Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 được phép đi lại, tham gia các hoạt động.
Trước đó, một số chuyên gia cũng cho rằng nên cho những trường hợp này đi lại, tham gia sản xuất, kinh doanh.
Ý nghĩa khi tiêm đủ 2 mũi vaccine
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 6/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm điều này tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch.
Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác. Dù ở họ, nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm đã giảm.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh ý nghĩa của 2 mũi vaccine Covid-19 là giúp bản thân người được tiêm. Nếu không may nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể gặp triệu chứng nhẹ và bệnh ít trở nặng.
Tỷ lệ tử vong ở những người này theo các báo cáo khoa học là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng cho biết trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, tiêm đủ mũi vaccine nhằm giúp người dân tăng miễn dịch với SARS-CoV-2.
Trong trường hợp mắc Covid-19, họ sẽ có triệu chứng nhẹ và giảm nguy cơ tăng nặng so với những người chưa được tiêm vaccine.
Tuyệt đối không chủ quan
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và lây cho người khác.
Do đó, việc tiêm đủ 2 mũi không đồng nghĩa họ được tự do đi lại hoặc không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Sơn, dù có được ưu tiên đi làm dịch vụ, những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo: "Những trường hợp này không nên chủ quan mà cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt là 5K. Không phải tiêm đủ vaccine là tự do đi lại và lơ là các biện pháp phòng, chống dịch”.
Bệnh nhân 25 tuổi, đã tiêm một mũi vaccine, đang điều trị Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thực tế, một số quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao đã mở cửa trở lại. Nhưng sau đó, họ lại ghi nhận số ca mắc tăng lên hàng ngày. Do đó, các quốc gia này đã siết chặt lại các biện pháp phòng dịch và kéo dài thêm thời gian giãn cách.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho biết vaccine phòng Covid-19 được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp.
Đây là vaccine mới nên chúng ta chưa thể biết chắc chắn về việc giảm khả năng nhiễm bệnh, lây truyền cũng như mức độ miễn dịch bền vững như thế nào, kéo dài bao lâu.
"Thậm chí, nghiên cứu mới đây của CDC Mỹ cho thấy nồng độ virus ở một số người đã và chưa tiêm khi bị nhiễm là cao như nhau. Điều đó có nghĩa khả năng lây lan cho người khác là như nhau. Song có một điều chắc chắn là tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm triệu chứng nặng, nguy cơ nhập viện và tử vong", PGS Phu nói.
Theo chuyên gia này, người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cho cộng đồng (đạt được miễn dịch cộng đồng), ít nhất 70% dân số phải được tiêm vaccine.
Hiện nay, nước ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì thế, người dân vẫn có nguy cơ bị lây virus từ người đã tiêm đủ vaccine khi tiếp xúc, nếu họ nhiễm SARS-CoV-2.
Đồng thời, người được tiêm vaccine đang bị nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm thấp sẽ gây bùng phát dịch.
Tuy nhiên, PGS Phu cũng cho rằng các tỉnh, thành phố hoặc khu vực đã được tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng nên có quy định riêng để người đủ 2 mũi trở lại cuộc sống bình thường mới.
Chẳng hạn, TPHCM, Hà Nội hay Bình Dương…, khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho tất cả người dân, có thể xây dựng quy định về đi lại, phương án sản xuất, kinh doanh... Những quy định này áp dụng với cả người đã tiêm vaccine từ nơi khác đến.
"Tuy nhiên, cũng cần có quy định cho người từ nơi có tỷ lệ tiêm cao đến nơi có tỷ lệ tiêm thấp, nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người chưa tiêm, tránh bùng phát dịch tại nơi có tỷ lệ tiêm thấp", PGS Phu nói.