Người dân thuộc bộ tộc Cinta-Larga ở Brazil. Ảnh: Gov.br |
Ngày 7/2/2004, Nacoça Pio là một trong những người đầu tiên biết về vụ thảm sát đẫm máu. Là thủ lĩnh của bộ tộc Cinta-Larga sống biệt lập nhiều thế kỷ trong rừng mưa Amazon ở Brazil, ông hiểu rõ sự căng thẳng giữa bộ tộc của mình và những kẻ săn kim cương da trắng đang cố làm giàu từ vùng đất này. Thi thể của 26 thợ mỏ đã được tìm thấy gần khu bảo tồn của bộ tộc. Một số bị bắn bằng tên, súng và số khác bị đánh chết bằng gậy.
Trong cuốn sách có tên When We Sold God’s Eye: Diamonds, Murder, and a Clash of Worlds in the Amazon (tạm dịch: Khi chúng ta bán đi đôi mắt của Chúa: Kim cương, Kẻ sát nhân và Cuộc xung đột văn hóa tại Amazon), tác giả Alex Cuadros viết: "Hai thi thể mất mắt làm dấy lên tin đồn rằng những chiến binh đã bôi mật ong lên mắt nạn nhân để thu hút kiến và ong".
Alex Cuadros, cựu phóng viên của Bloomberg, đồng thời cũng là "cây bút" của Harper's, Bloomberg Businessweek, The New Yorker, The Washington Post, The Atlantic cùng nhiều tờ báo khác, đang thực hiện một cuốn sách viết về sự kiện có thật liên quan đến nhóm người bản địa vừa được phát hiện ở Amazon.
Trong phiên tòa xét xử vào tháng 11/2023, bên công tố cáo buộc rằng "những người bản địa đã thực hiện những hành vi này nhằm ngăn cản bất kỳ ai khai thác kim cương trên đất của họ". Trong đó, Pio, người bị giới truyền thông địa phương gọi là "ông trùm kim cương", là một trong những nghi phạm chính. Vụ thảm sát gây rúng động nhưng không bất ngờ.
Từ năm 1999, khu mỏ Suối Ruồi Đen được đồn đại mang đến giá trị hơn 20 triệu USD/tháng đã làm gia tăng sự căng thẳng giữa người bản địa và kẻ săn kho báu.
Hoạt động phá rừng để khai thác kim cương ở Brazil. Ảnh: Fellipe Abreu. |
Trước khi những thợ săn kho báu da trắng đến, bộ tộc Cinta-Larga có dân số chưa đến 2.000 người. Họ vốn không biết gì về thế giới văn minh, không có khái niệm về lịch, đồng hồ, tiền bạc hay sự giàu có. "Khi chúng tôi muốn gì đó, như hạt, mật ong hay trái cây, chúng tôi chỉ cần vào rừng kiếm", Pio chia sẻ.
Theo truyền thuyết được kể, bộ tộc này từng theo chân đoàn thám hiểm Amazon do Theodore Roosevelt dẫn đầu vào đầu thế kỷ XX, họ cũng là những kẻ ăn thịt người, ít nhất là đến những năm 1970. Khi được một nhà nhân chủng hỏi thịt người có vị như thế nào, họ so sánh nó với vị ngon của "thịt lợn vòi đen", Cuadros viết.
Không có khái niệm sở hữu trong thế giới của Cinta-Larga, những viên kim cương ở đây từng bị phụ nữ trong bộ tộc bỏ qua vì thấy không có trị. Có lần, họ phát hiện một viên đá lớn trông như Ngurá inhakíp ("mắt của Chúa"), nhưng ném nó trở lại dòng suối vì không biết làm gì với nó.
Bộ tộc Cinta-Larga sinh sống ở phía tây Brazil. Ảnh: Australia News. |
Rắc rối bắt đầu vào năm 1999, khi người thợ mỏ Luca Pintado đến vùng Cinta Larga để tìm kim cương. Từ đó, các nhà khai thác tràn vào bất chấp luật pháp Brazil cấm khai thác trên đất của người bản địa.
Pio, "bộ trưởng ngoại giao" của bộ tộc, quyết định thu phí khai thác để chia lại lợi ích cho người dân của mình. Ông đầu tư vào thuốc men và đội ngũ nhân viên y tế cho bộ lạc. Ông mua bò sữa và thuê một người nông dân để dạy cách vắt sữa bò...
Tuy nhiên, xung đột và bất mãn giữa 2 bên ngày càng leo thang, đến đầu năm 2004, tình hình đã không thể kiểm soát. Sau vụ thảm sát, Pio chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn khi xuất hiện trên phương tiện truyền thông. "Đừng để con trai anh đến đây, đừng để chồng chị đến đây nữa. Hãy biết rằng điều này có thể xảy ra, vì tôi không thể kiểm soát được mọi người", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với TV Globo.
Tác giả Alex Cuadros và cuốn sách viết về bộ lạc bị mất tích của ông. Ảnh: Isobel Wood. |
Cảnh sát liên bang đã cố gắng buộc tội Pio về tội "chỉ đạo" và "xúi giục" giết người, nhưng không tìm đủ bằng chứng để kết tội anh ta. Hai thập kỷ sau, "hầu hết cáo buộc đã quá thời hiệu, hết hạn mà không có phán quyết", Cuadros viết.
Pio vẫn khẳng định: "Nếu tôi có mặt ở đó, tôi đã không để chuyện đó xảy ra". "Những thứ của người da trắng khiến chúng ta lười biếng", ông nói trong một cuộc điện thoại bị chính quyền liên bang nghe lén. Sẽ không có bất hạnh nào xảy ra nếu họ chỉ "ở trong rừng".
"Ít nhất thì chúng tôi không phải lo lắng khi ở đó. Không có quần áo, không có tiền, không có gì cả... Không có súng, không có ngày thường, không có chủ nhật, không có thứ bảy", Pio nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.