Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT: Đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ không đạt mục tiêu

Sáng 16/11, trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Đề án ngoại ngữ đến năm 2020 không đạt được mục tiêu.

Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về Đề án "dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020".

"Với nhiều hạn chế và 4 nhóm giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã nêu trong báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó, đến năm 2020, dự án sẽ đạt được mục tiêu như mong muốn hay không?", bà Ánh chất vấn.

Nữ đại biểu cũng nêu lên nghịch lý là đòi hỏi trình độ ngoại ngữ đối với học sinh, sinh viên cao hơn nhiều đối với giảng viên, giáo viên.

"Xin hỏi Bộ trưởng, những quy định như vậy có đảm bảo tính logic, yêu cầu về đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập hay không?", đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi.

Không đạt mục tiêu

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong đề án.

Ông giải thích trước hết, học ngoại ngữ là vấn đề rất lớn, có tính chất lâu dài. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian dài, liên quan nhiều nhóm đối tượng khác nhau và cần chi phí lớn.

Ông cho biết trong quá trình xây dựng đề án, Bộ GD&ĐT đã cố gắng đưa ra lộ trình và quyết tâm cao để thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí, công tác chuẩn bị.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về vấn đề này. Ông thừa nhận các đề án cần được xây dựng thiết thực, khả thi, bám sát mục tiêu.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết Bộ đang rà soát để điều chỉnh, trước hết là cách tiếp cận rồi đến mục tiêu. Đề án 2020 không chịu trách nhiệm đào tạo toàn bộ ngoại ngữ cho tất cả nhóm đối tượng, vì không khả thi. Đề án sẽ tập trung những việc mà từng cá nhân, tổ chức, đơn vị khó làm, mang tính định hướng và dẫn dắt.

Cụ thể, chương trình nội dung phải thống nhất, được biên tập, biên soạn hệ thống, đồng thời tính đến yếu tố hội nhập quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo năng lực giáo viên.

Bộ Giáo dục xem tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên là ưu tiên hàng đầu. Vừa qua, Bộ kiểm điểm và nhận thấy khâu chuẩn bị về giáo viên chưa thực sự kỹ, dẫn đến quá trình thực hiện gây khó khăn cho địa phương, đặc biệt các cơ sở giáo dục đào tạo.

de an ngoai ngu 2020 anh 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội sáng 16/11. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT đặt ra vấn đề đào tạo ngoại ngữ suốt đời, không nhất thiết phải cấp bằng. Bộ trưởng cho biết để mọi người đều có quyền và được hưởng thành quả của hội nhập, Bộ tập trung thiết kế những chương trình học, phương thức đào tạo theo hướng trực tuyến.

Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh xã hội hóa phải là tâm điểm để tạo ra động lực chứ không phải trông chờ hoàn toàn vào đề án để đạt mục tiêu.

Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ trình Thủ tướng phương án điều chỉnh đề án. Bộ nhận trách nhiệm để điều chỉnh và bước đầu của dự án là không phải đến năm 2020, 2035, nước ta sẽ phổ cập, nói được tiếng Anh.

“Kinh nghiệm của Malaysia, đặc biệt của Singapore, từ khi giải phóng, họ đã có nền tảng tương đối tốt. Đến khi đạt được trình độ cả nước nói tiếng Anh trung bình, mất 38 năm chứ không thể ngày một ngày hai. Nhưng nếu không có quyết tâm, không có lộ trình, bước đi, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu và rất lãng phí nguồn lực”, ông Nhạ nói.

Nâng trình độ ngoại ngữ của giáo viên

Về nghịch lý giữa trình độ giáo viên và học sinh, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định cần nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm, vì muốn chất lượng học sinh cao, yêu cầu với thầy cô phải cao hơn.

"Tư lệnh" ngành giáo dục thông tin tới đây, đối với giảng viên đại học, trong các hội đồng công nhận GS, PGS, TS cũng sẽ tính đến vấn đề này, nguyên tắc chung là phải có trình độ cao hơn mới đủ khả năng đánh giá người khác. Tuy nhiên, hiện nay, nếu đưa ra chuẩn cao, các thầy cô không thể học ngoại ngữ ngay.

Cũng theo ông Nhạ, yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với giáo viên khi tuyển vào chắc chắn phải cao. Với nhóm thầy cô, cán bộ còn có điều kiện phát triển, việc áp chuẩn ngoại ngữ phải có lộ trình để nâng cao tính khả thi và tránh tình trạng mua bán chứng chỉ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục cho biết sẽ trao đổi với Bộ Nội vụ để phối hợp làm sao cho khả thi, có lộ trình. 

Đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập 3 nhóm vấn đề.

Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông theo định hướng nghề nghiệp.

Nhóm vấn đề về công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Bộ GD&ĐT trả lời về dạy tiếng Nga, Trung Quốc từ lớp 3

Tối 22/9, Bộ GD&ĐT có văn bản giải đáp thắc mắc của dư luận liên quan dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông.

Nguyễn Sương

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm