Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ tiền để mua giấc ngủ ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều người Trung Quốc sẵn sàng vung tiền để mua được giấc ngủ ngon, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây.

"Lần gần nhất bạn thức trắng đêm là khi nào?", đây là câu hỏi được đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đặt ra vào ngày Giấc ngủ Thế giới (World Sleep Day) 15/3 và nhanh chóng thu hút sự bàn luận của dân mạng.

Trên Weibo, bài đăng của hãng thông tấn quốc gia về chứng rối loạn giấc ngủ đã thu hút hơn 1,9 triệu lượt xem cho tới nay, các hashtag liên quan cũng có hơn 300 triệu lượt xem và đang là từ khóa tìm kiếm lọt top xu hướng.

Theo Jing Daily, ở Trung Quốc, chứng rối loạn là một vấn đề lo ngại cho quốc gia. Nhiều người tiết lộ họ đã không có nổi giấc ngủ ngon suốt 5 hay 10 năm, không ít bà mẹ mắc chứng rối loạn giấc ngủ từ sau khi sinh con.

nguoi trung quoc mat ngu anh 1

Ngày càng nhiều người Trung Quốc chi tiền để có được giấc ngủ ngon. Ảnh: Pinterest.

Bán giấc ngủ ngon

Theo Báo cáo Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc năm 2022, trong một thập kỷ qua, số giờ ngủ trung bình đã bị rút ngắn, từ 8,5 tiếng vào năm 2012 xuống 7,06 tiếng vào năm 2021.

Có khoảng 300 triệu người Trung Quốc mắc chứng rối loạn giấc ngủ, đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm tình hình, đặc biệt là với giới trẻ. Có đến 94% dân số nước này không đạt tiêu chuẩn sức khỏe về chất lượng giấc ngủ.

Bên cạnh đó, 44% thanh niên trong độ tuổi 19-25 thường thức đến nửa đêm. Thanh niên từ 19 đến 35 tuổi có tỷ lệ mắc chứng khó ngủ cao, biến việc ngủ không ngon giấc đang trở thành "nỗi đau chung" của một thế hệ.

Những lý do lớn nhất dẫn đến chứng mất ngủ được đưa ra là công việc và xã hội, áp lực làm thêm giờ, chăm sóc con cái.

Guo Xiheng, Giám đốc Trung tâm Hô hấp và Giấc ngủ của Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, gợi ý rằng mọi người nên đi ngủ từ 22h đến 23h, muộn nhất là nửa đêm và tốt nhất nên duy trì giấc ngủ kéo dài 7-8 tiếng.

Thiếu ngủ lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, trầm cảm... Nỗi lo này đã thúc đẩy thị trường các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, bao gồm ứng dụng thiền, sản phẩm mùi hương thư giãn, thuốc melatonin, bùng nổ.

nguoi trung quoc mat ngu anh 2

Show thực tế thử thách đi ngủ trước 23h thu hút sự chú ý lớn. Ảnh: Jing Daily.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giải trí cũng khai thác nội dung về mảng này. Kuaishou, đối thủ của TikTok, gần đây đã tạo ra chương trình tạp kỹ "Go To Bed at 11 PM" (Đi ngủ lúc 11h tối).

Chương trình có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng, họ phải thực hiện thử thách đi ngủ trước 23h với sự giúp đỡ của bác sĩ, chuyên gia và các công cụ hỗ trợ khác như viết thư pháp, thiền định hay massage chân.

Series này nhanh chóng thành công, với hơn 119.000 video liên quan được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người dùng thử nghiệm sản phẩm và liệu pháp mà các chuyên gia đề xuất để cải thiện giấc ngủ của họ.

Ngành hàng xa xỉ mới

Giấc ngủ mang ý nghĩa về sức khỏe, thường được gắn liền với sự xa xỉ. Nó có hàm ý về chất lượng và đẳng cấp, mang lại cho các thương hiệu cao cấp lợi thế ban đầu trong lĩnh vực này.

James Hebbert, Giám đốc điều hành của Hylink UK, cho rằng định nghĩa về sự xa xỉ đang dần hình thành trong tâm trí người tiêu dùng Trung Quốc.

nguoi trung quoc mat ngu anh 3

Ngành công cụ hỗ trợ giấc ngủ đang bùng nổ tại Trung Quốc.

"Nhiều khách hàng của chúng tôi nói rằng sức khỏe đang là thứ xa xỉ mới. Vì vậy, nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ ngày càng có nhiều cơ hội phát triển, bao gồm cả dịch vụ trong phong cách sống, công nghệ, thời trang".

Với sự tăng cường nhận thức về sức khỏe trong đại dịch, các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ được kỳ vọng sẽ phổ biến hơn.

Theo iiMedia Research, từ năm 2016 đến năm 2020, quy mô toàn ngành đã tăng từ 41,1 tỷ USD lên 59,3 tỷ USD và dự kiến ​​sẽ vượt quá 157,1 tỷ USD vào năm 2030.

Cũng theo khảo sát này, khi đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ, 40,36% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chọn mua các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ. Các sàn thương mại điện tử và nền tảng video ngắn là nơi họ mua chúng.

"Sự xa xỉ" có thể trở thành định hướng phát triển dịch vụ của nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ.

"Ngay cả trong nền văn hóa làm việc 996 đầy thách thức, người ta cũng phải dành phần lớn thời gian để ngủ, vậy tại sao không tìm một chút gì đó xa xỉ để giúp họ ngủ tốt hơn", Hebbert kết luận.

Người Trung Quốc vung tiền vẫn không mua được giấc ngủ ngon

Hàng triệu người Trung Quốc đã chi tiền mua đủ loại thiết bị hỗ trợ, liệu pháp khác nhau vẫn không thể thoát khỏi chứng mất ngủ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm