Mới đây, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này ghi nhận 2.782 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Đây là sự gia tăng đáng kể (gấp khoảng 10 lần) số trường hợp mắc chứng não nhỏ tại Brasil so với các năm trước đó. Trong số các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với virus Zika.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Bộ Y tế Brazil điều tra và đánh giá mối liên quan giữa virus Zika và chứng não nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân có thể liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như các nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, những lỗi của gen. Do đó, có thể mất nhiều thời gian để xác định chính thức mối liên quan này.
Cũng trong năm nay, tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brazil đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Hầu hết các trường hợp có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có biểu hiện nên khó phát hiện. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong trong năm nay song thông tin liên quan đến bệnh do virus Zika tại Brazil đã dấy lên sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới về ảnh hưởng của loại virus này đối với thai nhi.
Việt Nam có muỗi truyền bệnh
Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika song nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền virus Zika, đồng thời hiện nay virus này đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên nguy cơ chúng có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta.
Do đó, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.
Hiện nay, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh do virus xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh do virus Zika do một loại virus được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda gây nên. Sau đó, bệnh tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi. Tại châu Á cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter. Năm 2013, Thái Lan cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do virus ở một số tỉnh, thành phố.
Bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của vi rút Zika là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Ngoài ra có một số bằng chứng có thể gợi ý virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.