Bỏ thi tốt nghiệp đồng nghĩa với việc 'chạy điểm'
Điều cần đặt ra là nếu tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế, thì khâu ra đề phải làm sao vừa bảo đảm tính phân loại, vừa không đánh trượt quá nhiều học sinh.
Theo quan điểm của người viết, có thể nói đó là một tin vui khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có phản ứng rất nhanh trước các ý kiến tại hội nghị do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7, nhất là việc "nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao, để 2 kỳ thi quốc gia diễn ra gần nhau quá gây khổ cho nhà trường, học sinh". Ý kiến này được một số nhà giáo, nhà khoa học ủng hộ.
Chỉ một ngày sau, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, thay mặt Bộ GD& ĐT cho biết: "Thi tốt nghiệp THPT là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình dạy học. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay nếu không thi tốt nghiệp THPT chất lượng dạy và học sẽ đi xuống".
Có một điều cả hai phía, Mặt trận TQ và Bộ GD&ĐT đều thống nhất: "Các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ-ĐH được tổ chức khá gần nhau gây lãng phí tiền của dân và tạo nhiều bức xúc xã hội".
Câu hỏi đặt ra, bỏ một kỳ thi hay bỏ cả hai kỳ thi? Nếu bỏ một kỳ thi thì bỏ kỳ thi nào? Trả lời câu hỏi này không thể dựa vào cảm tính mà phải dựa vào thực trạng xã hội và những điều mà pháp luật quy định.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. |
Ba nguy cơ bỏ thi
Thứ nhất: Với nhận thức hạn chế của một số cha mẹ học sinh, với tâm lý lười biếng của một bộ phận không ít học sinh phổ thông, bỏ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc thúc đẩy hiện tượng "chạy điểm, xin điểm" ngay từ năm đầu tiên của bậc học THPT.
Điều này không chỉ tạo nên sự bất công khi người nghèo không có tiền để chạy, mà nguy hiểm hơn nữa nó tạo ra một nhóm người sống dựa vào sức mạnh đồng tiền.
Thứ hai: Với trình độ và chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay, bỏ thi dễ tạo tâm lý dạy dỗ nhẹ nhàng, thậm chí còn là tạo điều kiện cho tiêu cực xuất hiện.
Thứ ba: Ở góc độ quản lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cung cấp các số liệu chính xác, khách quan để đánh giá chất lượng dạy và học từng trường, từng địa phương. Tất nhiên sự nghiêm túc của kỳ thi là vấn đề lớn mà ta tạm thời chưa đề cập. Chỉ dựa vào kết quả học tập ba năm phổ thông để đánh giá chất lượng dạy và học bậc THPT sẽ chỉ khuyến khích bệnh thành tích mà lâu nay xã hội đã gay gắt phê phán.
Điều gì xảy ra khi tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ
Lấy ví dụ kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 có 1.298.522 thí sinh thi ĐH và 205.062 thí sinh thi CĐ. Chi tiêu cho các loại lệ phí, phương tiện đi lại, nhà trọ... tiết kiệm tối đa thì cũng mất 2 triệu cho một đợt thi. Như vậy với 1.503.584 thí sinh, số tiền khiêm tốn nhất mà người dân phải bỏ ra là khoảng 3000 tỷ, đấy là chưa kể đến các phát sinh về an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội...
Luật GDĐH đã quy định các trường ĐH được phép tự chủ trong công tác tuyển sinh, điều này có nghĩa là bắt buộc các trường phải thi ĐH 3 chung là trái luật. Thế nhưng trong thực tế, ngành GD & ĐT không thể vừa bỏ thi tốt nghiệp THPT lại cũng bỏ luôn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Tổ chức thi và quy định điểm sàn tạo nên khó khăn về việc xét tuyển, do thí sinh dự thi nhiều trường nên lượng thí sinh ảo chiếm tỷ lệ khá cao. Khi báo trúng tuyển bao giờ các trường cũng báo dư, có trường gửi giấy báo vượt chỉ tiêu tới 30%. Hậu quả là khi thí sinh nhập học đủ theo giấy báo thì các trường bị quá tải và cơ chế "xin cho" xuất hiện.
Với các phân tích trên đây, người viết hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Bộ GD&ĐT, không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà là bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như thế nào?
Dù còn đôi điều để nói song phải khẳng định rằng kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là một kỳ thi khá nghiêm túc, do tính cạnh tranh cao. Kết quả thi của thí sinh phản ánh khá đúng năng lực của từng người.
"Trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm nay không phản ánh thực chất quá trình dạy và học ở bậc học này. Cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay cũng không góp phần nâng cao chất lượng dạy và học", như ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Trước khi nêu một vài đề xuất, người viết cho rằng nhắc lại cách tổ chức thi ĐH những năm chiến tranh lại là một điều bổ ích. Khi đó mỗi trường ĐH phụ trách coi thi tại một tỉnh.
Lãnh đạo các ban chỉ đạo, giám thị tất cả phòng thi đều do trường đại học, cao đẳng đảm nhận, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm công tác hậu cần, an ninh và thường có một lãnh đạo địa phương giữ chức vụ phó ban tuyển sinh tỉnh hoặc phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh.
Áp dụng cách thức của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là một cách làm khoa học và hợp lý. Xin để xuất các bước cụ thể như sau:
Thứ nhất, hình thành các cụm (địa điểm) thi tốt nghiệp THPT theo đơn vị hành chính.
Thứ hai, học sinh thi tốt nghiệp được xáo trộn và lập danh sách như thi đại học, cao đẳng.
Thứ ba, điều động giảng viên các trường đại học, cao đẳng kết hợp với giáo viên phổ thông nhưng không phải là người địa phương làm giám thị coi thi.
Thứ tư, cố gắng tối đa các môn thi trắc nghiệm để chấm bằng máy, Bộ GD&ĐT thành lập các hội đồng chấm những môn tự luận theo nguyên tắc trao đổi giữa các địa phương.
Thứ năm, hồ sơ thi tốt nghiệp THPT cần có mục đăng ký nguyện vọng học đại học, cao đẳng để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.
Lợi ích đầu tiên có thể thấy là bớt đi sự quá tải về giao thông và những xáo trộn xã hội. Như đã nêu, với một triệu rưỡi thí sinh dự thi, giả thiết cứ 3 thí sinh thì có một người nhà đi kèm, như vậy sẽ có khoảng 2 triệu lượt người phải di chuyển.
Tổ chức thi tại địa phương, nếu mỗi phòng thi có từ 30-40 thí sinh, 2 giám thị, số người phải di chuyển (giám thị) sẽ giàm từ 15-20 lần. Hơn nữa những người này đều là giáo viên có kinh nghiệm sống nên sẽ không còn tình trạng "mẹ lạc con" hay phải dùng xe bọc thép chở thí sinh như kỳ thi vừa qua.
Điều cần đặt ra là nếu tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế, thì khâu ra đề phải làm sao vừa bảo đảm tính phân loại, vừa không đánh trượt quá nhiều học sinh. Không có gì phải né tránh khi nói rằng, đánh trượt nhiều sẽ tạo gánh nặng tâm lý cho con trẻ, tạo áp lực cho gia đình và xã hội. Nhưng sẽ không phải là tư duy khoa học khi cho rằng cứ tốt nghiệp phổ thông là đủ năng lực theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
Bỏ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa đúng luật, vừa đỡ gây bức xúc xã hội. Không những thế, nếu thực hiện được các bước theo đề xuất, chắc chắn những tiêu cực trong quá trình dạy và học, trong thi cử sẽ giảm thiểu tối đa, vậy Bộ GD&ĐT còn chờ gì?
Người viết và nhiều đồng nghiệp rất mong lại nhận được tin vui từ phía Bộ nếu các quyết sách cho năm 2014 được đưa ra nhanh nhạy như phản ứng của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
TS. Dương Xuân Thành
Theo Vietnamnet