Sáng 14/2, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin đây là đơn vị đầu tiên mà Tổ công tác kiểm tra sau kỳ nghỉ Tết. Vì thời điểm hiện nay các lễ hội đang diễn ra rất nhiều. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa báo cáo vấn đề nóng là lễ hội.
Sư thầy Thích Đạo Trụ tự ý tung lộc trong lễ khai hội chùa Hương 2017. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Bộ trưởng ngại thì để Thủ tướng lên tiếng
Thủ tướng đã có chỉ đạo rất cương quyết, rõ ràng để tiết kiệm chi phí như ra quân làm việc ngay từ đầu năm, không sử dụng xe công đi lễ hội, các địa phương không chúc Tết Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vừa qua người dân không đồng tình về nhiều lễ hội biến tướng, có biểu hiện lợi ích nhóm, thương mại hóa. Một số lễ hội tổ chức quy mô lớn, kéo dài nhưng manh mún. Nhiều hình ảnh phản cảm diễn ra tại các lễ hội như đền Gióng (Sóc Sơn), chùa Hương, cướp Phết (Phú Thọ).
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá việc nhà sư đứng ở trên ném lễ xuống, người dân thì lao vào tranh cướp lộc, chứng tỏ ý thức văn hóa chưa tốt.
“Thủ tướng nói những việc đó các cơ quan quản lý Nhà nước lên tiếng nhưng riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại không lên tiếng, không phản hồi. Việc này đã có từ lâu nhưng Bộ Văn hóa không có bất cứ báo cáo nào. Sáng nay, Thủ tướng gọi tôi sang nói nếu Bộ trưởng ngại lên tiếng thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ông Mai Tiến Dũng nêu việc Thủ tướng muốn Bộ Văn hóa kiểm tra giúp Chính phủ việc quản lý các lễ hội, báo cáo tình hình, nêu thực trạng để có chấn chỉnh hoạt động quản lý lễ hội, đặc biệt về công tác quản lý Nhà nước.
"Thanh tra Bộ lập biên bản phó chủ tịch tỉnh khó lắm"
Trả lời các vấn đề liên quan tới quản lý lễ hội, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho biết hàng năm Bộ có chuyên đề riêng về quản lý lễ hội, ban hành các văn bản chỉ đạo, gửi các UBND các tỉnh và các TP trực thuộc Trung ương để chấn chỉnh. Vì vậy, năm nay nhiều hình ảnh phản cảm đã không còn như chém lợn tại Ném Thượng, đập đầu trâu, treo cổ trâu…
Về vấn đề phát ngôn, bà Thủy khẳng định đã không dưới 10 lần trả lời các cơ quan báo chí về hoạt động tổ chức lễ hội.
Trong khi đó ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng cho biết vấn đề du lịch gắn với kinh tế nên việc quản lý lễ hội ngày càng khó khăn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (đứng) dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng 14/2. Ảnh: Công Khanh. |
Ví dụ về lễ hội chọi trâu tại Yên Bái, khi đơn vị xuống kiểm tra, lập biên bản nhưng một phó chủ tịch tỉnh lại làm trưởng ban tổ chức. “Thanh tra Bộ mà lập biên bản với phó chủ tịch tỉnh thì khó lắm”, ông Thành nói.
Ông cũng nêu thực tế khó khăn khi Thanh tra Bộ và thanh tra các sở khi nắm thông tin công chức đi lễ hội, xe biển xanh vì nhiều khi vượt quá thẩm quyền.
Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái thông tin Bộ đã đề nghị không tổ chức các lễ hội phản cảm nhưng các địa phương phản ứng.
"Chúng tôi đã xuống địa phương gặp những người có uy tín và mời các giáo sư nghiên cứu lại các lễ hội này. Tập tục, nghi lễ có giá trị văn hóa, có thể phát huy thì giữ lại, những vấn đề nào phản cảm thì loại bỏ. Ví dụ chọi trâu, đá gà xưa là trò chơi dân gian thì pháp luật không cấm. Nhưng lợi dụng các trò chơi này để cá cược thì không được", ông Ái nói.
Bộ quản lý cần có chính kiến
Trước trả lời của đại diện Bộ Văn hóa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý việc Thủ tướng đặt vấn đề Bộ phải lên tiếng trước một số lễ hội có biến tướng, trục lợi, phản cảm là phải lên tiếng dưới giác độ cơ quan quản lý Nhà nước.
“Ví dụ trước hình ảnh phản cảm tại đền Gióng, đồng chí Bí thư thành ủy Hà Nội lên tiếng luôn, nó khác với việc chỉ trả lời báo chí. Trước hình ảnh cực kỳ phản cảm như nhà sư ném lộc, cướp lộc… Thủ tướng muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có chính kiến giữa ranh giới được và không được, chứ không nói việc cái này không thuộc bộ tôi, thuộc bộ kia”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trao đổi về vấn đề quản lý lễ hội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định Bộ đã chấn chỉnh và đã giao cho các lãnh đạo Bộ, các cục, vụ để thể hiện quan điểm. Bộ sẽ sớm sơ kết và có văn bản chính thức, tham mưu chính thức. "Vấn đề lễ hội, Bộ là cơ quan quản lý, tham mưu nhưng việc tổ chức lại thuộc các địa phương", ông Thiện nói.
Theo Bộ trưởng Thiện, muốn giải quyết triệt để, xử lý bền vững các vấn đề thì cần phải có văn bản quản lý nhà nước cộng thêm việc tuyên truyền lâu dài. Trong tuần tới, Bộ sẽ tổ chức sơ kết sau 2 tuần các lễ hội diễn ra để có chỉ đạo kịp thời. "Quan điểm của chúng tôi là năm sau tốt hơn năm trước, cứ sau mỗi mùa lễ hội thì hình ảnh phản cảm, tiêu cực, mê tín dị đoan sẽ giảm dần", ông Thiện nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc nâng cao nhận thức của người dân là cả một quá trình. Có thể nơi này, nơi khác còn tồn tại lễ hội phản cảm thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục làm việc với các địa phương và cơ quan truyền thông để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền.
Báo cáo việc bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thông tin việc Thủ tướng yêu cầu Bộ báo cáo rõ về vấn đề công tác nghệ thuật, biểu diễn khi năm 2016 bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp. “Có những thí sinh đi thi quốc tế nhưng không biết ngoại ngữ, cái này phải cố tránh để không tạo dư luận không tốt”, ông Mai Tiến Dũng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề liên quan tới công tác phong các danh hiệu, nhất là các danh hiệu nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ tiền bối.
“Nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn không được xem xét phong tặng các danh hiệu cao quý thì lý do là gì? Khi dư luận quan tâm, Bộ phải có giải thích, báo cáo. Bộ phải thể hiện công tâm, đừng để lợi dụng chạy chọt việc phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ sĩ”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.