Theo nguồn tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng mong muốn lắng nghe thêm những ý kiến đóng góp tâm huyết khác. Bộ trưởng hẹn sẽ có cuộc trao đổi trực tiếp với cô giáo vào cuối tháng 5, khi có đợt công tác vào TP HCM.
Trước đó, theo An Ninh Thủ Đô, cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên một trường THPT tại TP HCM gửi tâm thư với nội dung trăn trở về nền giáo dục từ THPT lên đến đại học.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền viết: “Xin Bộ trưởng hãy nhìn vào học sinh lớp 12 trong giờ học. Có được một kẽ hở thời gian nào là các em gục xuống bàn ngủ ngay bất cứ lúc nào. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều.
Học ở trường, học thêm ở các trung tâm và thầy cô; học ở nhà; học từ sáng đến tối không kịp ăn, không được ngủ. Học như điên như khùng, để rồi khi thi xong thì chẳng nhớ gì. Ôm mớ kiến thức ôm đồm, nhưng ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu.
Suốt ngày các em bị giam trong cái 'vòng kim cô' của việc học, mà không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Nếu có biết cũng chỉ lơ mơ vì không có thời gian. Nhận thức các vấn đề xã hội một cách ấu trĩ. Để rồi khi ra đời các em lại thiếu những kỹ năng cần thiết nhất: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, không biết cách bảo vệ mình; không biết bênh vực cái tốt. Và trước cái ác, cái xấu cũng không dám lên tiếng phản đối”.
Cô Hiền nêu thực tế học sinh hiện phải học quá nhiều. |
Cô Hoàng Thị Thu Hiền cũng phản ánh tình trạng bất ổn từ giáo viên tới phụ huynh, học sinh về những thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong thi cử. Một trong những bức xúc của giáo viên là chất lượng của đội ngũ quản lý và quyền bầu chọn một người hiệu trưởng thực sự có tầm, có tâm, có tài. Bởi chỉ những người như vậy mới tạo ra sự bứt phá ngoạn mục, làm thay đổi bộ mặt của một ngôi trường.
“Không nên để tình trạng mỗi khi đã làm hiệu trưởng có nghĩa sẽ làm suốt đời, đến khi về hưu mà không có hình thức “buộc thôi chức”. Chính điều này dẫn tới tâm lý an phận. Để một người làm hiệu trưởng tại một trường tới 15 - 20 năm đó là một sự kìm hãm, thậm chí là một thảm họa” – cô Hiền đề xuất.
Nữ giáo viên đặt câu hỏi: “Có cần phải duy trì quá nhiều sổ sách như vậy cho mỗi giáo viên hay không? Mà trong đó rất nhiều cuốn chủ yếu để 'hành là chính': sổ báo giảng, sổ tự bồi dưỡng, sổ ghi chép...
Hàng năm, tất cả các giáo viên đều phải trải qua kiểm tra giáo án, kể cả giáo viên mới ra trường và giáo viên sắp về hưu. Sự cào bằng này làm mất tính sư phạm và sự tôn trọng đối với thầy cô lớn tuổi có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Và nhất là làm cho giáo viên có cảm giác họ bị quản lý như học trò, chứ không phải thầy cô”.
Trong tâm thư nêu "8 thỉnh cầu", cô giáo còn đề cập một số vấn đề khác và khẳng định, trong mọi sự giáo dục thì giáo dục nhân cách con người vẫn là yếu tố hàng đầu. Việc quá thiên lệch về nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ giáo dục đạo đức của ngành giáo dục mấy chục năm nay đã thấy được hệ lụy của nó.
Những tâm thư gửi Bộ trưởng giáo dục
Ngày 24/4/2015, thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Đỗ Duy Hiếu viết tâm thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT (khi đó là ông Phạm Vũ Luận).
Chỉ ra hàng loạt thay đổi về hình thức thi của 10 năm qua, Đỗ Duy Hiếu nêu: “Năm 2001 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng. Năm 2002, phương án tuyển chung. Năm 2013 lại phương án tuyển riêng. Sự thay đổi là vòng luẩn quẩn khi sau đó lại về vạch xuất phát. Vậy thay đổi để làm gì?".
Theo thủ khoa này, năm 2006 trở về trước thi tự luận, năm 2007 thi trắc nghiệm. Cháu đã xây dựng nhiều công thức giải nhanh Vật lý, Hóa học để đối phó cách thi mới đến nỗi nhiều học sinh không hiểu gì, học như vẹt vẫn thi được 7 điểm Vật lý"...
Tháng 11/2014, Võ Thị Mỹ Linh (sinh năm 1989) chia sẻ về học tiếng Anh từ "góc nhìn Nepal". Trong thư gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cô thẳng thắn nêu: “Bài học đầu tiên của sách giáo khoa (SGK) lớp 1 dạy Hello. Bài học của SGK lớp 2 dạy Where are you from? Bài học của SGK lớp 3 lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 là How're you? Bài học đầu tiên của SGK 5 vẫn Where're you from?...
"Cháu không biết vì nghi ngờ trình độ của học sinh Việt Nam quá kém nên có mỗi 3 câu mà phải học đi học lại suốt 5 năm? Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?”, nữ sinh viết trong tâm thư gửi Bộ trưởng Giáo dục.