Tối 6/9, hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke An Phú ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, làm 32 nạn nhân tử vong, 17 người bị thương khi tự thoát nạn. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết nguyên nhân vụ hỏa hoạn có thể do chập điện.
Trước hậu quả nghiêm trọng, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân? Và việc bồi thường được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Công an đục tường tìm kiếm các nạn nhân chiều 7/9. Ảnh: Duy Hiệu |
Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý phù hợp. Dù vụ cháy xảy ra do nguyên nhân khách quan, cơ sở kinh doanh karaoke vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân vì Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật“.
Đám cháy ở quán karaoke An Phú xảy ra do cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định về PCCC hay là do sự kiện bất khả kháng như hút thuốc, bật lửa gây cháy nổ; sử dụng, vận hành hệ thống điện không đúng quy trình hay hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn, để tia lửa bắn vào hệ thống gây chập cháy... thì trách nhiệm bồi thường vẫn chủ yếu thuộc về chủ hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, những cá nhân liên quan đến vụ hỏa hoạn (nếu có) sẽ phải chịu một phần trách nhiệm tương ứng với sai phạm của mình. Nếu vụ cháy xảy ra do một phần lỗi của nhân viên thì chủ cơ sở karaoke phải bồi thường cho nạn nhân. Vì nhân viên không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động, để xảy ra sự việc thì một phần cũng do lỗi của chủ hộ kinh doanh trong việc quản lý người lao động.
Quán karaoke An Phú sau khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về phương thức và mức bồi thường, luật sư Đinh Xuân Hồng (Công ty luật TNHH Luật Sư Riêng) cho rằng sẽ phải áp dụng linh hoạt dựa vào tình trạng và yêu cầu cụ thể của từng nạn nhân. Tuy nhiên, mức độ bồi thường sẽ được xác định chủ yếu dựa vào kết quả giám định thương tật và định giá tài sản bị xâm phạm (nếu có).
Luật sư cho biết công thức xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (tỷ lệ thương tật) được áp dụng theo Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần do bộ trưởng bộ y tế ban hành (Thông tư 22/2019/TT-BYT). Dựa vào kết quả này, cơ quan chức năng sẽ ước tính số tài sản bị hao hụt do sức khỏe bị ảnh hưởng của nạn nhân. Các khoản bồi thường có thể được phân loại dựa vào Điều 590 và Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm, như sau:
+ Bồi thường về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Chi phí ở đây bao gồm việc cứu chữa, phục hồi sau điều trị cũng như bồi thường thiệt hại về chức năng cơ thể bị ảnh hưởng, sức khỏe giảm sút của người bị thương.
+ Bồi thường khoảng thu nhập thực tế hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
+ Bồi thường chi phí và phần thu nhập bị mất của người phải chăm sóc người bị thương trong thời gian điều trị. Nếu người bị thương mất khả năng lao động thì phải có trách nhiệm bồi thường luôn chi phí cho việc chăm sóc người bị thương đó.
+ Chi phí cho việc mai táng cho người bị thiệt mạng
Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh karaoke còn phải chịu khoản chi phí bồi thường để bù đắp thiệt hại tinh thần cho cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Luật sư Lê Phước Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp 2 bên không đạt được thỏa thuận được, bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra toà để đảm quyền lợi hợp pháp. Trong thời gian giải quyết vụ án, bên bị thiệt hại có thể làm đơn yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách là bị hại, đại diện của bị hại, nguyên đơn dân sự trong vụ án theo quy định tại Điều 62, 63 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Từ đó, họ có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm đơn đề nghị kê biên, phong tỏa tài sản của cơ sở kinh doanh karaoke theo quy định tại Điều 128, 129 Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo tính khả thi cho công tác thi hành án.