Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT: Không cần đưa quy định sinh viên bán dâm vào thông tư

Sáng 31/10, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền nói bà không thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận lỗi mà lại chuyển cho người khác về đề xuất đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ tư.

'Tôi không thấy bộ trưởng nhận trách nhiệm' Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng bà không thấy Bộ trưởng GD&ĐT nhận trách nhiệm về đề xuất quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn cuối chiều qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT chủ trương bỏ thông tư đuổi học sinh viên bán dâm đến lần thứ tư. Lỗi do ban soạn thảo, đặc biệt cá nhân năng lực kém, đã đưa thông tin này lên.

Ông Nhạ cho rằng ngành giáo dục có rất nhiều thông tư, văn bản, bộ đang rà soát hàng loạt để sửa đổi, bỏ những văn bản không hợp lý. Trong đó, thông tư quy định đuổi học sinh bán dâm có từ năm 2007 trong quy định với học sinh, sinh viên. Đầu năm 2016 cũng có thông tư nói về vấn đề này.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, do ban soạn thảo và đặc biệt cán bộ cá nhân năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa lên, gây luồng ý kiến xã hội.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là học sinh, sinh viên bán dâm không cần đưa vào thông tư. Đây là vi phạm đã được pháp luật quy định. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý phải sửa ngay, bỏ nội dung này khỏi thông tư.

bo truong gd&dt anh 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 31/10. Ông Nhạ cho rằng quy định đuổi học sinh viên bán dâm do cán bộ ý thức kém đưa lên mạng. Ảnh: Ngọc Duy.

Đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu ý kiến của xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT cần loại bỏ, sửa ngay những thông tư không hợp lý, gây phản cảm. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm, một vấn đề khi chưa được bàn bạc kỹ mà đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc.

Tranh luận sau phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng bà không thấy bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho cá nhân khác.

Mong bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền

Theo bà Hiền, chỉ khi nào bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào bộ trưởng nhận ra năng lực của người giúp việc, và bộ máy quản lý ngành có vấn đề, hạn chế, thì mới có được những giải pháp lấy lại được sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.

“Mong bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né, không tác động”, bà Hiền nói.

Bà Hiền chia sẻ ngoài đại biểu Quốc hội, bà còn là phụ huynh và phụ trách công tác trẻ em. Thời gian qua, bà nhận thấy "nhiều năng lượng tiêu cực của xã hội do Bộ GD&ĐT mang đến". Điều này khiến bà vô cùng lo lắng.

Nữ đại biểu nhắc lại rằng trong buổi chất vấn chiều 30/10, bà có hỏi vai trò của người đứng đầu nhưng không thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trong việc đưa lên dự thảo liên quan đề xuất đuổi học sinh viên 4 lần, mà lại "chuyển trách nhiệm đó cho một cá nhân khác".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân nhắc lại lời phát biểu của bà Hiền và đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm.

Trước đó, cuối phiên chất vấn chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đối với dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ tư.

Bà Hiền cho rằng dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đang lấy ý kiến, trong đó quy định xử lý sinh viên bán dâm, là thiếu cơ sở, phản cảm, đi ngược mục tiêu giáo dục là truyền thụ nhân cách.

Theo nữ đại biểu, dự thảo khiến dư luận lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.

"Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này? Vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sai, sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi tiếp tục sai. Làm cách nào để giữ sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?", bà Hiền chất vấn.

Trước đó, trả lời bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định quan điểm của Bộ GD&ĐT là "sai phải sửa và kiên quyết sửa", cũng như xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo liên quan việc này.

bo truong gd&dt anh 2
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói rằng là phụ huynh và phụ trách công tác trẻ em, bà thấy "năng lượng tiêu cực" mà Bộ GD&ĐT mang đến thời gian vừa qua khiến bà rất lo lắng. Ảnh: Ngọc Duy.

"Bộ Giáo dục chưa làm đến nơi đến chốn, gây phản cảm"

Bàn luận trên VTV1, đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cho hay bà đồng tình với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền về việc Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phải nhận trách nhiệm liên quan đề xuất phản cảm.

Bà An nhấn mạnh các bộ ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, cần chú trọng công tác tuyển dụng nhân sự là người có trình độ, có tâm, tầm để ngành không bao giờ mắc lỗi như vậy.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, các đại biểu rất chia sẻ với bộ trưởng vì có rất nhiều vấn đề nóng. Khi đặt ra câu hỏi, họ đều đã tính toán. Để một thông tư được ban hành, trước đó, bộ trưởng cần chuẩn bị chu đáo, nội bộ cần bàn luận kỹ. Bộ trưởng cũng phải đọc trước khi đưa ra dư luận.

“Vì Bộ GD&ĐT chưa làm đến nơi đến chốn nên gây phản cảm, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng”, ông Cầu nói.

Ông Đỗ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - thông tin về quy trình, cán bộ soạn thảo chịu trách nhiệm về khâu này, nhưng khi đã đưa lên mạng cần có sự chịu trách nhiệm của cấp quản lý.

“Dân gian có câu ‘cháu mà lú, chú phải khôn’, đôi khi cán bộ soạn thảo có thể sơ suất nhưng cấp thẩm định, phê duyệt không thể để lỗi đó xảy ra. Chỉ khi nào lãnh đạo công tâm, thẳng thắn, nhận trách nhiệm, chúng ta mới sửa sai được”, ông Hùng nói. 

Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về năng lực của bộ máy giáo dục Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền thẳng thắn bày tỏ lo ngại về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay trong phiên chất vấn chiều 30/10.

Ngày 29/10, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp để lấy ý kiến nhân dân.

Theo đó, sinh viên, nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư, sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học, sinh viên bị khiển trách và lần thứ hai sẽ cảnh cáo, lần thứ ba đình chỉ có thời hạn. Sinh viên chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên phát hiện vi phạm.

Nhiều luật sư cho rằng quy định trên là hài hước, "quá kỳ cục" và trái luật. Khoảng 22h cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã rút thông tư. Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, khi cập nhật phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ban soạn thảo và cá nhân liên quan.

Bộ trưởng bị truy trách nhiệm về quy định đuổi học sinh viên bán dâm

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền hỏi về vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành giáo dục, khi bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sai, sửa sai, rút kinh nghiệm rồi tiếp tục sai.

Sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Quy định gì kỳ vậy?

Nhiều luật sư sững sờ khi đọc quy định sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học theo dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm