Vạn Lý Trường Thành là công trình kiến trúc cổ vĩ đại của Trung Quốc, được xây dựng ròng rã suốt nhiều thế kỷ với tổng chiều dài lên đến hơn 8.000 km. Xuyên suốt lịch sử tồn tại lâu đời, từng xuất hiện rất nhiều huyền thoại, truyền thuyết khác nhau xoay quanh mục đích ra đời thực sự của kỳ quan.
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện ấy, đạo diễn Trương Nghệ Mưu quyết định “viết lại lịch sử” để sáng tạo nên một tác phẩm điện ảnh sử thi giả tưởng độc đáo, xoay quanh lịch sử Trường Thành.
Bộ phim Tử chiến Trường Thành lấy bối cảnh Trung Quốc thế kỷ XI, dưới triều vua Tống Nhân Tông. Nền công nghệ quân sự Đại Tống lúc này phát triển mạnh mẽ, với các loại vũ khí sử dụng hỏa dược có hỏa lực mạnh, độ sát thương rất cao.
William (Matt Damon) và Tovar (Pedro Pascal) là hai gã lính đánh thuê đang trên đường đến vùng biên giới Đại Tống nhằm tìm kiếm bí mật về hỏa dược của người Hoa. Bị một đám giặc cướp Khiết Đan truy đuổi, cả hai trốn chạy đến gần khu vực Trường Thành và bị quân bảo vệ thành bắt được.
The Great Wall - Tử chiến Trường Thành do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện và có kinh phí sản xuất lên tới 150 triệu USD. |
Ngay sau đó, họ được tận mắt chứng kiến hỏa lực khủng khiếp của Đại Tống trong một trận giao chiến ác liệt, đẫm máu giữa quân bảo vệ thành với một binh đoàn quái thú đông đảo có tên là Thao Thiết.
Lúc này, bí mật về mục đích thực sự của Trường Thành dần được hé lộ. Đây không chỉ là công trình xây dựng nhằm ngăn chặn ngoại địch xâm phạm lãnh thổ, mà còn là bức tường bảo vệ kinh đô Biện Kinh khỏi sự tấn công của chủng loài quái vật bí ẩn.
Dấu ấn Trương Nghệ Mưu trong một bom tấn Hollywood
Tử chiến Trường Thành là tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu - vị đạo diễn lừng danh thuộc thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc, với nhiều bộ phim từng được đánh giá rất cao như Cao lương đỏ, Thu Cúc đi kiện, Cúc Đậu, Đường về nhà, Đèn lồng đỏ treo cao…
Tuy ông được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội và con người Trung Quốc hiện đại, nhưng Tử chiến Trường Thành cũng không phải là tác phẩm cổ trang đẩu tiên trong sự nghiệp Trương Nghệ Mưu.
Trước đó, nhà làm phim từng liên tiếp cho ra đời loạt ba tác phẩm cổ trang võ hiệp gây tiếng vang bao gồm Anh hùng (2002), Thập diện mai phục (2004) và Hoàng kim giáp (2006).
Dấu ấn của Trương Nghệ Mưu trong Tử chiến Trường Thành vẫn khá rõ nét, đặc biệt là qua phong cách thiết kế mỹ thuật đặc trưng của ông, dù đây thực chất là tác phẩm do Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất, với số tiền đầu tư không nhỏ đến từ Universal cùng Legendary.
Ngay từ những đoạn phim giới thiệu, khán giả có thể thấy xu hướng sử dụng màu sắc đa dạng, sặc sỡ, cùng nhiều chi tiết ước lệ trong thiết kế phục trang, giáp trụ, binh khí, nội ngoại thất của các công trình kiến trúc…
Hình ảnh trong Tử chiến Trường Thành từng bị chế giễu là trông giống 5 anh em siêu nhân. Nhưng đây thực chất là chi tiết phục vụ ý đồ kịch bản và cho thấy con mắt thẩm mỹ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. |
Khi Tử chiến Trường Thành tung ra trailer đầu tiên, công chúng từng lo ngại rằng bộ phim sẽ đi vào vết xe đổ của nhiều tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ khác với phần thiết kế mỹ thuật quá phóng túng và lạm dụng kỹ xảo vi tính, khiến tổng thể trở nên lòe loẹt và thiếu điểm nhấn.
Thậm chí, hình ảnh năm vị tướng đứng đầu năm cánh quân bảo vệ thành với giáp phục màu sắc khác biệt trong phim còn từng bị đưa ra châm biếm và chế thành 5 anh em siêu nhân phiên bản cổ trang, khiến ấn tượng ban đầu dành cho tác phẩm càng xấu đi.
Song, Trương Nghệ Mưu vẫn chứng tỏ đẳng cấp bậc thầy về mặt mỹ thuật với Tử chiến Trường Thành. Ông sử dụng màu sắc đa dạng, phong phú, nhưng không bừa bãi, lạm dụng.
Tất cả được tiết chế vừa đủ trong một khuôn khổ thống nhất. Các chi tiết ước lệ được đưa vào trong phim khá tinh tế, đảm bảo tính thực tế chứ không phô trương, đủ để tạo ra điểm nhấn đặc trưng cho tác phẩm.
Kết hợp với phần hiệu ứng kỹ xảo tân tiến xứng tầm bom tấn Hollywood, Tử chiến Trường Thành chứa đựng phần hình ảnh đẹp mắt và mãn nhãn, vừa ước lệ, hoa mỹ đậm chất Á Đông, vừa có nét chân thực, gai góc theo kiểu phương Tây.
Các cánh quân bảo vệ Trường Thành với giáp trụ đa sắc màu là do ý đồ của kịch bản nhằm phân biệt rõ ràng nhiệm vụ, mục tiêu khác biệt của từng đơn vị, tránh gây ra tình trạng hỗn loạn trên chiến trường khi phải phối hợp chiến đấu.
Trương Nghệ Mưu cũng dụng công sáng tạo nên những chiến thuật tấn công, thủ thành khá độc đáo và sáng tạo, giúp đem lại trải nghiệm hành động mới lạ hơn cho khán giả nếu so với các tác phẩm cùng thể loại.
Tuy rằng một số chiến thuật, binh khí chỉ có tác dụng thẩm mỹ, thiếu tính thực tế và hiệu quả, nhưng chúng thực sự giúp cho phần hành động trở thành điểm sáng đáng khen ngợi của Tử chiến Trường Thành.
Kịch bản “đầu voi đuôi chuột”
Dù lấy bối cảnh và dựa trên các truyền thuyết Trung Quốc cổ đại, bản thân câu chuyện và kịch bản Tử chiến Trường Thành lại mang đậm chất bom tấn hành động Hollywood.
Có thể coi bộ phim của Trương Nghệ Mưu như một “Starship Troopers phiên bản cổ trang Á Đông”, với câu chuyện đơn giản tập trung vào cuộc chiến giữa con người và loài quái vật Thao Thiết.
Dù đội ngũ biên kịch có cố gắng đưa thêm tính triết lý như bí mật đằng sau nguồn gốc của các sinh vật đáng sợ nhằm tạo ra chiều sâu cho nội dung, nó khá mờ nhạt và không đóng vai trò gì đáng kể trong việc phát triển đường dây câu chuyện.
Tử chiến Trường Thành có phần mở màn hoành tráng, hấp dẫn. Nhưng nửa sau của bộ phim bị đuối, không tương xứng với phần mở đầu. |
Nửa đầu phim thực tế diễn ra rất hấp dẫn và kịch tính, với những trường đoạn đại chiến quy mô, hoành tráng khi quân bảo vệ Trường Thành phải chống chọi lại cuộc tấn công của các binh đoàn Thao Thiết đông đảo và hung hãn.
Khán giả lúc này giống như nhân vật William của Matt Damon, bị ném vào cuộc chiến kinh hoàng ở một quốc gia xa lạ, không biết chuyện gì đang xảy ra. Điều này giúp kích thích trí tò mò và khơi gợi hứng thú cho người xem, khiến tất cả không ngừng chờ đợi xem quân đội Đại Tống sẽ làm thế nào để tiêu diệt kẻ thù siêu nhiên.
Song, nửa sau của bộ phim bất ngờ chuyển hướng, đi lệch hoàn toàn so với ý tưởng được xây dựng ban đầu. Có cảm giác như biên kịch cố gắng tìm cách đổi mới diễn biến câu chuyện phim hơn so với các tác phẩm cùng thể loại, nhưng lại không đầu tư xây dựng chi tiết đúng mức. Hậu quả là bộ phim rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Hầu hết tiền đề, kế hoạch hấp dẫn, đầy tiềm năng được giới thiệu ở đầu phim đều bị lãng quên đầy phí phạm. Trường Thành, bối cảnh chính của tác phẩm và là nơi khán giả chờ đợi sẽ diễn ra trận đại chiến kinh thiên động địa, rốt cuộc chỉ sắm “vai phụ”, mất hút khỏi bộ phim.
Điều đó khiến người xem có thể cảm thấy hụt hãng và tiếc nuối, nhất là khi đoạn kết phim diễn ra quá gấp gáp, nhạt nhòa, không tương xứng với những gì hoành tráng mà Trương Nghệ Mưu đã dầy công xây dựng lúc ban đầu.
Diễn viên Hollywood áp đảo dàn sao Hoa ngữ
Các diễn viên Hollywood trong Tử chiến Trường Thành tuy ít về số lượng nhưng lại có chất lượng diễn xuất và thời lượng áp đảo so với dàn sao Hoa ngữ. Nổi bật nhất là vai diễn người lính đánh thuê với tài bắn cung siêu đẳng William do Matt Damon thủ diễn.
Tính cách nhân vật không quá đặc biệt hay ấn tượng, cùng phần diễn xuất chưa thuộc hàng xuất sắc. Nhưng nhờ được ưu ái dành cho gần như toàn bộ thời lượng tác phẩm, Matt Damon dễ dàng trở thành điểm nhấn lớn nhất trong dàn diễn viên.
Các nhân vật khác như anh bạn nhiều lời Tovar (Pedro Pascal) hay Ballard (Willem Dafoe) tuy ít đất diễn hơn, nhưng đều để lại ấn tượng nhất định cho khán giả nhờ tính cách đặc trưng.
Matt Damon không gặp khó trong việc áp đảo dàn sao Hoa ngữ nhờ kinh nghiệm và thời lượng xuất hiện vượt trội. |
Ngược lại, dẫu đông đảo về mặt số lượng, dàn sao Hoa ngữ của bộ phim tỏ ra hoàn toàn lép vế trong việc gây ấn tượng cho khán giả. Sở hữu những tên tuổi nổi bật như Lưu Đức Hoa, Trương Hàm Dư, Bành Vu Yến, Lâm Canh Tân…, nhưng họ chỉ được sắm vai phụ, với đất diễn rất ít ỏi và không được đầu tư xây dựng đúng mức.
Vai diễn lớn thứ hai của bộ phim bên cạnh Matt Damon được ưu ái dành cho Cảnh Điềm. Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, ưa nhìn, nhưng khả năng biểu cảm cùng trình độ diễn xuất còn hạn chế khiến “mỹ nhân Bắc Kinh” chưa thể là đối trọng xứng đáng dành cho Matt Damon.
Điều này từng khiến Tử chiến Trường Thành bị chính khán giả tại quê hương phê phán dữ dội khi ra mắt hồi cuối năm 2016, bởi nhân vật anh hùng trong phim là một người ngoại quốc xa lạ cùng một nhân vật nữ nhi bản địa còn non nớt, nhạt nhòa.
Chứa đựng phần hiệu ứng hình ảnh và hành động hoành tráng, Tử chiến Trường Thành mang đến cho khán giả câu chuyện đơn giản dựa trên những truyền thuyết về Vạn Lý Trường Thành. Những ai chờ đợi Trương Nghệ Mưu mang đến giá trị nghệ thuật thông qua bộ phim có thể cảm thấy thất vọng, bởi đây thực chất chỉ là một tác phẩm giải trí thuần túy.
Tử chiến Trường Thành đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Zing.vn đánh giá: 3,5/5