Có thể nhìn lại trường hợp bộ phim điện ảnh cổ trang Bữa tiệc của vua/The Last Supper (2012), do đạo diễn Lục Xuyên dàn dựng làm một ví dụ cho những mánh khóe và âm mưu thâm độc luôn lẩn khuất trong nền điện ảnh Hoa ngữ. Ngay từ sau khi phim công chiếu được mấy ngày (ra mắt 29/11/2012), đồng loạt các trang mạng chuyên trị về phim của Trung Quốc đều viết bài phê bình khá gay gắt.
Đạo diễn Lục Xuyên không khóc, ông vẫn cứng rắn chứ không như nhân vật Hạng Vũ trong phim, tìm đến cái chết để đáp trả những kẻ đang vây hãm nhà vua. Thay vào đó, ông chơi kiểu "lấy độc trị độc", thuê chính đội ngũ những kẻ chuyên phá phách, vùi dập Bữa tiệc của vua, lấy lại danh tiếng cũng như những lời bình tích cực xứng đáng mà phim có được. Hành động trên cũng được đạo diễn Lục thừa nhận sau khi tiết lộ quy tắc bất thành văn mà ông đã áp dụng.
Bữa tiệc của vua đã không kịp trở tay trước cú tấn công của đối thủ. |
Đạo diễn Lục Xuyên đã thẳng thắn thừa nhận, thuê lại đội ngũ tạo scandal để lấy lại danh tiếng cho phim. |
Điều đáng nói, cùng ngày ra mắt với Bữa tiệc của vua còn còn có bộ phim 1942, được coi chính là sát thủ đã "ném đá giấu lưng". Nhiều người không khỏi đặt nghi vấn khi hướng ánh nhìn công kích về phía 1942. Tuy nhiên, dưới con mắt của một người thạo tin, từng quan sát những vụ chơi xấu trong showbiz thì, sự việc không phải chỉ đơn giản như vậy. Rất có thể scandal vừa qua đối với Bữa tiệc của vua lại là vì mục đích kinh doanh, vì vậy chính nhà sản xuất đã tự biên tự diễn mọi lùm xùm, nhằm gây sự chú ý của dư luận, điều này tất nhiên có lợi thế rất lớn cho bộ phim.
Vậy hành động bôi nhọ, tạo scandal và đứng sau giật giây hãm hại người khác trong giới showbiz có đơn giản như những gì người ngoài cuộc vẫn nghĩ? Hành động đó là gì, do những cá nhân, tổ chức nào gây nên, dịch vụ này được tiến hành ra sao, có thể kiếm được bao nhiêu tiền và nó có ảnh hưởng lớn đến mức nào tới điện ảnh? Dưới đây sẽ là những giải thích cặn kẽ từ những người thạo tin trong showbiz Hoa ngữ.
Ngành dịch vụ tạo scandal, giật giây hãm hại trong showbiz
Ngày nay, trên mạng người ta có thể bắt gặp hàng chục những trang web về ngành dịch vụ đặc biệt này. Có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin đăng tuyển nhân sự để thực hiện scandal chơi xấu nhau cung cấp cho showbiz. Thông tin kiểu này đưa ra yêu cầu và nghĩa vụ đối với người được tuyển. Một vài tổ chức giật giây không những có trang web mà còn có cả đường dây nóng, nhân viên phục vụ trả lời 24/24h. Hoặc chỉ đơn giản vào trang rao vặt nổi tiếng của Trung Quốc là Taobao và gõ cụm từ "Dìm hàng + Lăng-xê" sẽ cho ra hàng loạt các trang web chuyên về dịch vụ này.
Theo chia sẻ của ông Đới Lương Ngụy, giám đốc điều hành hãng phim Magic Piture vốn đi lên từ sự cộng hưởng của truyền thông thì đây là một ngành dịch vụ mới phát triển khá sôi động trong một vài năm trở lại đây. Họ là những người được thuê với mục đích lăng xê, tung hô hay "dìm hàng", hủy hoại một cá nhân hay sản phẩm nghệ thuật (điện ảnh, âm nhạc) của ai đó.
1942 ra rạp cùng ngày với Bữa tiệc của vua và bị nghi đứng sau giật dây hãm hại đối thủ. |
Trong ngành dịch vụ đặc biệt cũng chia thành hai nhánh, đó là "Hắc thủ" và "Bạch thủ". Điều này được ông Lương Ngụy tiết lộ khi nói về những tổ chức có dịch vụ tạo scandal. Theo đó, những tổ chức này làm việc có bài bản, kế hoạch và chủ động tấn công mục tiêu một cách có chủ đích. Hướng đi của họ là lái dư luận mạng theo hướng có lợi của họ trong một thời gian ngắn nhất.
Trên mạng internet, độ phủ sóng của những người trong dịch vụ tạo scandal là vô cùng lớn, đó là những trang mạng xã hội, các diễn đàn mạng, hay những trang mạng SNS... Cũng theo ông Lương, lĩnh vực điện ảnh chỉ là một phạm vi nhỏ trong lĩnh vực hoạt động của dịch vụ tạo scandal này, bởi bất cứ ngành nghề nào có cạnh tranh, ở đó có người tạo scandal.
Hơn nữa, việc "dìm hàng" một bộ phim chỉ đơn giản là một công việc ở mức độ sơ đẳng nhất, vì chỉ cần viết một vài dòng bình luận đơn giản có chút liên quan đến bộ phim nào đó mà người viết nhắm đến, không mất quá nhiều công sức, như vậy về cơ bản cũng đủ tạo một vòng sóng nhỏ có nguy cơ lan tỏa ra thành những vòng sóng lớn.
Theo một phóng viên chuyên viết mảng giải trí Hoa ngữ tiết lộ, việc bộ phận PR của các hãng phim dựa vào những scandal làm truyền thông không còn là chuyện mới mẻ trong hai năm qua. Một năm trước, các nhà sản xuất phim chưa dám nghĩ đến việc tự "tâng bốc" bản thân cũng như tung ra những lời nhận xét tốt đẹp về minh, đó được gọi là scandal "Bạch thủ". Họ thuê dịch vụ tạo scandal "chơi xấu" phim đối thủ, tức là những phim ra rạp cùng thời gian, đây được gọi là "Hắc thủ".
Các hãng phim đang làm giàu cho dịch vụ tạo scandal
Công việc cụ thể của những dịch vụ tạo scandal trên được cho là có khá nhiều mức độ khác nhau. Mức sơ đẳng nhất mà một dịch vụ giật dây ném đá sau lưng làm, đó là nói xấu, đưa ra những bình luận không tốt về phía đối thủ. Điều này khiến những người chưa từng xem phim sẽ cảm thấy lưỡng lự và dao động không muốn xem.
Với mức độ cao cấp hơn, họ cùng các mối quan hệ để khống chế admin các trang mạng, diễn đàn mạng, buộc họ phải gỡ bỏ bài viết về phim đối thủ hoặc đăng tải bài viết nói xấu cũng như công kích đối phương. Ví dụ với trường hợp bộ phim Bữa tiệc của vua từng có bài viết bình luận tích cực trên trang Tieba. Ngay sau đó, đối thủ dùng chiêu "Hắc thủ" đã liên hệ đến admin của trang web trên với một khoản tiền giao ước, yêu cầu admin huy động các thành viên quản lý xóa bài viết hay bình luận về bộ phim trên.
Bữa tiệc của vua bị vùi dập bằng nhiều chiêu trò của đội ngũ tạo scandal. |
Trong trường hợp không liên lạc, kết nối được với admin, những kẻ giật dây sẽ sử dụng chiêu bài tự tạo viết bình luận ném đá riêng, bài viết đó sẽ xuất hiện ở trang những trang cuối cùng hay mới nhất của topic, như vậy sẽ tạo sự chú ý rất lớn đối với những thành viên muốn theo dõi. Như thế họ đã một mặt đổi trắng thay đen, kéo danh tiếng của bộ phim đang từ khen xuống bị "dìm hàng" tả tơi.
Nhận định từ cô Trần, nhân viên truyền thông một hãng phim chia sẻ cho biết, hiện tại rất nhiều hãng phim đã dành hẳn một khoản kinh phí hoàn chỉnh cho hoạt động thuê đội ngũ tạo scandal. Hơn nữa, những cá nhân của các dịch vụ trên cũng ra giá một cách đàng hoàng, ví dụ với 100.000 NDT (344 triệu đồng) có thể khiến đưa tên tuổi một bộ phim lên thành phim ăn khách. Từ dẫn chứng trên khiến người ta nghĩ đến chuyện, dịch vụ tạo scandal đang hình thành nên mắt xích liên kết trong ngành điện ảnh?
Quan hệ như xúc tua bạch tuộc
Nhiều người bắt đầu cảm thấy tò mò về đội quân tạo scandal bí ẩn trên mạng, không biết họ là những ai trong xã hội ngoài đời thực. Vấn đề này được một người thạo tin khẳng định, họ rất có thể là những người quen thân sống ngay cạnh bạn. Ngay bản thân anh A, người cung cấp thông tin cho bài viết này cũng là một người làm thêm cho đội ngũ tạo scandal, trong khi ngành nghề chính của cô là nhân viên văn phòng cho một công ty quảng cáo.
Dịch vụ tạo scandal trong điện ảnh Trung Quốc đang trở nên chuyên nghiệp, phát triển và lớn mạnh. |
Trong đội quân hùng hậu góp sức cho đội ngũ tạo scandal, có không ít người là học sinh, sinh viên làm thêm. Anh A cho biết, bản thân công việc khá linh động, có thể đan xen và làm thêm những lúc nhàn rỗi, mà theo anh A thì vừa có thêm thu nhập lại có thêm nguồn vui tiêu khiển. Anh A còn cho biết thêm, chỉ cần rảnh lên mạng là có thể làm được công việc trên. Ngoài ra, theo anh A được biết, có rất nhiều người là học sinh, sinh viên cũng làm thêm việc này để có kinh phí riêng.
Ngay bản thân giám đốc truyền thông Bạch Khiết, đến từ bộ phận truyền thông của công ty CN Top Media cũng từng liên lạc với những dịch vụ kiểu trên. Cô Bạch tiết lộ, thời gian bộ phim Lost In Bangkok công chiếu cũng từng dính scandal từ đối thủ, vì vậy cô Bạch cùng đoàn phim đã phải chơi lại.
Để có được thành công vang đội, Lost In Bangkok cũng phải cậy nhờ đến đội ngũ tạo scandal. |
Theo cô Bạch, để hoàn thành một quá trình trong việc giật dây hãm hại đối thủ, đội ngũ tạo scandal phải cần đến một lực lượng hùng hậu về nhân lực, do vậy nhân viên fulltime (nhân viên hành chính toàn thời gian) là điều không thể. Do đó, đội ngũ này từ người quản lý cho đến nhân viên dưới quyền đều là làm thêm. Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản, những người làm trong dịch vụ tạo scandal là bất kỳ ai đều có thể tham gia.
Admin quản lý blog của sao trong đội quân giật dây chia lợi
Được biết, trong một vài năm gần đây khi các loại hình truyền thông ra đời và phát triển mạnh mẽ, những hình thức của loại dịch vụ tạo scandal cũng ngày một chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu. Theo một người hoạt động trong ngành dịch vụ này không tiện nêu tên tiết lộ, blog một ngôi sao nổi tiếng có 100.000 fan trở lên, mỗi khi admin quản lý blog này huy động đội ngũ fan truyền tải một câu bình ngắn gọn, có ý khen một bô phim sau khi xem một bộ phim. Việc này đồng nghĩa với việc được trả 800 NDT (2,8 triệu đồng), trong khi nếu có đội ngũ fan dưới 100.000 người, thù lao nhận được là 400 NDT (1,6 triệu đồng).
Hành động trên được gọi là sự móc nối giữa người quản lý blog các sao nổi tiếng với dịch vụ tạo scandal. Với đội ngũ quản lý blog của một siêu sao, mỗi khi truyền đạt một lời khen dành cho bộ phim mà dịch vụ tạo scandal đang muốn lăng xê, họ sẽ nhận được khoản tiền khoảng 10.000 NDT (34 triệu đồng). Như vậy, từ việc làm trên, có nhiều người vụ lợi đã dùng đến chiêu mua lượng người "Follower" ảo để tạo ảnh hưởng cho trang web của bản thân. Những người có kinh nghiệm trong ngành dịch vụ tạo scandal khi nhìn vào sẽ nhận ra ngay, 70% follower trên web đó là ảo.
Có rất nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ scandal trong nền điện ảnh Trung Quốc. |
Phương thức hoạt động của đội ngũ tạo scandal, giật dây được anh A cho biết, hiện tại có nơi hình thành công ty chuyên kinh doanh loại hình dịch vụ này, cũng có nơi hoạt động dưới hình thức cá nhân. Trong khi hình thức công ty thường lấy danh nghĩa công kinh doanh mạng để hoạt động, không bị lộ danh tính. Đối với loại hình thứ hai, họ sống dựa vào các trang diễn đàn, tức là kiếm lời từ hoạt động tạo scandal từ những topic trên các diễn đàn mạng, trang web xã hội.
Cả hai hình thức công ty và cá nhân kinh doanh dịch vụ tạo scandal đều lợi dụng hình thức phát tán thông tin hạ gục đối thủ, tán dương thân chủ bằng "chiến thuật biển người". Họ thông thường vào các diễn đàn mạng, lập một topic, thu hút sự chú ý của cư dân mạng bằng cách phát tán những thông tin công kích hay tán dương.
Những người "dưới trướng" tiếp tục vào topic này và lan truyền thông tin trên cũng như bàn tán xấu tốt về bộ phim. Hoặc những cá nhân này cũng có thể tạo lập một topic riêng về bộ phim họ tán dương hay vùi dập: "Hình thức trên khá đê tiện nhưng hiệu quả không hề nhỏ chút nào. Điều quan trọng là hình thức này đã lan tỏa được sức ảnh hưởng truyền miệng một cách mạnh mẽ. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã đạt được hiệu quả như dự báo", anh A nhận xét.
Về phía các công ty truyền thông, cô Chu Lệ (tên nhân vật đã được thay đổi) làm việc tại một công ty truyền thông quảng cáo tiết lộ, chính công ty của cô cũng có phòng chuyên môn phụ trách mảng tạo scandal, với tên gọi "nhã nhặn" hơn là Phòng truyền thông miệng (Word of Mouth). Phòng này có trách nhiệm theo dõi và điều chỉnh những bình luận trên các sản phẩm web mà họ quản lý.
Tân Hồng Lâu Mộng từng điêu đứng với tình trạng bị trù dập từ đội ngũ tạo scandal. |
Chỉ có điều khác giữa các công ty truyền thông với đội ngũ tạo scandal ở chỗ, hình thức hoạt động của những phòng ban này là chính quy, những lời bình luận trên website của những công ty này đều do người thật thực hiện, thay vì sử dụng phần mềm hoặc tài khoản ảo. Một điều khác nữa với các công ty truyền thông, đó là họ không đưa ra những lời bình ác ý cũng như chấm điểm quá thấp đối với đối phương, mà chỉ đơn giản là phát hành tin tức trên mạng, tuyên truyền và lấy ý kiến cư dân mạng. Hành động này được coi như cao tay và văn minh hơn.
Thu nhập hàng tháng lên đến gần 7 triệu đồng
Với số lượng người huy động được trong sau mỗi vụ tạo scandal là rất lớn, do đó khi chia thu nhập cho mỗi đầu người lại ra một con số khá khiêm tốn. Thế nhưng, nếu một người gửi được nhiều bình luận, trong một tháng cũng có thu nhập khả quan. Anh A tuy không tiết lộ thu nhập hàng tháng của mình, nhưng cũng cho biết, chỉ cần chịu khó vào mạng hàng ngày, mỗi tháng thu được từ 1.000 - 3.000 NDT (từ 3,4 - 6,9 triệu đồng) là điều không quá khó.
Thu nhập của những cá nhân thấp nhất trong đội ngũ tạo scandal theo anh A cho biết, với mỗi bình luận họ truyền đi sẽ nhận được khoảng từ 1 - 5 hào (1 hào = 1/10 tệ). Tuy nhiên giá cả cụ thể sẽ còn dao động, chủ yếu là xem vị trí bình luận của người đó đăng tải lên cũng như nội dung bình luận ra sao. Sau khi đăng tải bình luận, mỗi cá nhân sẽ phải gửi liên kết đến kiểm toán viên, sau khi được kiểm toán viên lưu lại, khi đó mới coi như cá nhân đó được tính thù lao.
Một trang mạng tạo scandal tố Tân Hồng Lâu Mộng quỵt tiền, vì vậy đã chính thức "dìm hàng" bộ phim khiến không ngóc đầu lên nổi. |
Giao dịch thanh toán giữa hai bên thông thường sử dụng hình thức thanh toán bằng Paypal hoặc TenPay, vừa nhanh vừa thuận tiện. Và để thống nhất trong việc trả tiền cho đội ngũ người làm thêm, kiểm toán viên kêu gọi mọi người tích lũy số tiền thù lao đến một con số nhất định nào đó, từ đó mới tiến hành giao dịch. Còn theo anh A lại cho biết: "Có nhiều người thu nhập khá ít ỏi, tiết kiệm được đồng nào họ thường muốn lấy ngay để tránh tình trạng bị lưu cữu".
Đối với những người hoạt động dựa vào những công ty truyền thông, thông thường họ chỉ phải chia 40% phí dụng với công ty, trong đó phí xóa các bài viết trên những trang mạng thông thường có thể gia giảm, trong khoảng từ 500 - 2.800 NDT (1,7 - 9,6 triệu đồng), với những trang mạng chính thống sẽ được trả 3.000 NDT (khoảng 6,8 triệu đồng),
Như vậy, từ số liệu trên có thể thấy, con số 50.000 NDT (172 triệu đồng) mà đạo diễn Lục Xuyên của bộ phim Bữa tiệc của vua bỏ ra thuê đội ngũ tạo scandal là quá nhỏ. Điều này chẳng trách tốc độ tăng vọt về điểm số cũng như bình luận cho phim của ông không thể địch lại với đối thủ.
Thời gian tạo scandal phải tập trung
Bão scandal luôn có hiệu ứng rất mãnh liệt, đặc biệt theo như lời ông Lăng Nghị, giám đốc dự án công ty điện ảnh China Magic Bắc Kinh thì việc này khá đơn giản khi đã nhìn thấu bản chất sự việc: "Vì việc công kích bằng lời nói chỉ phát huy tác dụng mạnh mẽ nhất trong thời gian phim mới công chiếu. Do vậy, thời gian này cũng được coi là lúc xuất hiện nhiều nhất những scandal và mưu mô từ đối thủ cũng như chính nhà sản xuất".
Như thế, theo lời của ông Lăng, giai đoạn phim phát hành cũng chính là thời kỳ đỉnh điểm của những chiêu trò, mánh lới được gọi là scandal.
Ngoài thời gian công kích tập trung, hình thức tấn công của scandal cũng khá nhất quán. Trường hợp bộ phim Quan Vân Trường/The Lost Bladesman (2011) khi gặp phải những tin đồn ác ý, từng được coi là bộ phim dính scandal tồi tệ bậc nhất. Khi phát động tổng công kích, thủ đoạn đơn giản nhất mà đội ngũ tạo scandal hướng về phía bộ phim Quan Vân Trường đó là chỉ đánh giá phim ở điểm số 1, trong khi dành điểm số 10 cho bộ phim cổ trang viễn tưởng ra rạp cùng ngày với Quan Vân Trường.
Phim Quan Vân Trường trở thành bộ phim bị vùi dập tồi tệ nhất trong năm 2011. |
Nếu để ý kỹ sẽ thấy, những tài khoản/user (người dùng) tham gia chấm điểm phim đều là những người dùng mới đăng ký thành viên chưa lâu, trên trang thông tin cá nhân không hề có bất cứ hoạt động nào, đơn giản chỉ có việc chấm điểm nhận xét về hai bộ phim là Quan Vân Trường và đối thủ còn lại.
Ông Lăng Nghị tiếp tục nêu ví dụ để giải thích thêm, một bộ phim đạt điểm số 7 về mức độ kỳ vọng từ người xem, do đó những điểm số 7 và 8 xuất hiện nhiều nhất, lác đác có điểm 6 và 9, ít nhất là điểm 5 và 10. Như vậy, nếu bộ phim được chấm điểm 1 và 2 vì có điểm số này quá nhiều, tất yếu có thể biết đã có sự nhúng tay của kẻ xấu. Còn nếu như chỉ toàn điểm tối đa 9, 10 cũng không loại trừ trường hợp trên.
Theo cô Bạch Khiết bổ sung thêm, những tài khoản mới lập để tham gia chấm điểm vẫn chưa phải lực lượng tấn công chủ lực. Còn một số chiêu trò khác như mua tài khoản của những người đăng ký trước đó khá lâu, là những người thường xuyên có các hoạt động trên website.
Đoàn phim Quan Vân Trường muốn đứng ra kiện cũng không có bằng chứng ai là kẻ đứng sau chủ mưu. |
Trong lúc phát động cuộc công kích, chính những tài khoản này mới là thành phần chính góp phần lật đổ đối phủ. Với mưu lược trên, người ngoài khó mà nhận biết được những tài khoản đó lại chính là kẻ giật dây đội lốt. Cô Bạch tiết lộ, những tài khoản lâu năm hoạt động thường xuyên và đóng phí thành viên, vì vậy những tài khoản này đều nằm trong tay những thành viên cao cấp trong đội ngũ tạo scandal.
"Bó tay" không biết kiện ai
Năm 2011, khi bộ phim Quan Vân Trường bị "dìm hàng", nhà đầu tư có ý định tố cáo và đưa vụ việc cậy đến pháp luật. Thế nhưng trong tay họ chỉ có chứng cứ Quan Vân Trường bị vùi dập, chứ không hề có chứng cứ ai là người đứng sau giật dây hãm hại. Biết rõ là bản thân phim bị chơi xấu nhưng không có chứng cứ xác đáng kẻ đó là ai. Điều này cũng trở thành vấn đề đau đầu của nhiều nhà làm phim khi bị dính scandal.
Theo phân tích của phó giám đốc điều hành Công ty truyền thông Tân Lệ là Trương văn Bá chia sẻ, những phim bị dính scandal và vùi dập thường rơi vào 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là ngày ra rạp trùng lặp với một bộ phim có tiếng khác. Thứ hai là thái độ tự vỗ về của các nhà đầu tư khi cho rằng, cứ để đối thủ tự tung tự tác ắt mình sẽ giành phần thắng. Và thứ ba đó là sự đoàn kết từ lực lượng fan đông đảo của các sao nổi tiếng. Khi họ đã hợp lực lại, mức độ ra tay từ thành tố này cũng ghê gớm gấp bội.