Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nhiều bài thi Văn nhòe nước mắt

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đánh giá đề văn tốt nghiệp PTTH năm nay không chỉ là bài thi mà còn là bài học bổ ích, làm lay động lòng người.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Nhiều bài thi Văn nhòe nước mắt

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đánh giá đề văn tốt nghiệp PTTH năm nay không chỉ là bài thi mà còn là bài học bổ ích, làm lay động lòng người.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Thể thao, văn hóa và Du lịch, báo cáo thêm với Quốc hội về công tác bồi dưỡng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên và vấn đề bạo lực học đường.

Theo Bộ trưởng Luận, công tác giáo dục đạo đức đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, hy sinh vì việc nghĩa đã làm lay động chúng ta. Tuy nhiên bạo lực học đường còn phức tạp, có nhiều diễn biến mới. Nguyên nhân là do tâm lý của giới trẻ không ổn định, muốn khẳng định mình. Cạnh đó là sự phát triển nhanh của kinh tế thị trường, hình ảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên internet, sách báo, truyền hình…

“Chúng tôi nhận thấy phương pháp giáo dục đạo đức còn hạn chế, chưa tạo được sự hấp dẫn, xúc cảm cho các cháu. Sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ, giáo dục kỹ năng sống chưa đưa vào chiều sâu, chưa có đầy đủ cơ sở vật chất”, ông Luận nhận định.

Để giải quyết những vấn đề trên, theo Bộ trưởng, ngành giáo dục đã chủ động đổi mới phương pháp dạy, học, thi cử, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên. Cạnh đó, ngành cũng vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức để lôi cuốn, thuyết phục các học sinh, sinh viên học tập. Ngược lại, ngành giáo dục cũng tích cực thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm của cán bộ, giáo viên.

Theo ông Luận, việc giảm tải, đổi mới phương pháp dạy, học, thi cử đã đạt được những tín hiệu tích cực ban đầu, đặc biệt là trong những môn khoa học xã hội. Đề thi những môn văn, lịch sử địa lý như kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi đã có những thay đổi. Từ thay đổi trong cách thi như vậy cũng liên quan đến thay đổi trong cách học, cách dạy trong nhà trường.

“Về bài thi Văn năm nay, đã có rất nhiều bài thi mực nhòe nước mắt của người viết và nước mắt của thầy cô giáo khi chấm bài. Nó tạo ra sự lay động không chỉ cho các cháu, cho thầy cô giáo mà cho cả người lớn. Đây không chỉ là bài thi mà còn là bài học bổ ích. Những đổi mới bước đầu của ngành đã  góp phần đẩy lùi tiêu cực trong nhà trường cũng như trong xã hội”, ông Luận cho biết.

Cũng theo “tư lệnh” ngành giáo dục, Bộ TTVH & DL đã bàn giao 7000 di tích giao cho ngành giáo dục để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên chăm sóc, tìm hiểu, giới thiệu cho những người đến thăm. Điều này tạo ra sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương, dân tộc và lòng biết ơn đối với quê hương đất nước. Cạnh đó, việc đưa các bài hát dân ca vào trường học cũng bồi đắp cho học sinh, sinh viên tình yêu quê hương.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết ngành giáo dục đã phối hợp với các bảo tàng trong việc miễn giảm vé vào tham quan cho học sinh sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả dạy những môn khoa học xã hội. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã ký kết Thông tư với Bộ CA và một số ngành khác để đảm bảo an ninh trật tự trong trường học, phòng chống ma túy,  đảm bảo an toàn giao thông… cho học sinh, sinh viên.

THANH LƯU

Theo Infonet

THANH LƯU

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm