Loạt ảnh "khoe gia tài" là hàng trăm cuốn báo của Nguyễn Tho (26 tuổi, nhiếp ảnh gia ở Bình Định) nhanh chóng gây chú ý khi xuất hiện trong một diễn đàn mạng.
Nhìn vào đó, nhiều bạn trẻ thuộc lứa 8X, 9X đời đầu như được sống lại một thời "tuổi thơ dữ dội" của chính mình.
Chia sẻ với Zing.vn, Nguyễn Tho cho biết cô mua báo tuổi teen đều đặn từ năm học lớp 8 đến 12. Hoa học trò, Mực tím, Trà sữa tâm hồn, Báo Phụ nữ là những đầu báo 9X thích nhất.
Nhiều năm trôi qua, Nguyễn Tho không nhớ mình từng mua bao nhiêu cuốn. Từng cho bạn bè mượn và thất lạc khá nhiều khi xây nhà, Tho nói cô chỉ còn giữ được gần 200 cuốn. Với nữ nhiếp ảnh gia, đó là cả gia tài cô trân quý.
Các cuốn báo tuổi teen từng khiến lứa 8X, 9X đời đầu "mê mẩn", tìm cách mua bằng được. |
Nguyễn Tho kể hồi đó sáng thứ hai nào tan học, cô cũng đạp xe "như bay" tới bưu điện để mua báo, dù ngược đường về nhà. Ngay cả trời trưa nắng 37 độ cũng không khiến 9X nản chí. Nhiều khi tới muộn, báo được bán hết, cô đành ra về với nỗi buồn lớn.
"Bạn bè chơi thân nói mình đại gia nhất nhóm vì tuần nào cũng mua báo đọc. Mình lớn lên ở quê nên lúc ấy số tiền 5.000 đồng hay 22.000 đồng cho số đặc biệt thực sự rất lớn. Lên lớp 6, ba mẹ đôi lúc đi làm xa có để một khoản tiền nhỏ ở nhà cho mình tự lo cơm nước. Nhiều lúc dành hết tiền mua báo, cả tuần ăn mì tôm thôi cũng thấy ngon", Tho nhớ lại.
Chia sẻ lý do "mê mẩn" báo tuổi teen đến vậy, 9X Bình Định nói mình học từ đó nhiều điều thú vị, những câu chuyện hài hước, các vấn đề trong cuộc sống... và giúp cô mở lòng hơn.
Là người trân trọng kỷ niệm, Tho nói những cuốn báo, poster in hình thần tượng hay tập nhật ký thời đi học được cô coi như báu vật, luôn giấu trong góc vì sợ mẹ bán đồng nát.
Nhiều khi, bạn bè hỏi mượn báo Tho không nỡ cho vì sợ cũ nhanh. Thỉnh thoảng, cô mở "kho báu" ra xem lại là cả "vùng trời tuổi thơ" ùa về.
Nữ nhiếp ảnh gia Bình Định trân quý và giữ gìn cẩn thận các tờ báo mua cách đây trên dưới 10 năm. |
Dưới bài đăng của Nguyễn Tho, nhiều dân mạng cũng nhắc lại một thời "tuổi thơ dữ dội".
"Ngày xưa cứ thứ hai là có báo, đứa nào trong lớp mua được là 'oai như cóc' hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là 'rich kid'. Toàn tranh nhau mượn để mở trang toàn các cung hoàng đạo ra để đọc xong rồi trả. Ôi tuổi thơ dữ dội của tôi", An An bình luận.
Anh Thư kể mình đều đặn mua báo từ năm lớp 6 đến hết năm nhất đại học. Thiếu bất cứ số nào, tài khoản này đi lùng khắp các sạp báo ở Hà Nội để tìm bằng được, không có thì đi xin.
"Đến khi đi làm, dọn phòng chật chỗ quá phải bán đi mà lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa", Anh Thư nhớ lại.
Nguyễn Thương nhớ mỗi lần H2T ra số đặc biệt, cô nhịn ăn sáng dần để có 28.000 đồng mua báo.
"Chủ nhật không đi học, chiều lóc cóc đi xe ra tiệm sách cách nhà 3 cây số để được cầm trên tay số mới nhất và hít hà mùi báo mới in. Mỗi lần đọc cứ nhín nhín đi sợ hết, để dành truyện ngắn lúc nào thảnh thơi nhất thì đọc, rồi đọc xong lại ngồi mơ mộng. Mới đó mà chục năm rồi.Thời gian trôi nhanh ghê, ước gì...", người này viết.
"Ai biết anh Chánh Văn chắc giống mình già lắm rồi", "cả xóm ít nhà có tủ lạnh, nhà mình bán 5.000 đồng một cục đá lạnh lấy tiền mua báo" hay "ngày xưa cũng 'nghiện' lắm nhưng nhà nghèo không có tiền toàn đi mượn bạn", "ngày ấy dán poster, postcard H2T kín khắp phòng"... cũng là những "kỷ niệm dữ dội" khiến nhiều bạn trẻ không thể quên.