"Hội chợ" phù hoa mang tên Alta Moda
"Hội chợ phù hoa" là những lời Suzy Menkes - nhà phê bình thời trang nổi tiếng người Anh - đã nói về các show diễn Alta Moda của Dolce&Gabbana. Trong tiếng Italy, thuật ngữ này có sự tương đồng với cụm từ Haute Couture, có nghĩa là thời trang cao cấp. Alta Moda là sân chơi dành riêng cho những nhà thiết kế tên tuổi của Italy với 2 bộ sưu tập trong năm. Bắt đầu từ năm 2012, Dolce&Gabbana chính thức tách khỏi khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris (Pháp) và tự tổ chức buổi trình diễn mang tên Alta Moda hay Ala Sartoria. Không đơn thuần là sàn runway thông thường, mỗi show trình diễn được giới mộ điệu ví như buổi yến tiệc thời trang xa hoa. Khách mời giới hạn khoảng vài trăm người. Các thiết kế thuộc bộ sưu tập được thực hiện thủ công hàng trăm giờ đồng hồ với mức giá khởi điểm là 82.000 USD.
Vẻ đẹp Phục Hưng của nền văn hóa Italy
Những thiết kế của Dolce&Gabbana trong bộ sưu tập Alta Moda chính là "tấm gương" phản chiếu sự hào nhoáng của thời kỳ Phục Hưng. Các trang phục này luôn có mục đích duy nhất là tôn vinh nét đẹp và văn hóa châu Âu. Trong mùa mốt 2020, thương hiệu tập trung vào văn hóa của Florence (Italy) với hơn 80 mẫu thiết kế cao cấp trình diễn tại Villa Bardini. Trang phục đều được bao phủ bởi những bức tranh sơn dầu thời Phục Hưng đính kết hoa 3D hay nghệ thuật thêu ren tulle cùng kiến trúc tiêu biểu của Florence được vẽ bằng tay. Ngoài ra, cả hai nhà thiết kế của hãng cũng thay đổi kiểu vương miện đặc trưng bằng những loại băng đô cài hoa to bản thể hiện sự nữ tính, lãng mạn của quý cô châu Âu. Giám đốc sáng tạo Domenico Dolce chia sẻ trên Vogue: "Trong giai đoạn Phục Hưng, các nghệ nhân đến từ Florence sử dụng nguyên liệu có sẵn trong xưởng để tạo ra tác phẩm mang đậm tinh thần thời trang cao cấp. Cách làm này được xem như tiền thân của nghệ thuật Arte Povera".
Thúc đẩy doanh thu cho Dolce&Gabbana
Những năm gần đây, show diễn Alta Moda của hãng có bước tiến lớn khi bắt đầu mang đến các đất nước khác. Ở mỗi nơi, hai nhà thiết kế đều tìm cách lồng ghép giá trị và vẻ đẹp văn hoá đặc trưng hoà quyện cùng tư duy thẩm mỹ của Italy. Thậm chí, họ còn chiều lòng khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu như gửi thiệp mời điện tử đến xem show, tham khảo các chi tiết trên trang phục để tìm ra tác phẩm phù hợp với tính cách, gu ăn mặc rồi gửi riêng hình ảnh đến từng người. Thậm chí, Dolce&Gabbana còn tổ chức show diễn kéo dài 3 ngày, chỉ để các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới chiêm ngưỡng bộ sưu tập một cách hoàn hảo. Nhiều người nói rằng những buổi trình diễn Alta Moda là cuộc chơi ngông cuồng, phô trương và phù phiếm của nhà mốt Italy. Nhưng Domenico Dolce - Stefano Gabbana chỉ đơn giản là kẻ hiện thực hóa giấc mơ xa hoa và phô diễn theo cách lộng lẫy nhất dành cho tầng lớp thượng lưu.