Chiều 12/6, chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TP HCM) cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT triển khai Thông tư 30, một số trường đánh giá học sinh khắt khe, trong khi có nơi dễ dãi.
"Có trường đặt chỉ tiêu đạt giải thành phố mới khen thưởng, nhưng cũng có trường chỉ cần viết chữ đẹp cũng khen thưởng. Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về việc này?", đại biểu Nguyễn Văn Minh chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc đánh giá học sinh từ điểm số sang nhận xét đang được triển khai tại nhiều nước tiên tiến. |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc chuyển sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm thi học kỳ và cuối năm là phù hợp tình hình thực tế. Quá trình này chuyển đổi động lực học của các em từ vì điểm số sang hoàn thiện kỹ năng và phẩm chất.
"Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là phương pháp tiên tiến, được áp dụng ở tất cả các nước có nền giáo dục phát triển. Phương pháp này giúp học sinh tiến bộ dần trong quá trình học, phát huy hết khả năng và đạt mức độ cao nhất, đồng thời xác định được trình độ của học sinh khi hoàn thành lớp học, cấp học", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định, phương pháp đánh giá mới không so sánh học sinh này với học sinh khác trong quá trình học tập, do đó tránh được sự tự ti, mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn của học sinh; giúp các em tự tin, từng bước vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.
Giải thích việc triển khai Thông tư 30 khiến giáo viên nhiều việc và áp lực hơn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đó là do các lớp học có sĩ số lớn (từ 40-50 học sinh). Giáo viên phải quan tâm từng em khiến khối lượng công việc tăng lên. Bên cạnh đó, đây cũng là việc mới, thầy cô chưa quen, và một số quy định, thói quen cũ về đánh giá học sinh chưa được loại bỏ triệt.
"Phương thức đánh giá này đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu tiếp thu với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế và đã được tổ chức thí điểm 3 năm trên 1.000 trường. Nhưng trong quá trình triển khai đồng loạt, phương thức này xuất hiện trục trặc nhỏ, như có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ khen thưởng rộng rãi quá", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu.
Đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 30, người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận, một trong những điểm tích cực của phương thức đánh giá này là dạy thêm, học thêm giảm đi; động lực học tập của học sinh được cân chỉnh lại phù hợp xu thế thời đại.
“Mục tiêu của đổi mới giáo dục đào tạo không phải tạo ra cú sốc mà tạo biến chuyển chất lượng tốt lên” – Bộ trưởng Luận khẳng định.
Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học:
Đánh giá học sinh tiểu học nêu trong quy định này là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Nguyên tắc đánh giá
1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
2. Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
3. Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
4. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Nội dung đánh giá
1. Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh:
a) Tự phục vụ, tự quản;
b) Giao tiếp, hợp tác;
c) Tự học và giải quyết vấn đề.
3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh:
a) Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;
b) Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm;
c) Trung thực, kỷ luật, đoàn kết;
d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.