gọi là thực tế”.
Giữa năm 2020, chị Khiết nhận ra bản thân đã mất quá nhiều thời gian để mơ mộng và sợ hãi. Thực tế, cố chấp ở lại TP.HCM làm công việc văn phòng không khiến chị vui vẻ, hạnh phúc và bình yên. Chị chỉ đang cố gắng sống theo kỳ vọng, đánh giá của mọi người xung quanh.
Từ đó, chị Khiết bắt đầu lên kế hoạch bỏ phố về rừng. Thế nhưng, “khi bạn chần chừ, vũ trụ sẽ đẩy bạn đi”.
Sau 3 năm chỉ dám nuôi ước mơ, chị Mộc Khiết quyết định bỏ phố về rừng khi nhận thấy bản thân cần thay đổi. |
Giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM. Mọi công việc và dự án của chị Khiết đều bị hủy bỏ. Tuy nhiên, đó là cơ hội để chị bắt đầu lại mọi thứ, trải nghiệm và đối mặt với nỗi sợ thay vì cứ ngồi nghĩ về nó.
“Chúng ta không bao giờ tìm được bình yên nếu không dũng cảm đối mặt với nỗi sợ”, chị nghĩ.
Trong nửa năm về quê tránh dịch, chị quyết định rời đi ngay sau khi tiêm mũi 2. Bỏ hết tiện nghi nơi phố thị náo nhiệt, chị Khiết dọn dẹp và thanh lý đồ đạc, chỉ xách một chiếc vali về rừng.
“Chẳng vì cú sốc tinh thần hay bất mãn với nơi này, mình rời đi khi không còn thấy đồng điệu. Mình cũng không biết phải làm gì tiếp theo. Chỉ là có gì đó bên trong khao khát những cánh rừng, cỏ cây, hoa lá, nơi thưa thớt bóng người và nghe chim hót rõ hơn tiếng nhạc”, chị kể.
Hành trang khi bỏ phố về rừng của chị Mộc Khiết chỉ là một chiếc vali và 5 triệu đồng vay của mẹ. |
Cơ duyên
Đầu năm 2022, khi bàn giao xong công việc, chị Khiết lên Đà Lạt. Chị dự định làm trong lĩnh vực homestay hoặc du lịch trải nghiệm nên muốn tìm công việc có thể giúp tạo dựng mối quan hệ và ở gần farm, rừng nhiều hơn.
Trong thời gian này, vì muốn thử đi nơi khác, chị Khiết tới Bình Thuận và vô tình gặp nhóm bạn trẻ đang đi trải nghiệm về rừng. Chị xin theo chân họ.
Vốn quen cuộc sống tiện nghi ở TP.HCM, chị Khiết gặp không ít khó khăn để thích ứng.
“Khi đó, team đi rừng theo kiểu sinh tồn. Mọi người tìm đến những vùng hoang sơ, đồng bào dân tộc sinh sống để mua rượu cần, đặc sản và đăng lên mạng bán. Trải nghiệm ở rừng khiến mình bị sốc khi phải lấy nước suối rửa đồ ăn, lâu lâu mới gặp nhà dân ghé xin nước hay tắm ở suối. Thế nhưng, mình ý thức được rằng bản thân phải linh hoạt để thích nghi và vượt qua giới hạn, không thể trở về cuộc sống như xưa”.
Cơ duyên gặp nhóm bạn trẻ ở Bình Thuận khiến chị Mộc Khiết bớt mông lung với con đường đã chọn. |
Sau chuyến đi, cả nhóm tập trung lại từ trước Tết Nguyên đán. Họ bàn bạc, hẹn nhau mùng 10 lên xứ D’ran thuê nhà để sống và làm việc.
Nơi này cảnh đẹp, không quá xa Đà Lạt, khí hậu cũng tương tự nhưng hoang sơ hơn nhiều. Do đó, team chị Khiết chọn để tổ chức tour nhỏ về trải nghiệm rừng cho mọi người.
“Anh trưởng nhóm của tụi mình hoạt động trong lĩnh vực trekking. Team cũng có các bạn trẻ sinh năm 1996-2000 yêu thiên nhiên và khao khát tìm hiểu bản thân. Tất cả có chung đam mê nên tập hợp lại với mục đích đưa mọi người về với thiên nhiên hoang sơ để lắng lại, thấu hiểu bản thân và quên đi sự xô bồ, nghịch cảnh trong cuộc sống. Sau đợt dịch, tụi mình thấy xu hướng này ngày càng phát triển nên muốn tạo sân chơi, không đặt nặng kinh doanh”, chị cho biết.
Nhóm chị Mộc Khiết muốn tổ chức các tour nhỏ về trải nghiệm rừng cho mọi người. |
Thay đổi
Nhớ lại thời điểm quyết định nghỉ việc, chị Khiết khiến gia đình và người xung quanh sốc vì “môi trường tốt, thu nhập ổn định”. Tuy nhiên, chị chưa bao giờ thấy thoải mái khi ngồi máy lạnh làm việc 8 tiếng mỗi ngày.
Người buồn nhất là mẹ chị Khiết. Bởi vậy, trong 6 tháng ở nhà tránh dịch, chị thủ thỉ với bà về ước muốn làm điều gì đó hạnh phúc hơn thay vì theo đuổi sự ổn định.
Ban đầu, sự chấp nhận của mọi người còn gượng ép. Nhưng sau đó, họ dần nhẹ nhàng hơn và gọi điện hỏi thăm chị đang ở đâu, làm gì, sống ra sao.
Khi bỏ phố về rừng, chị Khiết thừa nhận trong túi chỉ có 5 triệu đồng.
“Trước đó, mình cho bạn mượn tiền nên gần như trắng tay. Về nhà, mình mượn tiền của mẹ nhưng không dám lấy nhiều vì biết con đường này bấp bênh, không ổn định. Đến giờ, công việc của mình vẫn là 0 đồng, chưa có gì ổn định”, chị cười nói.
Sau nhiều năm sống theo kỳ vọng của mọi người, chị Mộc Khiết cảm thấy được là chính mình khi về gần gũi thiên nhiên. |
Theo chị Khiết, nỗi sợ khi bỏ phố về rừng không nằm ở việc có tiền hay không. Đó là tâm lý đã sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thử thách hay chưa.
Bởi với chị, bỏ phố về rừng là hành trình dài, không phải khoảnh khắc thoáng qua hay giai đoạn.
“Mọi người sẽ trải qua những điều không mong muốn, từ nơi ở, môi trường đến công việc. Tuy nhiên, ai cũng phải lựa chọn, vượt qua khó khăn để hiểu bản thân muốn gì. Không phải cứ thấy trên mạng ảnh đẹp, tò mò hay gặp cú sốc, trốn chạy nghịch cảnh là về rừng. Nếu không biết mình thực sự muốn gì sẽ dễ mông lung, muốn quay lại thành phố”, chị nói.
Đến hiện tại, với chị Khiết, lựa chọn này là đúng đắn và xứng đáng để đánh đổi.
Lúc trước ở TP.HCM, chị lúc nào cũng phải chỉn chu từ trang điểm đến quần áo, giày dép để đi làm. Khi bắt đầu con đường này, chị không mang nhiều đồ skin care, tự tin để mặt mộc và không đặt nặng ngoại hình.
Dù không tiện nghi như khi ở thành phố, chị Mộc Khiết hài lòng với cuộc sống hiện tại. |
Trong suy nghĩ của chị Khiết, mỗi người đều có ước mơ, lựa chọn riêng trong cuộc sống. Không phải thích trụ lại thành phố mua nhà, tậu xe là xấu, về rừng là viển vông. Tất cả đều thuộc về cá nhân và cần được tôn trọng.
“Mình hay nói giỡn với mọi người rằng: ‘Giờ ai mà kêu về thành phố thì sẽ mắng cho’. Vì giờ mình biết nơi thuộc về và không muốn quay lại. Mình hạnh phúc vì đang được làm đúng công việc mình thích là du lịch trải nghiệm”, chị Khiết chia sẻ.
“Không quan trọng ở đâu, nơi nào ta qua, có tình yêu thương thì đó là nhà”, chị nói thêm.