Trong cuốn sách Lions and Tigers: The Story of Football in Singapore and Malaysia, nhà báo, bình luận viên kỳ cựu John Duerden nhận định trong tâm thế của người Singapore, họ luôn là những người đi đầu trong bóng đá khu vực với bốn chiếc cúp vàng AFF chỉ đứng sau người Thái.
Tuy nhiên, đó chỉ là “hào quang quá khứ” khi những năm gần đây, bóng đá Singapore sa sút nhiều so với các quốc gia lân cận như Việt Nam, Malaysia.
Trên bảng xếp hạng FIFA, "The Lions" xếp hạng 157. Tại vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 30, U22 Singapore - đối thủ thứ 4 của U22 Việt Nam - mới có một điểm sau trận hòa và 2 thất bại.
Vị trí áp chót trên bảng xếp hạng của thầy trò HLV Fandi Ahmad càng cho thấy bóng đá Singapore đang đi xuống trầm trọng.
Mặc dù vậy, trong bài viết Singaporeans still care about football (tạm dịch: Người Singapore vẫn quan tâm tới bóng đá), nhà báo thể thao Alif Chandra nhận định người dân đảo quốc sư tử vẫn quan tâm sâu sắc đến môn thể thao vua.
Thế nhưng, niềm đam mê đó dường như lại được hướng ra bên ngoài.
U22 Singapore (áo xanh) chưa giành được chiến thắng nào tại SEA Games 30. Ảnh: Việt Linh. |
94% người hâm mộ Singapore ra nước ngoài xem bóng đá
Business Insider dẫn kết quả khảo sát đầu năm nay của công ty du lịch Expedia Group trên 500 người hâm mộ bóng đá ở Singapore. Trong đó, 47% thừa nhận họ từng giả bộ chọn một địa điểm nghỉ dưỡng lãng mạn với nửa kia chỉ để xem một trận bóng đá.
Nghiên cứu về xu hướng "du lịch bóng đá" của người dân đảo quốc sư tử cũng cho thấy 94% từng ra nước ngoài để trực tiếp theo dõi một trận cầu. Trung bình, mỗi người đã đặt chân tới 2,7 quốc gia.
76% đối tượng khảo sát lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình xung quanh các sự kiện thể thao, trong khi 46% thừa nhận từng thay đổi kế hoạch du lịch để không bỏ lỡ trận đấu bóng đá.
28% số người được hỏi nói rằng họ sẽ bỏ một bữa tiệc sinh nhật để theo dõi một trận cầu. Trong khi đó, 21% nói chọn bóng đá thay vì tham dự đám cưới của ai đó.
Đáng lo ngại, khoảng 13% người tham gia khảo sát cho biết họ thích xem bóng đá hơn là ăn tối với cha mẹ.
Người dân đảo quốc sư tử vẫn dành tình yêu cho môn thể thao vua. Ảnh: The Straits Times. |
Nghiên cứu của Expedia Group cũng tiết lộ rằng người hâm mộ bóng đá ở Singapore muốn đi du lịch với các cầu thủ bóng đá hơn cả những ngôi sao nóng bỏng.
Cựu tiền vệ người Anh David Beckham và cựu tiền đạo người Brazil Ronaldo giành vị trí thứ nhất, thứ hai với lần lượt 26% và 21% bình chọn. Trong khi đó, Taylor Swift chỉ được 12% lượt chọn.
Cầu thủ mà người hâm mộ bóng đá ở đảo quốc sư tử muốn "kết bạn" trong một kỳ nghỉ là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo với cùng 20% lượt lựa chọn.
Tập trung học thay vì chơi thể thao
Với nhà báo Singapore Suresh Nair, lần cuối cùng ông cảm nhận được "văn hóa thể thao" ở đảo quốc sư tử là cuối những năm 70, đầu những năm 80 - khi "Kallang Roar" tạo nên một tinh thần bóng đá với thành công của Malaysia Cup.
Sân vận động Kallang Roar từng được xem là nơi "những chú sư tử Singapore" gầm rú, là "chảo lửa" đi dễ khó về với bất cứ đối thủ nào.
Nhưng nhiều năm gần đây, "Kallang" không còn "Roar" (gầm rú) nữa. Không có bất kỳ tín hiệu đáng mừng nào có thể khơi gợi tình yêu của thế hệ trẻ Singapore về "Kallang Roar" lừng lẫy một thời.
Những năm 70, "Kallang Roar" tượng trưng cho tình yêu của người Singapore đối với môn thể thao số 1 - bóng đá. Ảnh: The Straits Times. |
Theo bài viết đăng trên Storm, sự sa sút của nền bóng đá Singapore đặt ra câu hỏi về việc niềm đam mê chơi bóng vẫn còn hiện diện trên quốc đảo này.
Nhiều trẻ em vẫn chơi bóng trong các trường đào tạo bóng đá mọc lên khắp Singapore, nhưng sự quan tâm môn thể thao vua dường như không rộng rãi như trước đây.
Nhà báo Thusitha de Silva nhận định các bậc phụ huynh Singapore có xu hướng buộc con cái tập trung vào nghiên cứu thay vì thể thao. Họ muốn con cái trở thành kỹ sư hoặc bác sĩ hơn là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Sự khác biệt là ngày xưa khi học xong, trẻ em thường ra ngoài vui chơi, đặc biệt là bóng đá. Ngày nay, tình trạng bê tông hóa khiến việc tìm địa điểm có thể chơi bóng khó khăn hơn so với trước đây - khi nhiều ngôi nhà có vườn hơn so với bây giờ.
Bên cạnh đó, trẻ em hiện đại dường như bị thu hút bởi các game chơi trong nhà hơn là các trò vận động ở ngoài trời.
Theo nhà báo Thusitha de Silva, hai vấn đề được cho là lớn nhất đối với bóng đá Singapore là thiếu tính tự phát và thiếu không gian mở để thu hút trẻ em.
Nếu niềm đam mê chơi bóng đá được hồi sinh trong thế hệ trẻ Singapore, những lợi ích cho đội tuyển quốc gia cũng sẽ được thể hiện. Tuy nhiên, điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra trong ngày một ngày hai; mà thực tế, sẽ mất rất nhiều năm vì bóng đá Singapore đang ở mức sa sút nghiêm trọng.