Ngày 23/6, những người yêu bóng đá Việt "nổi sóng" vì phát ngôn có nhắc tới Việt Nam của Raul Albiol. Trong cuộc họp báo trước trận đấu cuối cùng của Tây Ban Nha ở World Cup 2014, tuyển thủ này phát biểu: “Động lực cho trận đấu này là nó diễn ra ở một kỳ World Cup. Chúng tôi phải giành chiến thắng vì không muốn xếp cuối bảng. Đây là trận đấu tại World Cup chứ không phải một trận giao hữu tại Việt Nam. Chúng tôi đại diện cho một quốc gia và phải làm mọi thứ để giành chiến thắng”.
Câu nói này khiến Albiol cũng như đội tuyển Tây Ban Nha nhận phải vô vàn chỉ trích của fan Việt. Nhiều người cho rằng đội bóng xứ bò tót, nhà đương kim vô địch, phải rời giải ngay từ vòng bảng, không có tư cách để chê bai bóng đá Việt. Họ cũng cho rằng sự so sánh giữa bóng đá Tây Ban Nha và Việt Nam của Albiol là quá khập khiễng. Không ít người tuyên bố chính thức trở thành anti-fan của Tây Ban Nha kể từ 23/6.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều độc giả bày tỏ quan điểm bênh vực Albiol, cũng như Mourinho ("Người đặc biệt" cũng từng lấy bóng đá Việt Nam làm ví dụ cho lời nói của mình trước đây).Bóng đá Việt cần nhìn vào thực tế
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là ý kiến của phần đông bạn đọc. Những vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt như cầu thủ bán độ, bạo lực, trọng tài thiếu công bằng… được rất nhiều độc giả nêu ra. Cơ chế quản lý thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến quá những tiêu cực tràn lan trong nền bóng đá Việt.
Một độc giả đưa ra dẫn chứng: “Lấy bóng đá Việt Nam ra để nói mỉa là đúng rồi, đá thì chán mà cá độ, bán độ thì nhiều. Hôm nay, bản tin bóng đá Việt Nam phỏng vấn một cầu thủ ở đội than Quảng Ninh như sau: "Trọng tài gây cho bọn em ức chế, toàn xưng mày tao và chửi bọn em, nói chúng mày có thích tao cho ăn thẻ không...". Đến trọng tài còn như thế thì bảo sao nền bóng đá nước nhà bao nhiêu năm vẫn chỉ dừng chân tại SEA Games, mà cũng chưa bao giờ vô địch”.
Raul Albiol và Jose Mourinho. Ảnh: Marca |
Thực tế trong những năm qua, dù được đầu tư nhiều nhưng bóng đá nam Việt Nam đã nhiều lần tạo nên hy vọng rồi lại khiến người hâm mộ thất vọng. Độc giả Bùi Quang Vinh phân tích: “Ngại vì cái dớp Thái Lan, sợ lối đá kỹ thuật của Malaysia, 'cóng' trước lối đá thể lực Indonesia, bị lấn lướt trước thế mạnh chiều cao của Singapore, và bắt đầu kị dơ các cầu thủ nhập tịch của Phi… Đưa ra những lí do đó chỉ càng thêm xấu hổ. Còn nếu nói bóng đá đi liền với sự phát triển kinh tế thì chắc Mỹ, Nhật, Trung là ba đội bóng sẽ tranh nhau chức vô địch ở các kỳ World Cup. Ghana mới đá sòng phẳng với Đức hẳn đã giàu? Các nước châu Phi khác vẫn có những đội bóng mạnh?”.
Đặc biệt, vấn đề kém chuyên nghiệp, dọa bỏ giải của các đội bóng là thực trạng được phản ánh nhiều nhất. V-League hiện tại được người hâm mộ ví như một cái chợ, nơi mà cầu thủ ra sức triệt hạ nhau bằng các pha bóng nguy hiểm, đội bị cảnh cáo lại dọa bỏ giải để thách thức BTC.
Albiol và Mourinho nói không sai
Không chỉ có cái nhìn khách quan thực tế, một số độc giả còn thẳng thắn lên tiếng bênh vực Albiol và Mourinho: “Họ nhận xét đúng rồi gì. Albiol nói cũng đúng một trận đấu ở World Cup chứ không phải một trận ở đấu ở Việt Nam, họ thi đấu quyết tâm chiến thắng dù có đang như thế nào. Tuyển Việt Nam hay các câu lạc bộ trong nước ít quyết tâm vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ lắm”.
Có độc giả phân tích kỹ rằng câu Albiol nói không phải là chê bóng đá Việt kém. Bởi so với nhiều nước trong khu vực, tuyển Việt Nam vẫn mạnh hơn, tốt hơn. Nhưng điều cầu thủ xứ bò tót ám chỉ là sự vô tổ chức, vô kỷ luật của các đội bóng Việt. Anh nói thêm: "Giống như Sài Gòn Xuân Thành đột nhiên bỏ giải làm một số đội bị trừ điểm. Vì thế, điều Albiol nói không sai. Ở nước họ, dù trận đấu chỉ còn mục đích đá cho hết vòng, song họ vẫn ra sân chiến đấu hết mình, khán giả vẫn kéo đến kín sân, không bao giờ bỏ cuộc. Còn ở Việt Nam, nếu trận đấu chỉ mang tính thủ tục thì chưa chắc đội bóng đã tham gia, mà khán giả cũng chẳng buồn đến sân nữa".
Bởi vậy, phải chăng người Việt không nên trách mà ngược lại, nên cảm ơn Raul Albiol và Jose Mourinho? Vì không thể phủ nhận nền bóng đá nước nhà còn nhiều yếu kém. Câu nói của họ có thể động chạm đến niềm tự tôn dân tộc, nhưng cũng là lời nhắc nhở để chúng ta tự kiểm điểm để khắc phục khuyết điểm của mình. Và “Albiol nói giống như một người anh đi trước, mắng đứa em và chỉ ra sự yếu kém cho nó mà thôi”.