Chiều 9/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo UBND, sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin tham gia thảo luận có đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm cùng 63 sở GD&ĐT trên cả nước.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định chất lượng giáo viên ảnh hưởng sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Q.Q. |
Tư lệnh ngành giáo dục khẳng định xây dựng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ lớn và quan trọng của ngành. Nếu những chương trình trước, việc đổi mới tiếp cận từ sách giáo khoa, các cấp học, sau đó khớp lại thì chương trình lần này tiếp cận theo hướng quốc tế. Ban thực hiện sẽ xây dựng chương trình theo khung sau đó đến chi tiết. Yêu cầu của chương trình tương đối cao, đảm bảo hướng đến quốc tế và phù hợp địa phương.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kết quả của triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc việc triển khai thực tiễn, trong đó có đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý.
“Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới dựa vào đội ngũ nhà giáo, từ thừa thiếu ra sao, đào tạo thế nào. Đây cũng là một trong những trọng tâm của ngành trong năm 2019”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết vấn đề thứ hai được chú trọng là cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục, cần sự tham mưu của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới thành công hay không phụ thuộc sự kết hợp nhịp nhàng của các bên liên quan, cùng mục đích sớm đổi mới nâng cao chất lượng phổ thông.
Trước đó, tại buổi công bố chương trình giáo dục phổ thông mới chiều 27/12/2018, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho hay chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn.
Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống hạn chế.
Với chương trình mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay để thực hiện giảm tải của chương trình giáo dục phổ thông mới cần giải quyết câu chuyện khắc phục dạy, học thêm, giảm áp lực học tập từ chính cha mẹ để học sinh bớt căng thẳng hơn.
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.
Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.