Bội thực phim Hàn Quốc, Trung Quốc
Chỉ tính riêng 3 kênh chính của VTV là VTV1, VTV2, VTV3 thời điểm hiện nay, tất cả các giờ phim nước ngoài đều đang chiếu phim Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quảng bá miễn phí cho nước ngoài
Phát biểu của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) hôm 16/8 vừa qua về việc "Các đài phát thanh, truyền hình phải nâng cao chất lượng và thời lượng chương trình tự sản xuất, hạn chế việc khai thác quá nhiều phim truyền hình nước ngoài, nhất là phim của Trung Quốc, Hàn Quốc" đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Tại các diễn đàn, các mạng xã hội, nhiều thành viên đều ủng hộ ý kiến của ông Lượng. Họ cho rằng, trong một thời gian dài, việc không chỉ VTV mà 63 đài truyền hình các tỉnh, thành phố và hàng chục kênh truyền hình khác? Việc quá ưu ái cho phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc không chỉ tạo nên một sự lệch lạc trong thực đơn giải trí của khán giả mà ít nhiều đã để lại hậu quả khó lường trong thế hệ khán giả trẻ.
Khán giả Đỗ Ngọc Thanh ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Cứ bật các kênh lên là thấy phim Hàn, nhạc Hàn, các ngôi sao giải trí của Hàn tràn lan phủ sóng. Có phải chúng ta đang tập trung thời gian, tiền bạc của đất nước mình để quảng bá cho văn hóa Hàn Quốc hay không? Tại sao lại phi lý như thế?".
Một ý kiến khác, bác Lê Văn Tiến ở nhà K5 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Truyền hình chiếu phim gì, khán giả chúng tôi phải xem phim đó, vậy mà giờ suốt ngày TV phát phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc khiến người xem chán ngán. Các đài truyền hình có "âm mưu" gì không mà lại suốt ngày cứ đi quảng bá cho văn hóa, lịch sử, du lịch, lối sống của hai nước thông qua phim ảnh ngày càng nhiều như vậy?”'.
Vì dễ hay vì rẻ?
Không thể phủ nhận một thực tế, Trung Quốc và Hàn Quốc đang là hai nền điện ảnh lớn nhất châu Á. Điện ảnh của họ đã trở thành một nền công nghiệp chiếm thị phần lớn và ảnh hưởng lớn ở nhiều nước trong khu vực, thế nên truyền hình Việt Nam khai thác nhiều phim từ đó cũng là một điều có thể lý giải được.
Ai cũng biết, tiền bản quyền của một bộ phim hay có xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Nga, Italia, Australia... sẽ không hề rẻ, trong khi phim Hàn Quốc, Trung Quốc vừa sẵn, vừa nhiều, giá lại "mềm", và trong nước lại sẵn có một lượng không nhỏ người mê phim Hàn, phim Trung nên chẳng dại gì mà các đài không nhập về chiếu. Chi phí bản quyền rẻ (thậm chí nhiều phim được tặng không hoặc đổi quảng cáo), nội dung phim đơn giản, dễ hiểu, dễ xem, quảng cáo vẫn hút khách... nên các đài cứ tích cực phát.
Quảng bá văn hóa của quốc gia này ở một quốc gia khác trong thời điểm hiện nay đang là một câu chuyện hết sức nhạy cảm. Còn nhớ, tháng 8/2011, hơn 6.000 người dân Nhật Bản đã tụ tập để biểu tình phản đối việc Đài Truyền hình FUJI Tokyo chiếu quá nhiều phim của Hàn Quốc.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc biểu tình này là trước đó diễn viên Nhật Bản Takaoka chỉ trích việc Đài FUJI quá coi trọng văn hóa du nhập từ Hàn Quốc và đã bị đuổi việc. Còn ở VN, báo chí và dư luận lên tiếng nhiều, đã có những ý kiến chỉ đạo hạn chế chiếu phim Trung Quốc, Hàn Quốc... và tăng thời lượng phim nội, vậy mà đài truyền hình quốc gia và các đài địa phương vẫn ồ ạt chiếu.
Các nhà đài nghĩ gì khi mình cứ vô tư quảng bá cho văn hóa, lịch sử, lối sống... của Hàn Quốc, Trung Quốc? Họ có ý thức rằng mình là "người đầu bếp", phải liệu cơm gắp mắm để thu xếp được một thực đơn đủ món như Á, Âu, Mỹ, Phi... để giúp khán giả được tiếp cận với những nền điện ảnh lớn khác. Từ đó, người xem sẽ có hiểu biết rộng hơn về thế giới chứ không chỉ suốt ngày loanh quanh với vài câu chuyện sướt mướt.
Theo Dân Việt