Body painting: Cởi hết chưa chắc là nghệ thuật
Họa sĩ Ngô Lực chia sẻ, việc phủ màu vẽ lên cơ thể mẫu nude có thể không dung tục bằng việc dùng hai mảnh vải che chỗ nhạy cảm rồi vẽ, nhưng người quản lý cho rằng cởi hết chưa hẳn là đẹp.
Chỉ dám vẽ trong studio
Họa sĩ Ngô Lực từng than cái khó, cái khổ của những họa sĩ dấn thân vào cuộc “chơi” với nghệ thuật này là công chúng hầu như không biết đến tác phẩm của họ. Đơn giản, họ chưa (hoặc không) thể tổ chức triển lãm tác phẩm của mình.
“Một tác phẩm nghệ thuật không thể triển lãm bằng… ảnh. Muốn triển lãm, họa sĩ phải mang tác phẩm thật của mình đến xin phép các cơ quan quản lý văn hóa. Không lẽ mình phải “bê” 5-7 cô người mẫu mình đã vẽ đến cơ quan chức năng, rồi họ phải… thoát y để duyệt (!?). Chuyện này gần như là viễn tưởng".
Anh từng làm nhiều cuộc trình diễn body painting nhưng chưa từng đi xin cấp phép bao giờ bởi công việc đó do đơn vị tổ chức sự kiện đứng ra lo liệu. Tuy nhiên, việc vẽ nude hoàn toàn với anh chỉ có thể thực hiện trong studio, sau đó chụp ảnh lưu lại rồi đưa lên mạng chứ vẽ trước mặt công chúng thì anh chưa dám làm, mà có làm chắc chắn sẽ bị cơ quan quản lý "tuýt còi". Chính vì không gần với công chúng, xa lạ với cấp quản lý văn hóa nên khi nghe nói đến body painting, rất nhiều người đã tha hồ tưởng tượng, suy diễn.
Họa sĩ Ngô Lực. |
Có gì mà phải loay hoay?
Trong khi nghệ sĩ loay hoay tìm đường ra cho tác phẩm của mình tới rộng rãi công chúng thì ông Nguyễn Thành Nhân - Phó phòng quản lý, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, việc cấp phép biểu diễn các tác phẩm hội họa thuộc Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm có gì đâu phải loay hoay.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết, tới thời điểm này chưa có một họa sĩ hay nhóm họa sĩ nào mang tác phẩm của mình đến xin mở triển lãm để bán vé lấy tiền. Nếu họa sĩ thực sự tự tin với tác phẩm nghệ thuật của mình thì có thể mang ảnh chụp các tác phẩm của mình đến Cục, Cục sẽ duyệt, kể cả là cô người mẫu đó nude hoàn toàn trong khi vẽ.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng đâu phải cứ cởi hết ra mới là nghệ thuật và không phải tác phẩm body painting nào cũng cần thiết nude hoàn toàn.
Do quan niệm Á Đông nên việc xét duyệt một cuộc triển lãm body painting phải làm một cách kỹ lưỡng, các họa sĩ phải đảm bảo được tác phẩm của mình đưa tới công chúng mang tính nghệ thuật không còn sự dung tục trong tác phẩm.
Một tác phẩm body painting. |
Che chắn kỹ có khi còn tục hơn nude
"Tôi thấy các nghệ sĩ đương đại hễ có dịp là bày tỏ sự thiếu không gian để sáng tạo, thiếu sự quan tâm của các nhà quản lý, các giới chức văn hóa, thiếu sự hiểu biết và đồng cảm của khán giả trong khi họ tin rằng việc sáng tạo của họ là những cuộc chơi cho riêng mình. Tôi đã từng xem một số tác phẩm body painting nhưng cũng chỉ vài tác phẩm trong số đó còn có chủ ý và đạt được đến trình độ nghệ thuật còn lại thì chưa đạt nếu không muốn nói là làm xấu đi cả người mẫu lẫn tác phẩm. Về việc body painting nở rộ trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn mới mẻ, việc có cần thiết coi nó như là môn nghệ thuật không thể thiếu được trong đời sống nghệ thuật nước nhà hay không lại là một câu chuyện khác. Bản thân nghệ thuật là tự thân, bản thân tác phẩm của người nghệ sĩ tốt thì tự người xem sẽ tìm tới và cảm nhận thôi ", ông Thành nói.
Trong khi đó, họa sĩ Ngô Lực cho rằng việc phủ màu vẽ lên cơ thể người mẫu nude có khi lại không dung tục bằng việc dùng hai mảnh vải che chắn chỗ nhạy cảm rồi vẽ. Bởi theo anh, nhiều khi chính những mảnh vải che chắn đó lại làm người xem chú ý mà quên nhìn ngắm tác phẩm vì "càng che chắn kỹ càng tò mò".
Họa sĩ Ngô Lực từng chứng kiến nhiều tác phẩm mà dưới cái nhìn của anh, nó thô tục có khi là dâm tục nhưng vẫn được cơ quan chức năng duyệt trong khi đó, nhiều tác phẩm đáng xem thì lại bị hủy bỏ. Thế nên khó khăn đầu tiên của body painting lại nằm ngay ở nhận thức của khán giả (bao gồm cả nhà quản lý văn hóa) về thể loại này.
Theo Vietnamnet