Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Y tế: Không chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà hạn chế việc học tập trực tiếp và không thể đợi chờ vaccine mới cho trẻ đến trường.

Chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề ở thành phố, người lớn đã đi làm nhưng trẻ em chưa được đến trường.

"Liệu có sự thận trọng quá mức cần thiết khiến trẻ em gặp thiệt thòi do phải học trực tuyến nhiều tháng nay, gây khó khăn cho gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà?", bà Thủy đặt câu hỏi.

Tiem vaccine cho tre den truong anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội sáng 10/11. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết liên quan vấn đề trẻ em chưa được đi học, Bộ Y tế đã có một số trao đổi, Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn đối với các địa phương.

Ngày 8/11, hai bộ tổ chức hội nghị triển khai với 63 địa phương về triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó đề cập một số vấn đề.

Ông Long đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá về dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp, nhất là với trẻ em đầu cấp như lớp 1.

Ông cũng cho biết bộ đã có hướng dẫn đối với trường học để vừa cho học sinh đến lớp vừa đảm bảo các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu vấn đề một số cử tri còn lo lắng trước thông tin cho rằng vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, sự phát triển của trẻ. Ông đề nghị Bộ trưởng Y tế nói rõ hơn về vấn đề này, cũng như cơ sở khoa học để bộ cho triển khai tiêm vaccine đại trà đối với trẻ em 12-17 tuổi.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là vấn đề nhiều cử tri quan tâm. Việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em, Bộ Y tế đã tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học, căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Vaccine theo công nghệ mRNA chính thức được cho phép tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, gần 40 quốc gia đã triển khai tiêm. Cách làm ở các nước cũng giống Việt Nam, tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, cho nhóm nguy cơ, có bệnh lý nền rồi sau đó, mở rộng sang đối tượng khác.

"Chúng ta không nên đợi chờ vaccine vì vaccine hiện nay chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 5, 6 tuổi đến 11 tuổi không thể đợi chờ vaccine được. Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như ở lứa tuổi lớn", ông Long cho hay.

Vì thế, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho trẻ em đi học, nhất là những vùng, xã, huyện, tỉnh được xác định ở cấp độ dịch 1, 2.

Theo tư lệnh ngành y tế, Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ tại địa phương có dịch cấp độ 1, học sinh đi học bình thường. Nhưng đến nay, 22 địa phương có kế hoạch này.

Địa phương ở cấp độ 2 áp dụng tương tự. Địa phương ở cấp độ 3 mới hạn chế học sinh đến lớp, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Ông Long cho rằng Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu rất rõ. Tuy nhiên, ông nói thêm vấn đề này không chỉ ở nước ta, không phải tất cả nước khác đều cho học sinh đi học. Ở một số nước, học sinh vẫn chủ yếu học trực tuyến.

Dù vậy, người đứng đầu ngành y tế mong muốn tới đây, các địa phương sẽ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn việc cho trẻ em đến trường.

Liên quan vấn đề cho học sinh đến lớp, trong tháng 10, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định Hà Nội có phần dè dặt khi chưa cho trường học mở cửa. Ông đánh giá ở thời điểm đó, với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng thấp, trẻ em ở Hà Nội gần như không có nhiều nguy cơ mắc Covid-19.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng khi phụ huynh đã tiêm chủng đầy đủ, trẻ em có nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Vì thế, ông Dũng nêu quan điểm xét giữa nguy cơ và lợi ích, Hà Nội nên cho sinh viên, học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo trở lại trường ngay, còn học sinh trung học có thể tới lớp với số lượng 50%.

Cuối tháng 10, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng Hà Nội nên cho học sinh đến trường ngay. Về lo ngại phát sinh ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ông khẳng định không thể so sánh Hà Nội với các địa phương vừa bùng phát dịch vì tỷ lệ tiêm vaccine ở Hà Nội cao.

Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định nếu tiêm vaccine cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học, phụ huynh còn phải chờ rất lâu. Chưa kể khi có vaccine, một số người vẫn không đồng ý cho con tiêm.

Ông Nga nói thêm vấn đề bây giờ là phải cân nhắc tác hại của việc ở nhà. Các loại rối loạn tâm lý, bệnh về mắt, béo phì ở trẻ cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, chất lượng học online lại chưa được như kỳ vọng.

Đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa cho học sinh trở lại trường. Tại Hà Nội, trước diễn biến mới của dịch Covid-19, thành phố điều chỉnh kế hoạch, chỉ cho học sinh lớp 9 tại 30 trường THCS, PTCS ở huyện Ba Vì đến lớp từ ngày 8/11. Trong tuần thứ hai của tháng 11, học sinh ở nhiều huyện cũng phải tạm dừng đến trường do dịch Covid-19.

Trong khi đó, việc tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi mới được triển khai tại một số địa phương. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết khi có vaccine, bộ phân bổ ngay để địa phương tổ chức tiêm cho học sinh. Với đối tượng nhỏ hơn (trẻ em 3-11 tuổi), trên cơ sở danh sách của địa phương, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch cung ứng.

Bộ GD&ĐT: Nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như kế hoạch đổi mới giáo dục.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm