Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Giáo dục: 'Đừng lo súng chĩa vào mình'

Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học diễn ra sáng ngày 15.8, đa số các ý kiến về phương án tuyển sinh mới đều bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 2.

Cao kiến của các hiệu trưởng

Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long, ông Lê Văn Một, gây bất ngờ khí đưa ra khẳng định trường có có thuật toán có thể giúp Bộ xử lý kết quả thi của thí sinh chỉ trong vài giờ.

Trường không đưa ra ý kiến ủng hộ hay không mà đưa ra 2 giải pháp thực hiện kỳ thi tốt hơn. Một là đối với việc tổ chức coi thi, chấm thi. Hiện nay các trường ĐH chưa tin cậy vào kết quả tổ chức ở địa phương, nên chắc chắn nhiều trường sẽ phải tổ chức kỳ thi bổ sung gây tốn kém, phức tạp. Trường Thăng Long đề xuất các trường ĐH, CĐ sẽ đảm nhận những công việc này. Cho dù có thể thí sinh vất vả hơn nhưng vẫn giảm được số lượt thi so với hiện nay. Khó khăn nhất là các trường phải tổ chức thì cùng một đợt, lượng thí sinh tăng khoảng 50% so với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện tại, nhưng khắc phục được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Và thí sinh sẽ phải đăng ký nguyện vọng vào ĐH, CĐ trước kỳ thi. Thí sinh có thể có nhiều nguyện vọng, xếp theo ý tưởng ưu tiên hoặc không có nguyện vọng nào vào ĐH, CĐ. Thí sinh không có nguyện vọng vào ĐH, CĐ sẽ thi ở địa phương.

Sau khâu tổ chức thi tuyển là khâu xét tuyển. Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long đề xuất phương án xét tuyển bằng công nghệ thông tin. Với phương án này, Bộ GD-ĐT làm đầu mối cho các trường có sử dụng phương pháp này xét tuyển. Ông Một cho rằng phương pháp này ưu việt hơn cách xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể trúng vào nguyện vọng theo nhu cầu và kết quả thi của mình.

Với thuật toán do trường thiết lập, trường đã chạy thử với dữ liệu của hàng triệu thí sinh, và thời gian rút ngắn chỉ còn vài giờ - một sự rút ngăn sđáng kể so với việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung trong vòng 2 tháng như hiện nay.

Phó giám đốc ĐH Quốc gia HN, ông Nguyễn Kim Sơn, nhận xét về căn bản 3 phương án Bộ đưa ra không khác nhau với nội dung thi vẫn nặng nề. Để giản tiện và có thể sử dụng vào tuyển sinh ĐH thì có phương án gồm 2 khối kiến thức Toán và ngữ văn. Môn thứ 3 ngoại ngữ có thể được tiến hành đa dạng hoá, không nhất thiết thi trong kỳ thi quốc gia, mà có thể thi thành nhiều đợt, có tính tới yếu tố vùng miền. Tương lai sẽ tích hợp hai hôm toán và ngữ văn thành một bài thi. Nếu cần thiết có thể khai thác qua hệ thống máy tính để đảm bảo khách quan, trung thực.

Cho rằng phương án 2 là phù hợp, ông Nguyễn Kim Vui, giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị Bộ GD-ĐT phải khẩn trương tổ chức xây dựng quy chế thi mới, giao quyền tổ chức cho các địa phương. Trong kỳ thi, có thể đưa các trường ĐH, các cán bộ ĐH tham gia quản lý, thanh kiểm tra, chấm thi. Trường ĐH, CĐ phải xây dựng và công bố phương án tuyển sinh trước khi thi để thí sinh lựa chọn….

Đừng lo “lính” súng chĩa vào mình

“Nếu tiến hành tại địa phương thì vấn đề gay gắt đặt ra là kết quả thi như thế nào, các trường đại học có yên tâm mà sử dụng hay không” – đây là ý kiến của ông Nguyễn Kim Sơn.

Ông Sơn nhận định, chắc chắn không ít trường sẽ đặt vấn đề đánh giá riêng để yên tâm và chọn được đúng thí sinh.

Đại diện trường ĐH Phương Đông bày tỏ sự nhất trí với việc tổ chức kỳ thi quốc gia với 2 mục đích, với nhận xét phương án 2 tốt nhất, phương án 1 nặng nề, phương án 3 khó thực hiện trong năm 2015.

Nhưng vị này cũng cho rằng để đạt được mục đích thứ 2 là hơi khó, đòi hỏi chất lượng, độ tin cậy của kỳ thi tổ chức ở địa phương, và vấn đề phân luồng ĐH.

Những lo ngại về tiêu cực nếu kỳ thi quốc gia do địa phương đứng ra tổ chức nhận được sự chia sẻ của khá nhiều lãnh đạo trường khác. Tuy nhiên, trước luồng ý kiến này, ông Nguyễn Đình Tư, Phó Hiệu trưởng ĐH Thành Tây nhấn mạnh: “Phải chấp nhận hiện thực và tin tưởng những người làm giáo dục. Không lấy số ít để rồi bi quan và ngăn cản”.

Theo ông Tư, “Ở Việt Nam đã có thời kỳ không thi đại học (những năm 1965 – 1970). Nhưng khi đó tinh thần dạy và học rất tốt. Bên cạnh đó, thế giới đang chấp nhận bằng tốt nghiệp phổ thông của ta. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông được nhận vào học tại các trường đại học nước ngoài, thế mà chúng ta lại chê là xấu. Người ta tin được, sao chúng ta không tin?”

“Hãy bỏ kỳ thi đại học, dùng kỳ thi quốc gia để xét tuyển cho đỡ tốn kém. Bộ GD-ĐT không cần tập trung vào mấy kỳ thi, mà hãy tập trung quản lý, kiểm tra dạy học và đào tạo”.

“Hãy thống nhất rằng không chỉ thi đại học là chất lượng đào tạo tốt, mà quyết định là quá trình dạy và học ở trường. Không có cạnh tranh ở đầu ra khiến chất lượng đào tạo kém, điều này cũng phải thay đổi”.

Ý kiến về lòng tin của ông Tư được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đặc biệt tâm huyết

Bộ trưởng nói: “Chúng ta phải có lòng tin vào đội ngũ. Nếu chính sách của chúng ta chỉ nhằm đi ngăn chặn những người chống phá thì không giải quyết được vấn đề... Giống như khi ra trận, chúng ta là những tư lệnh, chúng ta phải tin rằng các chiến sĩ ngoài kia đang chĩa súng vào địch, chứ đừng lo họ đang chĩa súng vào mình".

Ông Luận cho rằng, khi phương án kỳ thi quốc gia chung được phê duyệt, khối đại học và khối phổ thông cần phối hợp chặt chẽ với nhau. “Nói như vậy không phải là tôi không chia sẻ những lo lắng của các trường. Nhưng nếu các đồng chí là quả đấm thép thì hãy coi khối phổ thông là bộ đội địa phương. Cho dù là quân chủ lực mà đứng một mình cũng sẽ rất gay go” – ông Luận ví von.

Kết thúc hội nghị, ông Luận khẳng định “Không có ý kiến kết luận về thi cử”, mà Bộ GD-ĐT tiếp tục tiếp thu một cách cầu thị, nghiêm túc những ý kiến góp ý, xử lý đầy đủ, khách quan để báo cáo lên Chính phủ.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/192591/bo-truong-giao-duc---dung-lo-sung-chia-vao-minh-.html

Theo Ngân Anh – Nguyễn Thảo/Báo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm