Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM tiếp cận vaccine Covid-19 của Moderna

Bộ trưởng Y tế cho biết cơ quan này đang phối hợp và hỗ trợ TP.HCM sớm tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 của Moderna.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thông tin này tại buổi lễ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM sáng 19/6.

TP.HCM được ưu tiên vaccine Covid-19

"Trong thời gian qua, chúng tôi đã trao đổi và phối hợp với TP.HCM để lên phương án để tiếp cận vaccine của Moderna. Hy vọng là TP.HCM sẽ sớm hoàn thành thỏa thuận với Moderna để có thể cung ứng vaccine cho người dân thành phố", Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh bên cạnh nguồn vaccine phòng Covid-19 mà TP.HCM tiếp cận được, Bộ Y tế tăng cường phân bổ ưu tiên nguồn vaccine cho thành phố, đảm bảo người dân có thể được tiếp cận vaccine theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.

TP.HCM tiep can vaccine Covid-19 cua Moderna anh 1

Một lọ vaccine Moderna được sản xuất bằng công nghệ mARN. Ảnh: Reuters.

Vaccine của Moderna là loại đầu tiên tại Mỹ thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngày 16/11/2020, công ty sản xuất thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trên người với hiệu quả bảo vệ lên tới 94,1%, cao hơn nhiều so với dự kiến ​​của các chuyên gia.

Trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đợt này, Bộ Y tế cho biết cán bộ, công nhân viên và người lao động tại doanh nghiệp sản xuất là nhóm nguy cơ cao và được ưu tiên tiêm vaccine hàng đầu.

"Một trong những trọng tâm của ngành y tế đợt này là quyết tâm ngăn chặn, không để dịch lây lan dịch trong khu công nghiệp. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch để hỗ trợ toàn diện cho thành phố để chiến dịch tiêm chủng diễn ra thần tốc, thuận lợi và đảm bảo an toàn", ông Nguyễn Thanh Long nói thêm.

TP.HCM tiep can vaccine Covid-19 cua Moderna anh 2

500 nhân viên tại một công ty ở Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 19/6. Ảnh: Duy Hiệu.

Để chiến dịch diễn ra thuận lợi, Bộ Y tế đã phân bổ cho thành phố 836.000 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, ngay sau khi nhận được hơn 900.000 liều từ nguồn viện trợ của Nhật Bản.

"Bộ Y tế đã tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên tại tất cả điểm tiêm chủng, đảm bảo an toàn, nghiêm ngặt từ khâu khám sàng lọc đến khi tiêm và theo dõi sức khỏe, kịp thời xử lý các phản ứng bất lợi nếu có sau tiêm. Với sự chuẩn bị này, tôi hy vọng rằng trong những ngày tới, thành phố sẽ nhanh chóng hoàn thành tiêm chủng đúng tiến độ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Y tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vaccine

Trả lời báo chí về vấn đề tự chủ trong tiếp cận và tiêm chủng vaccine, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, là cố gắng để người dân được tiếp cận vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng và rộng rãi nhất.

Tuy nhiên, do nhu cầu và khả năng cung ứng cũng như sự khan hiếm vaccine trên toàn thế giới mà vaccine cũng không thể được nhập về nhanh chóng và đầy đủ số lượng. Bộ Y tế đang tích cực trao đổi, đàm phán với tất cả nhà cung ứng, để làm sao vaccine về nhanh nhất, đảm bảo số lượng.

"Chúng tôi luôn đặt mối quan tâm và ưu tiên TP.HCM. Do đó, khi số lượng vaccine tiếp theo trong tháng 7 được nhập về nước, chúng tôi cũng tiếp tục ưu tiên cho TP.HCM, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh tại thành phố", ông nói thêm.

Bộ trưởng Y tế khẳng định Chính phủ và Bộ Y tế luôn luôn tạo điều kiện cho người dân cũng như tất cả địa phương, đơn vị, đặc biệt các doanh nghiệp có thể tiếp cận các loại vaccine.

TP.HCM tiep can vaccine Covid-19 cua Moderna anh 3

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (giữa) kiểm tra công tác tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM ngày 19/6. Ảnh: Duy Hiệu.

Bộ Y tế sẽ đảm bảo vấn đề nhập khẩu, kiểm định chất lượng vaccine khi nhập về nước. Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp tiếp cận được vaccine nhưng không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo hệ thống y tế hỗ trợ công tác này.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh từ nay đến cuối năm vẫn còn tình trạng tranh mua vaccine trên thế giới, nhất là trước tháng 10.

Do đó, các địa phương, doanh nghiệp phải cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vaccine tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng không giao vaccine trong năm 2021 và sang năm 2022 mới có.

Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn có miễn dịch cộng đồng, việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Điều này sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine, triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để đảm bảo khoảng 70 triệu dân được tiếp cận.

Ngày đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất ở TP.HCM

Sáng 19/6, TP.HCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Những người đầu tiên được tiêm là lực lượng công nhân tham gia sản xuất.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm