Sau những bê bối thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục về những biện pháp, đổi mới cho kỳ thi THPT quốc gia những năm sắp tới.
Nhiều người nhận định kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ có nhiều thay đổi từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi. Bộ trưởng GD&ĐT cần có hành động cụ thể, thông báo sớm để học sinh và thầy cô chuẩn bị.
Cần hành động nhanh, công bố sớm những thay đổi
Trao đổi với Zing.vn chiều 2/8, ông Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, cho rằng, trước hết xã hội cần có câu trả lời minh bạch, công bằng về sai phạm và cách xử lý những cá nhân, tổ chức liên quan.
Nhiều chuyên gia giáo dục uy tín đã trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: NVCC. |
Về những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, ông Dong cho rằng sẽ có nhiều điều cần được xem xét. Trong cuộc gặp gỡ giữa các chuyên gia giáo dục và Bộ GD&ĐT, không ít vấn đề đã được mổ xẻ, từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi...
"Thậm chí, quan niệm thi là gì, thi như thế nào cũng cần được xem lại. Rất nhiều việc cần điều chỉnh để hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc hơn. Bộ GD&ĐT cần hành động nhanh chóng, vì chỉ còn một tháng nữa là bước vào năm học mới. Thay đổi như thế nào cũng cần thông báo sớm cho học sinh và giáo viên kịp điều chỉnh", ông Dong nêu quan điểm.
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm sau sẽ có nhiều thay đổi căn bản.
"Nhiều khả năng có sự tham gia của cán bộ các trường đại học cho đến khâu quét bài thi. Phần mềm chấm thi còn nhiều lỗ hổng cũng phải được khắc phục, không để yếu tố con người can thiệp vào quá trình chấm", ông Ngọc nói.
Đề thi cần chuẩn hóa, chấm thi tập trung
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, cho biết trong cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ GD&ĐT, cơ bản đã thống nhất khâu chấm thi được làm tập trung, không giao về địa phương.
Năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia được dự báo có nhiều thay đổi. Ảnh: Lê Quân. |
"Nguyên tắc chấm là phải làm phách, kể cả phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm. Vấn đề làm phách điện tử không khó khi máy tính sẽ chia hai phần, gồm nội dung bài thi và thông tin thí sinh. Hai phần này sẽ có những mã hóa riêng sao cho thống nhất để ghép lại được sau khi chấm xong.
Bài thi được chuyển cho trung tâm chấm, sẽ không biết của thí sinh nào, bởi đó chỉ là phần nội dung. Các bài thi chấm trực tiếp cũng chỉ giữ lại phần nội dung. Sau khi chấm xong, dữ liệu được gửi về Bộ GD&ĐT", ông Tùng cho biết.
Ngoài vấn đề chấm thi, khâu ra đề thi cũng cần được chuẩn hóa. TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng khâu đề thi cần xem xét lại một cách nghiêm túc, không chỉ đơn thuần là rút kinh nghiệm.
"Phải thay đổi phương pháp luận xây dựng đề trắc nghiệm, đặc biệt ở các câu vận dụng cao. Hiện nay, phương pháp luận là trắc nghiệm hoá tự luận. Đó là điều không giống ai. Chúng ta cũng không có tiêu chuẩn, dấu hiệu, thước đo thế nào là câu hỏi khó. Do đó, công nghệ, quy trình, phương pháp xây dựng câu hỏi trắc nghiệm cần được xem xét nghiêm túc", TS Dũng chia sẻ.
Ông Lê Trường Tùng thì cho rằng có những ý kiến đề nghị mua ngân hàng đề thi của đơn vị khảo thí nước ngoài có uy tín. Tuy nhiên, đây là điều không mấy khả thi vì các đơn vị khảo thí nước ngoài sẽ không bán, cho thuê hoặc Việt hóa ngân hàng đề thi của họ.
Do đó, vấn đề được quan tâm là phải xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong yêu cầu tuyển sinh của mình.
Sáng 1/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương với Thủ tướng, các Phó thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Đánh giá vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ "xin nhận trách nhiệm".
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý vụ gian lận thi THPT quốc gia triệt để, đúng người, đúng tội nhằm lấy lại lòng tin của người dân.