Tòa án nhân dân quận Dương Phố (Thượng Hải, Trung Quốc) cho biết Xu Qiang (không phải tên thật) phải bồi thường ít nhất 98.000 nhân dân tệ (15.000 USD) cho nạn nhân Wang Li (không phải tên thật) về các hóa đơn y tế, tiền lương bị mất, chi phí đi lại, phí pháp lý và tổn thất về tinh thần.
Ngoài ra, tòa án yêu cầu Xu Qiang phải đưa ra một văn bản chính thức xin lỗi Wang Li, Sixth Tone đưa tin.
Theo báo cáo, Wang Li và Xu Qiang làm việc trong cùng bộ phận tại một công ty. Bắt đầu từ tháng 8/2019, Xu gửi cho Wang các tin nhắn tục tĩu, quấy rối gần như hàng ngày, một số còn ám chỉ đến cưỡng hiếp và tự sát.
Wang liên tục bị Xu quấy rối trong thời gian dài. Ảnh minh họa: Getty. |
Vào tháng 3/2020, Wang chặn số điện thoại, tài khoản mạng xã hội của Xu đồng thời báo cáo hành vi của anh ta với công ty. Theo hình phạt được đưa ra, Xu phải hứa không bao giờ liên lạc với Wang nữa.
Hai tháng sau, Wang kiểm tra nhật ký danh bạ bị chặn thì thấy rằng Xu vẫn liên tục gọi cho cô. Nhưng thay vì phạt nặng hơn, công ty chỉ yêu cầu anh ta ký vào bản cam kết thứ hai có nội dung không làm phiền Wang.
Trong đó, Xu viết: “Nếu liên lạc thêm dưới bất kỳ hình thức nào với Wang, tôi sẽ từ chức với mọi điều kiện công ty đưa ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Tuy nhiên, sự quấy rối vẫn tiếp tục.
Phiên tòa xét xử vụ việc của Xu Qiang. Ảnh: The Paper. |
Không thể chịu đựng thêm, Wang Li đã xin nghỉ từ tháng 5/2020 với lý do bệnh tật. Cô được chẩn đoán bị trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ từ các bác sĩ và gia đình, Wang đã báo cảnh sát.
Vào tháng 6/2020, cơ quan giải quyết các vấn đề an ninh công cộng của Thượng Hải giam giữ Xu Qiang trong 7 ngày và phạt 200 nhân dân tệ. Sau đó, Wang tiếp tục kiện Xu ra tòa.
Li Mingxia, luật sư của Wang, cho biết Xu bị đình chỉ công việc trong 10 tháng. Còn đối với Wang, thân chủ của cô, Li nhận thấy cô đang phải chịu những tổn thương dai dẳng.
Hiện, chưa có thông tin về việc Xu Qiang có kế hoạch kháng cáo hay không.
Bước tiến
Theo bộ luật mới của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 1, quấy rối tình dục có thể dưới dạng lời nói, chữ viết, hình ảnh hay tiếp xúc trực tiếp. Trong những trường hợp như vậy, nạn nhân có quyền yêu cầu thủ phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
Bộ luật này cũng cho biết các công ty có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi quấy rối tình dục do nhân viên gây ra.
Các quan chức tòa án nói với tờ The Paper rằng vụ việc của Wang giúp khẳng định định nghĩa của bộ luật mới về quấy rối tình dục và nên được coi là một bước tiến tích cực trong bảo vệ quyền của phụ nữ.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc không dám tố cáo hành vi quấy rối tình dục vì sợ xấu hổ, ảnh hưởng công việc. Ảnh minh họa: Shrm. |
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người dùng cũng lên tiếng ủng hộ quyết định của tòa án.
"Anh ta nên trả giá cho những gì đã làm và những người khác đang có ý định quấy rối ai đó cũng nên cẩn thận đi", một người dùng Weibo bình luận.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại sự khó khăn trong việc thu thập bằng chứng ở các trường hợp quấy rối tình dục nơi làm việc.
“Hầu hết vụ quấy rối xảy ra một cách tự phát và nhiều nạn nhân không kịp thu thập hình ảnh hoặc bản ghi âm làm bằng chứng”, một người dùng Weibo khác nhận xét.
Những năm gần đây, vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhận được sự quan tâm rộng rãi tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ nữ không dám đứng lên tố cáo vì nhiều lý do, bao gồm lo ngại về quyền riêng tư, sợ xấu hổ hay bị ảnh hưởng công việc.
“Nhiều phụ nữ là nạn nhân của quấy rối tình dục bị mắc kẹt trong môi trường làm việc kinh tởm, chán nản và có thể phải chịu áp lực tâm lý lớn”, thẩm phán trong vụ việc của Wang nói với tờ The Paper.