Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bom tấn X-Men mới: Màn diễn khó quên của Jennifer Lawrence

Nữ diễn viên đã chứng tỏ được lý do tại sao mình đang là “cục cưng” hàng đầu của giới truyền thông quốc tế bằng một màn trình diễn khó có thể ấn tượng hơn.

Năm 2003, bộ phim X2 đã kết thúc bằng câu thoại của nhân vật Jean Grey rằng, “Sự đột biến chính là chìa khóa đối với sự tiến hóa của loài người. Nó đã biến chúng ta từ những sinh vật đơn bào trở thành giống loài vượt trội trên Trái đất. Quá trình này diễn ra rất chậm, bình thường phải mất nhiều nghìn năm. Nhưng cứ trải qua vài trăm thiên niên kỷ, sự tiến hóa lại nhảy vọt”.

X2 từng được nhiều người hâm mộ đánh giá là bộ phim X-Men hay nhất trong số các phim đã ra mắt.

Tại thời điểm ra mắt, bản thân X2 đã tạo ra được hai bước “nhảy vọt”. Thứ nhất, cùng với bộ phim X-Men đầu tiên năm 2000, khán giả bắt đầu trở nên hứng thú hơn với dòng phim siêu anh hùng vốn mang một “vết nhơ” mang tên Batman & Robin từ sau năm 1997. Thứ hai, X2 đã vượt qua được lời nguyền “phần sau dở hơn phần trước”, vốn vẫn luôn là nỗi ám ảnh tại Hollywood suốt bấy lâu nay.

Hình ảnh con phượng hoàng sải cánh trên lòng hồ Alkali khiến người hâm mộ nguyên tác truyện tranh X-Men nín thở, bởi đó là gợi ý cho câu chuyện trong tập phim tiếp theo, xoay quanh nhân vật Dark Phoenix sở hữu sức mạnh siêu phàm trong thế giới của các dị nhân.

Nhưng sau đó, mọi hy vọng về một tập phim giúp hoàn thiện trilogy đầu tiên về các X-Men trở thành nỗi thất vọng khó có thể nuốt trôi. Đầu tiên, Bryan Singer quyết định rời khỏi ghế đạo diễn của X-Men để đến với Superman Returns, kéo theo cả diễn viên James Marsden thủ vai Cyclops và dẫn tới cái chết cực kỳ lãng xẹt của một trong những nhân vật dị nhân được yêu mến nhất trong nguyên tác.

Nhiều vướng mắc từ ngay khâu tiền kỳ đã biến X-Men: The Last Stand không thể đạt được những kỳ vọng mà người hâm mộ đã đặt ra.

X-Men: The Last Stand vấp phải nhiều vấn đề từ khâu tiền kỳ, khi lẽ ra ghế đạo diễn được giao cho Matthew Vaughn, nhưng cuối cùng do những bất đồng với hãng 20th Century Fox mà ông đã bị thay thế bởi Brett Ratner. Chỉ là một người “chữa cháy” phút chót, nhưng Ratner đã trở thành tội đồ trong mắt người hâm mộ X-Men khi thực hiện bộ phim với hai mạch truyện lớn: về Dark Phoenix và về một thứ huyết thanh giúp triệt tiêu gene X bên trong các dị nhân. Cuối cùng, chẳng có mạch truyện nào được xử lý thuyết phục, cộng thêm nhiều chi tiết đi quá xa so với nguyên tác đến mức vô lý, khiến cho X-Men: The Last Stand trở thành một trải nghiệm đáng quên đối với phần đông người hâm mộ.

X-Men Origins: Wolverine, bộ phim riêng về nhân vật Wolverine, cũng gặp phải không ít những lỗi lầm tương tự như X-Men: The Last Stand, đặc biệt là khi phóng tác dị nhân Deadpool đi quá xa khiến người hâm mộ càng thêm giận dữ. Tuy nhiên, mọi chuyện bỗng trở nên bừng sáng khi mùa hè năm 2012, Matthew Vaughn cho ra mắt X-Men: First Class, bộ phim kể lại về thời tuổi trẻ của nhiều dị nhân nổi tiếng như Charles Xavier, Magneto, Beast, Mystique… với một dàn diễn viên trẻ trung. Trên phần nhạc nền đáng nhớ của Henry Jackman, X-Men: First Class đã thổi một luồng gió mới đến cho thương hiệu phim X-Men và gây nức lòng người hâm mộ.

X-Men: First Class ra mắt trong năm 2012 đã thổi một luồng gió mới đến cho loạt phim X-Men.

Gặt hái được thành công nhất định, hãng 20th Century Fox và đạo diễn Bryan Singer mơ tới điều lớn hơn: thực hiện một tập phim vừa là sequel cho First Class, vừa là nối tiếp của X-Men: The Last Stand, đồng thời tìm cách sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và thống nhất các chi tiết của First Class với ba bộ phim đầu tiên nhiều nhất có thể. Cũng phải nói thêm, trước khi trở lại với X-Men, Bryan Singer đã có một chuỗi ngày không ấn tượng lắm tại phòng vé qua hai bộ phim ValkyrieJack the Giant Slayer.

Thế là X-Men: Days of Future Past đã ra đời! Nếu như ở ngoài đời, các nhà làm phim muốn sửa chữa những sai lầm do X-Men: The Last Stand gây ra (đây là điều mà bản thân biên kịch Simon Kinberg đã thú nhận sau khi phim ra mắt), thì các dị nhân trong phim cũng phải tìm cách trở về quá khứ để sửa chữa một hành động sai lầm khiến cho toàn bộ thế giới dị nhân đứng trước thảm cảnh diệt vong trong tương lai.

X-Men: Days of Future Past mở đầu khi các dị nhân đang đứng trước bờ vực diệt vong bởi các robot khổng lồ Sentinel.

Cũng giống như X2, Days of Future Past mở đầu một cách trực diện khi đưa khán giả tới tương lai gần, cụ thể là năm 2023. Đó là một thế giới gần như đổ nát, còn các dị nhân thì bị săn đuổi gắt gao bởi những robot khổng lồ có tên Sentinel (Vệ binh). Được phát triển bởi tập đoàn Trask Industries, các Sentinel có khả năng biến đổi và thích nghi với môi trường chiến đấu theo cách tối ưu nhất và rất khó để bị tiêu diệt.

Khi các dị nhân đang đứng bên bờ vực diệt vong hoàn toàn, Giáo sư X (Patrick Stewart) và Magneto (Ian McKellen) buộc phải đi một nước cờ liều lĩnh: cậy nhờ năng lực mới của Kitty Pryde (Ellen Page) để gửi tâm thức của Wolverine (Hugh Jackman) trở về cơ thể trẻ tuổi của Logan hồi năm 1973, nhằm ngăn chặn một hành động tai hại của Mystique thời trẻ (Jennifer Lawrence) và ngăn chương trình Sentinel được chính phủ Hoa Kỳ đưa vào hoạt động.

Wolverine đã được gửi về quá khứ để thay đổi một sự kiện nhằm ngăn ngừa việc các Sentinel được chính phủ Hoa Kỳ phê duyệt cho phép hoạt động.

Trở về được quá khứ thành công, Wolverine bắt gặp một Charles Xavier (James McAvoy) đang lạc lối với thứ huyết thanh được chế ra bởi Hank McCoy (Nicholas Hoult), giúp Giáo sư X thời trẻ tuổi có thể đi lại bình thường được, nhưng lại mất đi hoàn toàn năng lực đọc suy nghĩ của người khác. Trong khi đó, Magneto trẻ tuổi (Michael Fassbender) lại đang bị chính phủ Mỹ giam cầm dưới tầng hầm sâu nhất của Lầu Năm Góc.

Nhiệm vụ của Wolverine lúc này là phải xốc lại tinh thần cho nhóm X-Men trẻ tuổi để kịp thời ngăn chặn hành động liều lĩnh của Mystique. Trước việc nhiều đồng đội dị nhân bị bắt và làm thí nghiệm cho đến chết bởi tập đoàn Trask Industries, Mystique muốn ám sát người đứng đầu tập đoàn này là Bolivar Trask (Peter Dinklage) để báo thù. Đây cũng chính là người đang nghiên cứu và chuẩn bị cho ra mắt thế hệ Sentinel đầu tiên vào năm 1973.

Các nhân vật X-Men mới hầu hết được giới thiệu qua hành động và gây ấn tượng cho khán giả nhờ các năng lực dị nhân siêu phàm.

Bởi là một bộ phim xen lẫn cả quá khứ với tương lai, X-Men: Days of Future Past tập hợp rất nhiều nhân vật dị nhân cả cũ (từ ba phim X-Men đầu tiên và First Class) lẫn mới (cả trong quá khứ và tương lai). Tuy nhiên, biên kịch Simon Kinberg và đạo diễn Bryan Singer không tốn nhiều thời gian để giới thiệu các nhân vật mới, mà thay vào đó cho họ phô diễn hành động qua năng lực dị nhân ngay từ lần đầu xuất hiện trên màn ảnh. Điều này giúp cho một số nhân vật mới trong tương lai như Blink (Phạm Băng Băng), Warpath (Booboo Stewart), Sunspot (Adan Canto) và Bishop (Omar Sy) vẫn có thể gây ấn tượng mạnh với khán giả qua những màn phô diễn hành động ấn tượng thay vì đi mất công kể lể dài dòng về quá khứ của họ rồi khiến cho kịch bản phim trở nên rối rắm.

Nhưng khi bộ đôi Kinberg – Singer muốn tập trung vào một nhân vật mới nào đó, cả hai cho thấy họ vẫn hoàn toàn có thể làm tốt. Đó là trường hợp của Quicksilver do nam diễn viên trẻ Evan Peters thủ vai! Cảnh Quicksilver giúp sức Charles Xavier và Wolverine giải cứu Magneto khỏi Lầu Năm Góc là một trong những trường đoạn ấn tượng nhất của bộ phim, hay thậm chí là của cả thương hiệu phim X-Men suốt bấy lâu nay. Sự màu nhiệm mà Bryan Singer thổi lên màn ảnh qua Quicksilver thực sự không kém cảnh mở đầu ấn tượng của X2 với nhân vật Nightcrawler hơn 10 năm trước là bao.

Bất chấp số lượng nhân vật đông đảo, ba cái tên Charles Xavier, Magneto và Mystique thời trẻ tuổi vẫn là trung tâm của X-Men: Days of Future Past. Luận điểm “Mutant and Proud” (Là người đột biến và tự hào vì điều đó), cùng với lựa chọn đường lối đấu tranh hòa bình hay bạo lực từng gây nên sự chia rẽ giữa bộ ba này trong X-Men: First Class. Giờ là lúc để họ tiếp tục đối mặt với những bất đồng đó, tìm cách thỏa hiệp với nhau và với chính bản thân, nhằm giúp cho tương lai của các dị nhân trở nên sáng sủa hơn. Cách dựng phim khéo léo và lồng ghép những cảnh phim đắt giá từ các bộ phim cũ đã giúp cho khán giả không cần thiết phải theo dõi đầy đủ các tập trước mà vẫn hoàn toàn có thể thưởng thức trọn vẹn mạch truyện của X-Men: Days of Future Past một cách độc lập.

Jennnifer Lawrence đã một lần nữa chứng tỏ được khả năng diễn xuất và hành động qua nhân vật Mystique trong X-Men: Days of Future Past.

Nhớ lại ba bộ phim X-Men đầu tiên, cả Giáo sư X, Magneto và Mystique đều chỉ là những nhân vật thuần thiện hoặc thuần ác, không có nhiều mâu thuẫn nội tâm như phiên bản trẻ tuổi của cả ba. Sau X-Men: First Class, đã có những so sánh giữa Jennifer Lawrence và Rebecca Romijin khi có fan cho rằng Mystique trong ba phim cũ có nhiều pha hành động xuất sắc và đáng nhớ hơn. Tuy nhiên, sau Days of Future Past, người hâm mộ sẽ không còn nhớ nhiều đến Romijin như lúc trước nữa, bởi kiều nữ Jennifer Lawrence đã có nhiều đất diễn hơn so với First Class, cả về nội tâm lẫn hành động.

Nữ diễn viên đã chứng tỏ được lý do tại sao mình hiện đang là “cục cưng” hàng đầu của giới truyền thông quốc tế bằng một màn trình diễn khó có thể ấn tượng hơn. James McAvoy và Michael Fassbender cũng có những khoảnh khắc đấu tranh nội tâm đáng nhớ, cho dù đâu đó vẫn thấp thoáng sự lên gân và cường điệu từ hai diễn viên trẻ.

Nếu nhìn lại, câu chuyện của X-Men: Days of Future Past lại trở về chuyện loài người tìm cách tiêu diệt các dị nhân và Magneto thì tìm cách ngăn chặn điều này xảy ra theo một cách kinh hoàng nhất. Nó không khác mấy so với câu chuyện trong các phim X-Men cũ. Nhưng điều mà bộ đôi Kinberg-Singer hướng tới, chính là việc sửa chữa những sai lầm của quá khứ, tạo nên một thế giới thống nhất dành cho các dị nhân.

Còn đó những lỗi logic nhất định và nhân vật phản diện Bolivar Trask có phần nhạt nhòa của Peter Dinklage.

Không thể kết luận rằng họ đã hoàn toàn thành công khi vẫn có những chi tiết chưa thể, hay thậm chí là không thể, được giải thích sao cho logic. Nhưng những gì mà cả hai làm được đã khiến khán giả quên đi được X-Men: The Last Stand, xóa bỏ những lỗi lầm to lớn trong quá khứ theo cái cách mà J.J. Abrams đã từng làm để thống nhất các bộ phim Star Trek khi “tái khởi động” thương hiệu này. Lúc này, kể cả Simon Kinberg hay Bryan Singer muốn thực hiện lại câu chuyện về Dark Phoenix, thì có lẽ khó ai có thể phàn nàn gì. Và đây cũng là bước “nhảy vọt” đáng kể nhất mà X-Men: Days of Future Past đã làm được đối với thương hiệu phim bom tấn này.

Trở về quá khứ để thay đổi tương lai, đó là điều mà 20th Century Fox đã phần nào làm được với X-Men: Days of Future Past. Nắm được chìa khóa trong tay, giờ chính là lúc để Bryan Singer và Simon Kinberg mở khóa và tạo ra một bước “nhảy vọt” mới qua X-Men: Apocalypse trong mùa hè năm 2016.

Zing.vn đánh giá: ****

X-Men: Days of Future Past, với tựa Việt là X-Men: Ngày cũ của tương lai, đã chính thức được khởi chiếu từ ngày 23/5.

Châu Mộ Văn

Ảnh: CGV

Bạn có thể quan tâm