Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng đá Trung Quốc: Giấc mơ được mua bằng tiền

Sự lớn mạnh của bóng đá Trung Quốc được thể hiện qua các bản hợp đồng bom tấn được nhiều CLB thực hiện gần đây, theo đó, nói lên phương thức tìm kiếm thành công rất thực tế.

Trên Guardian, chuyên gia nghiên cứu bóng đá châu Á John Duerden phân tích Trung Quốc đang thách thức giải Nhà nghề Mỹ (MLS) để trở thành sân chơi thu hút nhiều ngôi sao châu Âu và Nam Mỹ nhất. Chỉ tính riêng trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2016, gần 150 triệu USD đã được các đội bóng Trung Quốc ném vào thị trường chuyển nhượng.

Các cầu thủ nước ngoài đang đổ xô tới Trung Quốc thi đấu.

Điểm qua có tiền vệ Ramires của Chelsea sang Jiangsu Suning FC với giá 28 triệu USD, Fredy Guarin được Inter Milan bán cho Shanghai Greenland, giá 14 triệu USD. Sang Trung Quốc, Fredy Guarin được đối đãi rất tốt khi nhận sự hào phóng của CLB bằng mức lương 6,5 triệu euro/năm.

Tháng 6 năm ngoái, cựu tiền vệ Paulinho khoác áo Tottenham cũng rời Anh để sang Guangzhou Evergrande. Giá chuyển nhượng cho phi vụ này là 14 triệu euro. Gần nhất, Guangzhou Evergrande cho phát nổ quả bom tấn kỳ chuyển nhượng mùa đông bằng bản hợp đồng chiêu mộ Jackson Martinez của Atletico Madrid với giá 42 triệu euro.

Đội bóng Trung Quốc tạo bom tấn kỳ chuyển nhượng mùa đông

Không phải MU, Real Madrid hay Barcelona, mà Guangzhou Evergrande mới kích hoạt bản hợp đồng bom tấn trong kỳ chuyển nhượng mùa đông.

Chiêu mộ những cầu thủ nước ngoài không phải chính sách mới ở giải VĐQG Trung Quốc. Từ 12 năm trước, Ban tổ chức đã áp dụng chính sách "4+1" (tức 4 ngoại binh kèm theo 1 cầu thủ châu Á) cho tất cả các CLB. Như vậy, mỗi đội sẽ có ít nhất 5 cái tên nước ngoài trong đội hình. Dân Brazil rất thích sang Trung Quốc thi đấu khi có 150 cầu thủ hành nghề tại đây.

Thống kê từ công ty đại diện cầu thủ Trung Quốc cho biết đang xuất hiện 22 cầu thủ Brazil thi đấu ở giải cao nhất ở quốc gia thuộc châu Á này vào năm 2015.

HLV Scolari cũng đang hành nghề ở Trung Quốc.

Trong bài phân tích trên CNN, hãng tin của Mỹ đưa ra một dấu hỏi lớn về cách thức hoạt động của CLB Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phát triển chậm lại, song, rất nhiều tiền lại được đổ vào bóng đá. Đáng chú ý, nhiều đội bóng Trung Quốc còn mua được cả những tên tuổi ở đỉnh cao sự nghiệp. Khác với giải MLS (Mỹ), những ngôi sao cập bến xứ cờ hoa đa phần toàn luống tuổi.

"Những năm trước, tình hình chuyển nhượng khác với bây giờ. Khó có chuyện các CLB Trung Quốc mua được các tên tuổi lớn giống như những gì họ đang làm hiện nay," Darko Matic, tiền vệ người Croatia đã có gần 10 năm thi đấu ở Trung Quốc, nói với CNN.

Sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trong một thập niên gần đây mở ra tín hiệu tích cực cho bóng đá Trung Quốc. Năm ngoái, trung bình khán giả tới sân theo dõi các trận đấu chỉ hơn 22,000 người, kém xa so với hai giải đấu của Italy và Pháp, nơi có những giải VĐQG không có chất lượng cao và hấp dẫn như Anh, Đức hay Tây Ban Nha.

Ngày càng đông khán giả tới sân theo dõi các trận đấu tại Trung Quốc.

Nhưng tới năm 2018, một thành viên thuộc Ban tổ chức giải bóng đá Trung Quốc cho biết sân chơi của họ sẽ nằm trong tốp ba giải đấu có lượng khán giả tới sân xem nhiều nhất, sau Bundesliga và Premier League.

Ngoài ra, tiền bản quyền giải VĐQG Trung Quốc trong năm 2015 chỉ cán mốc 9 triệu USD. Nhưng năm nay, con số đó sẽ tăng lên 200 triệu USD trong một phần của gói 1,25 tỷ USD cho 5 mùa giải tiếp theo. Công thức để xây dựng thành công đó khởi nguồn từ quá trình đầu mạnh mẽ của các đội bóng vào lực lượng. Họ không tiếc tiền mua nhiều ngôi sao tên tuổi.

Với Guangzhou Evergrande, họ có Robinho, Paulinho, Goulart, Luiz Felipe Scolari trong đội hình, theo đó, lập tức tạo ra tác động lên khán giả. Tỷ lệ trung bình khán giả tới sân lên tới 45,000 người. Nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đây khi Trung Quốc không giấu tham vọng biến giải VĐQG thành sân chơi siêu cường châu Á.

Nghịch lý từ giá chuyển nhượng cầu thủ Trung Quốc

Giá chuyển nhượng của cầu thủ Trung Quốc đang tăng vọt chóng mặt gần đây, song chất lượng và thứ bậc đội tuyển trên bảng xếp hạng FIFA lại tỷ lệ nghịch với điều đó.

Shanghai SIPG đã chi 50 triệu USD để mua tiền đạo nổi tiếng người Ghana Asamoah Gyan và chân sút Brazil, Elkeson nhưng vẫn muốn có thêm Robin van Persie hoặc Wayne Rooney. Còn Shanghai Shenhua đã sở hữu Demba Ba, Fredy Guarin và Tim Cahill. Đó toàn những tên tuổi trong làng túc cầu.

Theo CNN, cách làm bóng đá của Trung Quốc cho thấy rõ phương châm dùng tiền mua tiếng tăm. Dưới góc nhìn John Duerden, chính chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã khởi xướng cho xu thế xây dựng thành công trong bóng đá bằng cách thức như trên.

Tại Trung Quốc, chính phủ cũng tạo mọi điều kiện để trẻ em tiếp cận với bóng đá. Mục tiêu trong năm 2017 sẽ có 20,000 trường học áp dụng môn bóng đá vào một phần trong chương trình học. Gần đây, tỉnh Quảng Châu đã cho xây dựng một học viện bóng đá (được hậu thuẫn bởi Real Madrid).

Không chỉ cầu thủ, mà cả các HLV tiếng tăm cũng sang Trung Quốc "kiếm cơm".

Theo báo Guardian, việc giải VĐQG Trung Quốc phát triển mạnh mẽ gần đây mang về lợi nhuận khổng lồ đến từ tiền bản quyền truyền hình và thu hút sự chú ý từ không chỉ người dân trong nước mà cả nước ngoài.

Tuy nhiên, xu thế sính ngoại luôn trở thành con dao hai lưỡi. Nhà báo John Duerden phân tích cách làm bóng đá của Trung Quốc sẽ mở ra thành công cho họ rất nhanh, nhưng đổi lại, lứa cầu thủ nội sẽ bị chôn vùi cơ hội phát triển. Ngoài ra, không phải cái tên nào tới Trung Quốc cũng ở đỉnh cao phong độ.

Guarin mới ghi 1 bàn sau 16 trận đá cho Inter. Anh trở thành gánh nặng của CLB, do đó, Inter bán gấp khi được hỏi mua. Paulinho chỉ để lại nỗi thất vọng ở Tottenham, vì vậy, CLB mừng húm nhờ vớt vát được 14 triệu USD từ việc bán cầu thủ này. Ramires cũng từ lâu mất suất đá chính ở Chelsea, còn Gervinho chỉ ghi được 17 bàn sau 71 trận khoác áo AS Roma. Năm 2013, đội bóng thủ đô chỉ bỏ ra 8,7 triệu USD để mua cầu thủ này, tuy nhiên, sau đó lời gấp đôi khi bán Gervinho cho Hebei China Fortune FC.

CLB Trung Quốc bán ngôi sao cho đối thủ vì sức mạnh quốc gia

Guangzhou Evergrande bán tiền đạo trụ cột Elkeson cho đối thủ Shanghai SIPG nhằm giúp đội bóng này tăng sức cạnh tranh ở đấu trường AFC Champions League.

Với khán giả Trung Quốc, có cơ hội được theo dõi những tên tuổi châu Âu thi đấu ngay tại quê nhà giống như giấc mơ thành hiện thực. Nhưng nếu xét về góc độ lâu dài và tác động tới sự phát triển của bóng đá Trung Quốc, cách dùng tiền mua uy tín cho giải đấu không đảm bảo cho thành công của đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, những gì đến quá nhanh rồi sẽ vụt tắt tức thì nếu mọi thứ vẫn đi theo lối mòn.





Nguyên Trí

Ảnh: CNN

Bạn có thể quan tâm