Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT: 'Thầy cô là nhà giáo dục, không phải thợ dạy'

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay ở một số địa phương, giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ bị đình chỉ từ 3 ngày đến một tuần rồi dạy lớp khác, rất thiếu nghiêm túc.

Sáng 17/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, kết nối với 63 tỉnh, thành.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của bộ, ngành. Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trước hết, nhà trường sẽ không cho tiếp tục đứng lớp, chứ không phải chuyển sang lớp khác. Sau đó, tùy mức độ vi phạm, giáo viên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Địa phương chịu trách nhiệm nếu trường dung túng sai phạm

Ông Phùng Xuân Nhạ lấy ví dụ ở một số địa phương, giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ bị đình chỉ từ 3 ngày đến một tuần, sau đó được chuyển lớp khác.

Bộ GD&ĐT đề nghị sở GD&ĐT và lãnh đạo địa phương sát sao trong việc xử lý các trường hợp không nghiêm túc. Nếu trường dung túng, lãnh đạo sở GD&ĐT và địa phương phải chịu trách nhiệm.

bao luc hoc duong anh 1
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị sáng 17/4. Ảnh: Q.Q. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh ngành GD&ĐT chủ động, tích cực, tập trung giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính, chứ không chỉ nặng về xử lý.

Địa phương cần phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác như giáo viên chủ nhiệm, người làm công tác đoàn, hội và từng thầy cô.

Giáo viên và nhà trường phải sát sao nhất, tìm hiểu, giải tỏa mâu thuẫn, nắm bắt từng hoàn cảnh, tâm tư của học sinh, nhân rộng cách làm tốt.

Phòng ngừa bạo lực học đường, trước hết, cần thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường lành mạnh, sau đó hướng tới thực hiện căn cơ, bài bản, lấy “phòng” làm chính, kết hợp các giải pháp “tháo”, “hóa giải” nguyên nhân dẫn đến bạo lực.

“Các thầy cô cần trở thành nhà giáo dục, không phải thợ dạy. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe", ông Nhạ nói.

Các trường cần cập nhật tình huống sư phạm 

Ông Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) -  cho rằng một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường là "bệnh thành tích".

Nghị quyết 29 đã chỉ rõ chương trình giáo dục những năm qua nặng về kiến thức, điểm số, thi cử và đánh giá học sinh. Vì vậy, giáo dục không tạo ra sự công bằng, không khuyến khích được học sinh phấn đấu, đồng thời làm nổi cộm một số vấn đề của nhà trường, trong đó có bạo lực.

Có người cho rằng nguyên nhân của bạo lực học đường là nghiệp vụ của giáo viên, năng lực quản lý của hiệu trưởng chưa tốt. Ở góc độ nào đó, điều này đúng. Năng lực nghiệp vụ chưa tốt có thể tập huấn, bồi dưỡng. Điều quan trọng là giáo viên phải tự thay đổi mới hiểu được nhiệm vụ của mình, từ đó làm thay đổi học sinh.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay hiện tại, con người chưa làm chủ được không gian mạng nên để những video, hình ảnh bạo lực học đường lan tỏa một cách thiếu kiểm soát, tạo ra lỗ hổng lớn.

bao luc hoc duong anh 2
TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Q.Q. 

Thầy cô, ngoài phương pháp dạy học, cần làm chủ cảm xúc và hành vi, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức để có giải pháp trong các tình huống sư phạm.

Nhiều gia đình còn chưa mẫu mực. Nhà trường nên có những lớp học tư vấn giáo dục cho phụ huynh. Những hoạt động này nên đi vào chiều sâu thay vì phạm vi rộng. Nhà trường cần chủ động giải quyết sự việc, khi có hiện tượng xảy ra, phối hợp kịp thời với công an và chính quyền địa phương.

Nhiệm vụ quan trọng của các trường sư phạm là thực hiện hai nền tảng: Tâm lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Nếu không làm tốt được điều này, khó phân biệt được trường sư phạm và trường khác.

Trong quá trình đào tạo, các trường thường xuyên cập nhật tình huống sư phạm, dự báo tình huống để học viên có những giải pháp kịp thời.

Khoảng trống tư vấn tâm lý sau hàng loạt vụ bạo lực học đường Vụ việc nữ sinh bị 5 bạn bạo hành tại tỉnh Hưng Yên đã dần khép lại. Tuy nhiên, nỗi đau của bạo lực học đường vẫn còn dai dẳng, thậm chí với cả phụ huynh có con đánh bạn.

Bộ GD&ĐT: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm khi học sinh đánh nhau

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc phòng, chống bạo lực học đường. Nếu để xảy ra bạo lực, thủ trưởng các đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm