Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tới sáng 12/6, TP.HCM đã ghi nhận hơn 600 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng (tính từ 27/4). Dù ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát, TP.HCM vẫn ghi nhận một số chuỗi lây lan rải rác trong cộng đồng.
So với các “điểm nóng” của dịch Covd-19 lần này như Bắc Giang, Bắc Ninh, các chuyên gia nhận định diễn biến tại TP.HCM có nhiều điểm khác biệt.
Phức tạp và khó kiểm soát
Trao đổi với Zing, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định ổ dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh đã được khoanh vùng. Phần lớn ca mắc đã xác định được nguồn lây, có thể truy vết rõ ràng về chuỗi lây nhiễm từ F0, qua đó khoanh vùng những khu vực liên quan.
Trong khi đó, TP.HCM có diện tích về mặt địa lý rất rộng lớn, số lượng dân cư cũng đặc biệt đông đúc. Ngoài ra, các ổ dịch được phát hiện trên thành phố, điển hình như điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, còn chưa rõ ràng về nguồn gốc lây nhiễm. Những người trong nhóm này mang virus đi khắp nơi trong cộng đồng mà có thể chưa được phát hiện.
“Do đó, tuy đến nay số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM chưa lớn bằng Bắc Giang hay Bắc Ninh, tình hình tại đây phức tạp và khó kiểm soát hơn”, ông Nga khẳng định.
Dịch Covid-19 tại TP.HCM phức tạp hơn do nguồn lây chưa rõ ràng, đa dạng đối tượng. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng cho rằng diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM nghiêm trọng hơn Bắc Giang và Bắc Ninh.
Bác sĩ này giải thích: “Các trường hợp mắc Covid-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang chủ yếu cùng là công nhân, làm việc trong khu công nghiệp. Tính chất của nhóm này cũng thường cư trú ở gần nhau. Với TP.HCM, những người lây nhiễm virus sinh hoạt trong một cụm với nhiều ngành nghề, địa phương khác nhau. Những trường hợp này khi tỏa ra sẽ đi rất xa, gây lây lan virus ở mức độ rộng hơn”.
Không những vậy, PGS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh TP.HCM cũng có rất nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lớn. Mật độ công nhân tại TP.HCM thậm chí có thể lớn hơn Bắc Giang hay Bắc Ninh. Với điều kiện thời tiết nắng nóng tại đây, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ, không gian kín trong các khu công nghiệp sẽ trở thành nguy cơ lây nhiễm rất lớn.
Mới đây, TP.HCM cũng phát hiện 4 trường hợp là công nhân có liên quan ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. May mắn, các trường hợp này được phát hiện sớm và xử lý triệt để nên chưa có dấu hiệu lây lan rộng virus trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh bảo cho việc kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp.
Nếu virus tồn tại lâu trong khu công nghiệp, TP.HCM sẽ rơi vào hoàn cảnh của Bắc Giang, Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Theo bác sĩ Khanh, nếu không may các ca bệnh này đã ở trong khu công nghiệp từ lâu, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có thể sẽ tương tự Bắc Giang, Bắc Ninh thời gian qua.
“Với những trường hợp như vậy, chúng ta sẽ phải đánh giá rõ ràng thời gian tồn tại của virus thông qua việc xét nghiệm tầm soát, bắt đầu từ những người tiếp xúc sát ca bệnh”, vị chuyên gia này nói.
Cần sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn
Vừa qua, với sự hỗ trợ và những chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Y tế, đến nay, Bắc Giang và Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thậm chí đã nhận định trong khoảng 10 ngày tới, dịch Covid-19 tại Bắc Ninh có thể được đẩy lùi.
Tại TP.HCM, các giải pháp cứng rắn đến nay chủ yếu đến từ quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Bộ Y tế và TP.HCM sẽ cần trao đổi lại thật kỹ về các chiến lược do bối cảnh tại thành phố này hoàn toàn khác.
“TP.HCM có số lượng dân cư đông, chủ yếu phát triển các hoạt động dịch vụ, quy mô về địa lý, kinh tế đều rất lớn. Do đó, việc phong tỏa, giãn cách lâu dài tại TP.HCM sẽ có rất nhiều thách thức. Chúng ta phải cân nhắc kỹ ảnh hưởng từ các chính sách tới hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố. Tôi nghĩ Bộ Y tế và TP.HCM cần có những thống nhất và phân tích rất cụ thể”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.
Khác Bắc Giang hay Bắc Ninh, với TP.HCM, Bộ Y tế có thể hỗ trợ về chiến lược và chuyên môn. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Theo vị chuyên gia này, TP.HCM hiện cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế về chuyên môn hoặc kết nối để thành phố có điều kiện cung cấp vaccine cũng như chủ động về nguồn lực.
"Bộ Y tế cần hỗ trợ TP.HCM về chiến lược chống dịch và vaccine", ông nhấn mạnh.
Về chuyên môn, thành phố cần hỗ trợ, tư vấn về phương pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết và xử lý các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, dựa trên tình hình cụ thể, Bộ Y tế cũng có thể đề nghị các cơ quan chuyên môn đầu ngành về dịch tễ học, phòng, chống dịch bệnh của Trung ương trên địa bàn như Viện Pasteur TP.HCM, Viện Y tế Công cộng TP.HCM phối hợp với trung tâm kiểm soát dịch bệnh, sở y tế tư vấn chuyên môn cho thành phố.
Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy với vai trò là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương cũng có thể phối hợp với TP.HCM thông qua công tác điều trị để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng khẳng định: “Hiện nay, nếu nói TP.HCM không đáp ứng về mặt con người là chưa đúng. Để hỗ trợ thành phố kiểm soát dịch, chiến lược giải quyết vấn đề mới là điều quan trọng”.
Theo bác sĩ này, Bộ Y tế có thể hỗ trợ TP.HCM về công tác xét nghiệm nhanh, mở rộng phạm vi sàng lọc, qua đó truy vết bằng được các “F0 lang thang”, những ca nhiễm tồn tại trong cộng đồng.
Dù vaccine là giải pháp tối ưu trong lúc này, chúng ta vẫn đang gặp khó khăn về số lượng. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Ngoài ra, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng vaccine luôn là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus. Việc bổ sung vaccine sớm nhất cho thành phố sẽ mang lại hiệu quả phòng, chống dịch tối ưu.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Huy Nga nhận định vấn đề hiện tại là chúng ta không đủ số lượng vaccine để cung cấp.
“Việc bổ sung vaccine để tiêm cho một nhóm đối tượng cụ thể như trong nhà máy, khu vực phong tỏa là khả thi. Tuy nhiên, việc tiêm cho cộng đồng sẽ rất khó khăn do Việt Nam không đủ số lượng vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh hiện nay”, ông Nga nói.