Nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác không nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến những ca khúc viết về thủ đô, Hướng về Hà Nội của ông có vị trí đặc biệt. Bài hát hội tụ đầy đủ cảm xúc lãng mạn kiểu những chàng trai tiểu tư sản “xếp bút nghiên lên đường ra mắt trận”.
Ngoài giai điệu da diết, khơi gợi sự nhớ nhung, bồi hồi, Hướng về Hà Nội còn chứa đựng những hình ảnh đẹp nhất về mảnh đất “ngàn năm văn vật” với ánh đèn, hàng liễu và đặc biệt là người con gái Hà thành với "áo màu tung gió chơi vơi”.
Khi ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Dương được biểu diễn trong chương trình Giai điệu tự hào, một khách mời bình luận cho rằng ghép bất cứ địa danh nào khác như Sài Gòn, Huế, Hải Phòng vào câu gọi “Hà Nội ơi!” đều được và do vậy ca khúc không hẳn nói lên được khí chất Hà Nội.
Ý kiến này ngay lập tức bị phản bác từ hội đồng bình luận, trong đó có NSƯT Thanh Tú. Nữ diễn viên điện ảnh gạo cội cho rằng âm sắc và giai điệu của ca khúc đã nói lên Hà Nội một cách đúng nghĩa. Không cần một con phố, một con đường hay địa danh cụ thể, sáng tác của Hoàng Dương vẫn mang hồn cốt Tràng An.
PGS. NGND. Nhạc sĩ Hoàng Dương. |
"Dễ nghe nhưng không dễ thể hiện"
Hướng về Hà Nội được nhiều giọng ca nổi tiếng thể hiện như Thái Thanh, Kim Tuyết, Ngọc Bảo, Duy Trác. Sau này có Ánh Tuyết, Khánh Hà, Lệ Thu, Khánh Ly, Hồng Nhung, Nguyên Thảo. Giọng nam có NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSƯT Quốc Hưng và gần đây nhất là Đức “bass”.
NSND Quang Thọ khẳng định Hướng về Hà Nội là một kiệt tác về thanh nhạc. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đồng tình với quan điểm này. Anh cho biết đây là một ca khúc có tính khí nhạc. Những giai điệu dành cho giọng hát tựa như giai điệu viết cho tiếng đàn violoncell.
Nếu tách phần lời ca, Hướng về Hà Nội vẫn là một tiểu phẩm độc tấu dành cho cây đàn violoncell đầy chất trữ tình tự sự. Vì có đặc điểm như vậy nên ca khúc phù hợp với giọng trung trầm, dễ chinh phục khán giả bởi giai điệu dễ nghe, dễ chạm vào thẳm sâu tâm hồn người thưởng thức.
“Dễ nghe nhưng không đồng nghĩa với dễ thể hiện. Với Hướng về Hà Nội yêu cầu người ca sĩ phải đủ nội lực, đủ kỹ thuật để có thể làm tốt được lối hát legarto, liền âm thanh, giữ và miết hơi. Đồng thời, người ca sĩ phải có đủ sự trải nghiệm, đủ cảm xúc để gửi gắm tâm hồn mình vào trong đó. Hội tụ đủ hai yếu tố kỹ thuật và cảm xúc với yêu cầu như trên mới có thể chạm được vào trái tim khán giả” - nam nhạc sĩ nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại buổi họp báo ra mắt MV Hướng về Hà Nội cách đây hơn một năm, nhạc sĩ Hoàng Dương cho biết mỗi giọng hát đều mang đến cho ông một cảm xúc riêng. Tuy nhiên, để hát được ca khúc này người hát phải thực sự rung động và thấm thía cái tình câu chuyện trong đó.
Nhạc sĩ Hoàng Dương (ngồi giữa) cùng nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long và Đức "bass". |
Ca khúc được viết từ nỗi nhớ một người con gái
Hướng về Hà Nội được nhạc sĩ Hoàng Dương viết trong một đêm đi sơ tán ở vùng ngoại thành. Khi vừa sáng tác xong ông liền tìm cách gửi bản thảo vào nội thành cho người bạn của mình là nhạc sĩ Hoàng Trọng. Và Kim Tuyết, ca sĩ nổi tiếng thời ấy, là người đầu tiên hát ca khúc này.
“Tôi viết bài này chỉ có trong một đêm, giai đoạn cuối 1953, đầu 1954. Tất cả nỗi nhớ vò xé trong tâm trạng, tích tụ trong hai giai đoạn xa Hà Nội, cô đọng thành bài ca này” - cố nhạc sĩ nói.
Hoàng Dương cho biết thời gian đó ông tá túc tại nhà người dân nơi ngoại thành Hà Nội. Những tiếng pháo, tiếng súng phía bên kia thành phố vẫn dội, kháng chiến chưa biết ngày nào toàn thắng. Và ông không khỏi nhớ lại bóng hình người con gái Hà Nội “cứ đến buổi chiều dẫn nhau lên hồ Tây, hồ Trúc Bạch ngồi ngắm cảnh”. Và nhạc sĩ đã đặt bút viết ca khúc.
Sau này nhạc sĩ Hoàng Dương bị mất liên lạc với người bạn gái thân thiết đã tạo cảm hứng để sáng tác Hướng về Hà Nội. Ông nhiều lần đi tìm kiếm, kể cả vào tận miền Nam nhưng đều bặt vô âm tín.
Khi đã lập gia đình, ông cũng phóng ảnh người bạn gái năm nào treo trong nhà. Vợ ông biết chuyện nhưng cũng không có bất kỳ phản ứng nào.
Nhạc sĩ Hoàng Dương trút hơi thở cuối cùng đêm mùng 3 Tết Đinh Dậu (30/1) do tuổi già sức yếu. Ông hưởng thọ 84 tuổi.
Nhạc sĩ PGS, NSƯT Hoàng Dương, tên thật là Ngô Hoàng Dương, sinh năm 1933 tại Hà Nội, là con trai của danh nhân văn hóa Hà Nội, nhà thơ, nhà báo Trúc Khê - Ngô Văn Triện.
Sinh thời, ông còn là người có công đầu xây dựng bộ môn cello và khoa đàn dây của Nhạc viện Hà Nội. Cố nhạc sĩ được Nhà nước phong hàm Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Tang lễ của nhạc sĩ Hoàng Dương với lễ viếng diễn ra từ 9 - 11h ngày 2/2, tức mùng 6 Tết tại Nhà tang lễ Cầu Giấy. Sau đó nhạc sĩ Hoàng Dương sẽ được an táng cùng ngày tại quê nhà, nghĩa trang Phương Canh, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.