“Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học” là nhấn mạnh được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhiều lần tại kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục diễn ra vào ngày 19/1.
Bộ trưởng cho biết thời gian qua, ngành giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối thiểu tác động của dịch bệnh và thực tế, việc triển khai tích cực. Trong tình hình mới, ngành cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng kể cả với trẻ mầm non, học sinh tiểu học chưa tiêm vaccine, địa phương cũng cần có phương án cho các em trở lại trường. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Cần có phương án cho trẻ chưa tiêm vaccine trở lại trường
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay khảo sát, đánh giá của Bộ GD&ĐT, các địa phương, chuyên gia… cho thấy sau thời gian dài chuyển sang dạy học trực tuyến do dịch bệnh, các địa phương phần nào duy trì nhịp độ học tập, bảo đảm tiến độ.
Tuy nhiên, bộ trưởng đánh giá nếu chúng ta kéo dài hơn nữa việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua Internet, trên truyền hình, tác động tiêu cực có thể sẽ lớn dần, ảnh hưởng chất lượng dạy học cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.
Trong khi đó, đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, kể cả với học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi. Kinh nghiệm phòng, chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường.
Tư lệnh ngành giáo dục cho rằng chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Theo ông, đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo ráo riết việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Thứ trưởng Bộ Y tế đã nêu một số quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa học sinh nhanh chóng học trực tiếp trở lại trong thời gian tới.
"Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở GD&ĐT khẩn trương, cương quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường, kể cả với học sinh trung học đã tiêm vaccine, cũng như học sinh mầm non, tiểu học chưa tiêm vaccine, cần có kế hoạch, hành động mạnh mẽ, kiên quyết, kịp thời hơn”, bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Kim Sơn nói thêm học sinh trung học đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán là một yêu cầu. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức, quan điểm rất quan trọng, nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, quản lý giáo dục, các cấp, ngành. Bộ trưởng nhấn mạnh đến sự đồng thuận, hợp tác từ phụ huynh.
Bộ trưởng cũng khẳng định không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn cách tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Theo ông, trẻ ở nhà học trực tuyến thậm chí còn nguy cơ cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi mở cửa trường học. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Đưa thầy cô, học sinh trở lại trường an toàn
Để học sinh có thể trở lại trường học sớm nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, gia tăng y tế dự phòng, y tế học đường, giáo viên, quy trình, kịch bản ứng phó tình huống…
Ông cho rằng kinh nghiệm mở cửa trường học của Bắc Giang, TP.HCM cần được chia sẻ để các tỉnh, thành khác cũng có thể làm tốt.
Bộ trưởng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan - e dè, chần chừ thái quá trong mở cửa hay khi chuyển sang trạng thái mới, tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch. Bộ GD&ĐT theo đó cũng sẽ ban hành văn bản, điều chỉnh văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, bộ sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.
Ông nhắc lại trước khi học sinh quay trở lại trường, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh. Trong những ngày đầu học sinh trở lại lớp, trường cần có hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác bởi sau thời gian dài học trực tuyến, một số học sinh ngại học, giáo viên ngại dạy trực tiếp. Do đó, trường cần có hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trên lớp.
Với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành giáo dục, bộ trưởng lưu ý không vì học sinh trở lại trường mà lãng phí hình thức dạy học này. Ngược lại, ngành cần tăng cường yếu tố tích cực của dạy học online để hỗ trợ dạy học trực tiếp.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo. Vì vậy, khi học sinh trở lại, nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.
Thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ GD&ĐT ban hành. Khi các em trở lại trường, sở GD&ĐT cần lưu ý trường tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này.
Địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm có thể quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp.
Theo thống kê, tuần đầu tháng một, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp, gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang. 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình. 19 tỉnh, thành phố còn lại tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Số đơn vị cấp huyện dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 366/713 (chiếm 51,3%).
Đến ngày 15/1, 43/63 tỉnh, thành đã cho học sinh mầm non đi học trở lại. 46/63 tỉnh, thành cho học sinh tiểu học đến trường, chiếm tỷ lệ 57,38% học sinh tiểu học cả nước. 53/63 địa phương cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm tỷ lệ 69% học sinh cả nước. Dự kiến đến ngày 7/2, 8 tỉnh, thành khác cho học sinh đi học trực tiếp.