Anh Lê Văn Thuận (sinh năm 1990, quê Khánh Hòa) hiện là người huấn luyện chó và nhân giống dòng chó Malinois chuyên để huấn luyện.
Anh gắn bó với nghề này 5 năm nay, từ khi trở về Việt Nam sau 10 năm sinh sống và làm việc ở Cộng hòa Séc.
Chia sẻ với Zing, anh Thuận cho hay tháng 6/2010, khi đang học tại Đại học Nha Trang, anh nhận được học bổng toàn phần chuyên ngành Kỹ thuật ôtô của Đại học Liberec, Séc.
Sau khi tốt nghiệp, anh Thuận làm cho công ty ở đất nước này một thời gian và ra kinh doanh riêng với mức thu nhập khoảng 2.500 euro/tháng.
“Dù đã được định cư ở Séc, mình cảm thấy cuộc sống xô bồ và gò bó thời gian nơi đất khách không hợp với bản thân. Cảm thấy lạc lõng và cô đơn, mình chọn trở về Việt Nam để bắt đầu lại cùng với những chú chó, loài vật mình yêu mến từ nhỏ”, anh kể.
Anh Thuận về Việt Nam lập nghiệp sau thời gian dài sống ở nước ngoài với thu nhập khá nhưng không hạnh phúc. |
Bắt đầu từ con số 0
Hành trang về Việt Nam của anh Thuận là 2 chú chó nhập của Séc có giá trị khá lớn.
Với số vốn trong tay, anh lên kế hoạch tìm nơi mát mẻ để mở trại nhân giống dòng chó nghiệp vụ Malinois kết hợp trồng cây ăn quả để trang trải cuộc sống.
Anh Thuận cũng nhận huấn luyện cún cưng theo phương pháp mới của châu Âu cho khách hàng có nhu cầu.
“Khi còn ở Séc, mình từng được tiếp xúc với những người bạn làm huấn luyện chó trong quân đội và thấy rất thú vị. Tuy nhiên, nghề này lúc đó chưa phổ biến ở Việt Nam. Gia đình và bạn bè đều ra sức ngăn cản, bảo mình rằng công việc này không thể duy trì”, anh nhớ lại.
Sau khi chọn Đắk Lắk làm nơi lập nghiệp, thời gian đầu, anh Thuận gặp nhiều khó khăn khi phải cải tạo 3 ha đất hoang. Đã quen việc văn phòng, anh không đủ sức khỏe để làm lụng chân tay.
Bên cạnh đó, trang trại tách biệt khu dân cư khiến anh Thuận lo ngại về vấn đề an ninh. Anh huấn luyện chó cưng của mình biết bảo vệ để canh gác trại.
“Hai năm đầu tiên, mình không hề có lãi mà chỉ đủ trang trải cuộc sống. May mà có vợ ở bên cạnh động viên”, anh nói.
Anh Thuận từng bị người xung quanh ngăn cản khi quyết định dốc số vốn tích cóp được khi ở nước ngoài để mở trang trại huấn luyện chó. |
Ban đầu, anh Thuận nhận dạy chó cho vài người bạn để những con vật vâng lời, biết bảo vệ, canh gác trang trại. Mọi người hài lòng với phương pháp dạy tích cực kiểu châu Âu và bắt đầu giới thiệu cho nhau.
Nhờ đó, anh có lượng khách hàng bền vững do nhu cầu tìm chó khôn ngoan để canh giữ trang trại là khá cao ở Tây Nguyên.
Mảng nhân giống và bán chó con thuần chủng dòng Malinois của anh Thuận cũng được người chơi cả nước đánh giá cao. Lý do là anh sở hữu những con giống tốt từ Séc - cái nôi của dòng chó này.
“FF47 là trại huấn luyện và nhân giống theo kiểu sinh thái. Chúng mình có hồ bơi tự nhiên, sân chơi, khu vực tập luyện rộng rãi và gần gũi với thiên nhiên cho những chú chó. Hàng ngày, mình dành thời gian buổi sáng và chiều để rèn luyện cho ‘học trò 4 chân’ của mình. Thời gian rảnh rỗi, mình làm vườn để có thêm thu nhập. Cuối tuần, mình đón tiếp và chỉ dẫn khách hàng đến thăm chó cưng của mình”, anh kể.
Anh Thuận dành phần lớn thời gian trong ngày để huấn luyện những “học trò 4 chân” của mình. |
Sống trọn vẹn hơn
So với khi còn ở châu Âu, cuộc sống hiện tại đối với anh Thuận thú vị hơn nhiều vì được làm việc mình thích và thoải mái thời gian. Môi trường sống gần gũi thiên nhiên cũng tốt cho sức khỏe.
Gần bên gia đình, anh không còn cảm giác đơn độc như xưa.
“Thu nhập hiện tại từ trang trại khiến mình hài lòng, dù không cao như khi còn ở châu Âu. Khi mới về nước, mình khá nhớ Séc vì gắn bó lâu nhưng chưa bao giờ hối hận với quyết định này. Bởi lẽ, đây mới chính là cuộc sống mình mong đợi”, anh khẳng định.
Ngoài huấn luyện thú cưng và giao lưu cùng những người có chung đam mê, anh Thuận còn thích làm vườn. Nhiều người bạn nước ngoài của anh từ khi còn ở Séc cũng tìm tới thăm trang trại mỗi khi tới Việt Nam du lịch.
Anh Thuận không hối hận khi rời bỏ cuộc sống ở châu Âu để về nước lập nghiệp. |
Anh Thuận dự định đầu năm sau sang Séc du lịch cùng gia đình, thăm trường và bạn bè cũ. Anh cũng tìm kiếm thêm những chú chó tốt đưa về Việt Nam gây giống.
Với những người trẻ có ý định rời thành phố lớn về vùng quê để sinh sống, anh Thuận nhắn nhủ: “Mình mong trước khi bỏ phố về rừng, mọi người hãy vẽ ra kế hoạch cụ thể và tìm hiểu chuyên sâu về mảng mình theo đuổi”.