Từ khi được đình chỉ điều tra đến nay, những thanh niên này vẫn phải mòn mỏi chờ lời xin lỗi, minh oan và bồi thường từ những cơ quan đã kết tội sai với mình.
Đó là câu chuyện của Thái Hoàng Trọng, Vũ Ngọc Văn (cùng 25 tuổi), Phạm Văn Quàng (27 tuổi) và Nguyễn Hữu Nghĩa (28 tuổi) ở huyện Bù Đốp, Bình Phước.
Vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng
Tháng 6/2005, bốn thanh niên trên khi đó còn ở độ tuổi vị thành niên, đi làm thuê tại một xưởng điều ở huyện Bù Đốp. Lúc này Hoa (23 tuổi) được nghỉ hè cũng xin vào xưởng điều này làm thêm.
Một buổi chiều, nhóm công nhân xưởng điều gồm rất nhiều người liên hoan và sau đó tới nhà một người quen chơi.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước cho rằng trên đường đi bốn thanh niên này đã tách riêng, khống chế Hoa vào một vườn điều rồi lần lượt giao cấu với cô gái dù bị nạn nhân phản đối. Sau đó, Hoa về nhà giấu không cho ai biết.
Phải một thời gian sau, khi mẹ của em thấy con có biểu hiện lạ nên gặng hỏi thì Hoa mới kể lại vụ việc.
Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Phước sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trọng, Văn, Quàng, Nghĩa để điều tra.
Tháng 8/2011, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Thái Hoàng Trọng 9 năm tù, Vũ Ngọc Văn 8 năm tù, Phạm Văn Quàng và Nguyễn Hữu Nghĩa mỗi người 12 năm tù về tội Hiếp dâm trẻ em. Cả bốn bị cáo đều kháng cáo kêu oan.
Tới tháng 11/2011, tòa phúc phẩm TAND tối cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm đã nhận định: trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, các cơ quan điều tra, tố tụng đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng.
Cụ thể: tại thời điểm bị bắt tạm giữ, tạm giam thì các bị cáo đều còn ở độ tuổi vị thành niên, các bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử theo khoản 4, điều 112 Bộ luật hình sự có mức án cao nhất đến tử hình nên theo quy định phải có người giám hộ.
Hồ sơ thể hiện các bị cáo đều có bố mẹ là người giám hộ hợp pháp, nhưng bố mẹ các bị cáo không được mời giám hộ mà cơ quan điều tra lại mời một cán bộ ủy ban dân số, gia đình và trẻ em và một cán bộ đoàn thanh niên giám hộ là không đúng.
Cha của Thái Hoàng Trọng (phải) và cha của Nguyễn Hữu Nghĩa cầm quyết định bồi thường của TAND tỉnh Bình Phước đã hơn một năm nay nhưng chưa được bồi thường. |
Hơn nữa, các cán bộ này chỉ tham gia giám hộ có một buổi, nhưng trong hồ sơ nhiều bản cung những buổi khác vẫn có chữ ký của các cán bộ này là “không đúng thực tế”.
Theo quy định của luật, ngoài việc phải có người giám hộ thì các bị cáo đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa từ giai đoạn điều tra.
Thế nhưng hồ sơ thể hiện cơ quan điều tra đã không yêu cầu người bào chữa tham gia tố tụng cho các bị cáo, ngoại trừ một bị cáo có luật sư tham gia một buổi lấy lời khai.
Những vi phạm này cũng đã được cấp tòa sơ thẩm phát hiện, nhưng không yêu cầu khắc phục mà vẫn kết tội các bị cáo là không đúng.
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM còn chỉ ra những mâu thuẫn trong nội dung vụ án chưa được làm rõ, điển hình là lời khai của các bị cáo, bị hại chưa thống nhất về thời gian để xác định có việc hiếp dâm xảy ra hay không.
Tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo cho rằng trước đó mình nhận tội vì bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung buộc phải nhận tội.
Vì vậy, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.
Chờ chi tiền bồi thường
Tới tháng 11/2013, do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với cả bốn thanh niên.
Tới lúc này, Thái Hoàng Trọng đã bị tạm giam, tạm giữ tổng cộng 167 ngày; Vũ Ngọc Văn là 365 ngày, Phạm Văn Quàng 801 ngày và Nguyễn Hữu Nghĩa 796 ngày.
Tính ra số ngày mất tự do của mỗi thanh niên này người ít nhất gần nửa năm, người nhiều nhất hơn hai năm, nhưng thời gian họ phải chịu tiếng oan tới nay cũng hơn 10 năm (bốn thanh niên bị bắt từ năm 2005, trong khoảng thời gian từ khi bị bắt tới khi có quyết định đình chỉ bị can, các thanh niên này có được tại ngoại).
Sau khi có quyết định đình chỉ bị can, TAND tỉnh Bình Phước là cơ quan xét xử sơ thẩm đã thương lượng với đại diện bốn thanh niên này để thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho họ. Nội dung bồi thường bao gồm các khoản: tổn thất về tinh thần, tổn thất về thu nhập bị mất, chi phí đi lại, thăm nuôi...
Tới tháng 10/2014, chánh án TAND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định bồi thường cho bốn thanh niên, mỗi người thấp nhất 187,2 - 309,7 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực trong vòng 15 ngày.
Thế nhưng tới nay đã hơn nửa năm, bốn thanh niên vẫn chưa nhận được đồng bồi thường nào, TAND tỉnh Bình Phước cũng chưa tổ chức xin lỗi, minh oan cho họ.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng phòng giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Bình Phước cho biết theo quy định, hồ sơ bồi thường thiệt hại cho người bị oan phải được cơ quan cấp trên thẩm định.
TAND tỉnh Bình Phước đã gửi hồ sơ của bốn thanh niên bị oan ở huyện Bù Đốp tới TAND tối cao từ tháng 11/2014 để thẩm định, nhưng tới nay chưa nhận được trả lời nên chưa thể tiến hành bồi thường cho bốn thanh niên này.
Tiền bồi thường trước mắt lấy từ ngân sách
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, về nguồn kinh phí để bồi thường, sau khi được thẩm định thì TAND tỉnh Bình Phước vẫn phải chờ TAND tối cao chi tiền về vì trong nguồn kinh phí hằng năm hiện nay chưa có khoản nào cho việc bồi thường.
Tổng kinh phí để bồi thường cho bốn thanh niên ở Bù Đốp hơn 1 tỷ đồng. Sau khi chi trả bồi thường, TAND tỉnh Bình Phước mới lập hội đồng xem xét trách nhiệm những cán bộ có liên quan.
Nếu xác định người thi hành công vụ vô ý gây ra thiệt hại thì không phải hoàn trả tiền bồi thường cho Nhà nước.
Vì sao tòa án chưa xin lỗi công khai cho con tôi?
Nhiều năm nay theo đuổi việc minh oan cho con, ông Thái Hoàng Dũng (cha của Thái Hoàng Trọng) bức xúc nói:
“Con tôi bị bắt rồi được thả tại ngoại, rồi lại bị bắt. Từ khi bị bắt Trọng còn là trẻ vị thành niên, nay đã lấy vợ, sinh con nhưng nỗi oan vẫn chưa được giải tỏa. Mặc dù đã có quyết định đình chỉ bị can, nhưng vì sao tòa án vẫn chưa tổ chức xin lỗi công khai cho con tôi?”.
Còn ông Nguyễn Phú Thới (cha của Nguyễn Hữu Nghĩa) cho rằng khi thỏa thuận mức đền bù thiệt hại, đại diện gia đình đã đồng ý với mức rất thấp so với yêu cầu ban đầu: gia đình yêu cầu xác định thiệt hại tinh thần 150.000 đồng/ngày và thu nhập thực tế bị mất cũng là 150.000 đồng/ngày.
Nhưng sau khi thỏa thuận, thiệt hại tinh thần chỉ được xác định ở mức 52.200 đồng/ngày và thu nhập thực tế bị mất chỉ được xác định 90.000 đồng/ngày.
“Chúng tôi đồng ý với mức thấp như vậy để mong sớm được nhận tiền cho chuyện này qua đi, để chúng tôi yên tâm làm ăn, nhưng tới nay cũng không biết khi nào được chi trả” - ông Thới nói.
* Tên nạn nhân đã thay đổi.