Dịch cúm gia cầm bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 và đến nay có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc, cũng như tốc độ lây lan.
“Tại Việt Nam, ổ dịch cúm trên đàn gia cầm vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 11 địa phương trên cả nước có ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm”, PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Dịch cúm gia cầm đã bắt đầu xuất hiện ở nước ta.
|
Trước nguy cơ cùng lúc phải đối mặt với 2 dịch cúm A (H5N1 và H7N9) có thể lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, phối hợp giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu; diễn tập liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm; tổ chức thu dung, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các địa phương xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm và các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc và Campuchia. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân cũng đang được các bộ ban ngành thực hiện khẩn trương, gấp rút.
Khi thấy đàn gia cầm có dấu hiệu nhiễm cúm, các hộ dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
|
Phòng chống dịch cúm gia cầm không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Để chủ động phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
2. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với gia cầm là biện pháp đơn giản để ngăn ngừa virus cúm.
|
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, virus cúm có sự biến đổi liên tục. Bởi vậy, chúng ta cần giám sát chặt chẽ, liên tục để phát hiện sớm những biến đổi về độc lực, cũng như khả năng lây truyền. Từ đó, dự báo khả năng gây đại dịch để có kế hoạch sẵn sàng đáp ứng, hạn chế tối đa các tác động đến sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội khi đại dịch xảy ra.
Từ năm 2014 đến nay, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1) ở người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng kết quả này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới - nếu mỗi người dân không chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng phòng tránh dịch bệnh.
Ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức của chính mình về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết theo khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra.
Buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề “Phòng chống dịch cúm gia cầm” do Zing.vn phối hợp cùng trang Zalo của Bộ Y tế tổ chức vào chiều 29/3. Đồng hành cùng Zing.vn trong chương trình là nhãn hàng Bifina.
Bộ Y tế là một trong những Bộ đầu tiên ở nước ta sử dụng Zalo để tương tác với người dân. Zalo của Bộ Y tế nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng và hiện là kênh tra cứu thông tin hữu ích của người dân. Độc giả truy cập Zalo của Bộ Y tế tại zalo.me/boyte.