Chiều ngày 5/12, sau buổi họp kín của 14 người đứng đầu, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định đình chỉ Ủy ban Olympic Nga kèm theo án cấm tham dự Olympic mùa đông 2018 do vi phạm mang tính hệ thống liên quan đến doping.
Án phạt dành cho nước Nga cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia vắng mặt tại Olympic vì nghi án doping. Điều này đồng nghĩa quốc kỳ Nga sẽ không xuất hiện tại lễ khai mạc và quốc ca nước này cũng không được vang lên.
Bộ trưởng thể thao, Vitaly Mutko và Thứ trưởng Yuri Nagornykh bị cấm tham dự mọi hoạt động liên quan đến Olympic vô thời hạn.
Thể thao Nga bị cấm tham dự Olympic mùa đông 2018. |
Điều gì dẫn đến án phạt của thể thao Nga?
Trước các nghi án doping liên tiếp đến từ các VĐV Nga, một cơ quan đặc biệt có tên gọi Schmid Commission, với người đứng đầu là cựu Tổng thống Thụy Sỹ Samuel Schmid đã đứng ra điều tra toàn diện. Trong đó, cơ quan này tập trung vào Olympic Sochi 2014 nơi nước Nga xếp ở vị trí số một với tổng cộng 13 HCV.
Bình chứa mẫu thử của VĐV tại Sochi 2014. Ảnh: Nytimes. |
Sau cuộc kiểm tra “chặt chẽ và minh bạch”, những phát hiện sau đó đã gây chấn động đến toàn thế giới. Grigory Rodchenkov, cựu Trưởng phòng Kiểm tra doping ở Sochi 2014 cho biết đã móc nối với các VĐV Nga để đánh tráo các mẫu thử nước tiểu dương tính. Theo người đàn ông này, hoạt động trên có sự tham gia của Bộ thể thao Nga và cơ quan tình báo nước này.
Thủ thuật đánh tráo sau đó được Rodchenkov trình bày một cách tường tận trong bài phỏng vấn của tờ New York Times vào tháng 5/2016 khi các mẫu thử sạch được đưa qua một lỗ thủng trên tường và thay thế với mẫu bẩn đã đánh dấu trước đó.
Cách thức tráo mẫu nước tiểu theo mô tả của Rodchenkov. |
Rodchenkov khẳng định con số các VĐV Nga liên quan đến bê bối còn lớn hơn nhiều và được lưu trữ trong “tài liệu mật” đã trình lên Cơ quan phòng chống Doping thế giới (WADA) hồi tháng trước.
Trong buổi họp diễn ra hôm thứ ba, ông Samuel Schmid đã đưa ra bản báo cáo dài 30 trang trong đó chứa kết luận từ cơ quan kiểm tra, lời khai của nhân chứng, tài liệu và phát biểu các bên trước khi đưa ra kết luận cuối cùng rằng tồn tại sự “vi phạm có hệ thống của cơ quan phòng chống doping nước Nga”. Án phạt dành cho thể thao nước này đã được đưa ra sau đó.
Vì sao nước Nga vẫn tham dự Olympic 2016 bất chấp bê bối tại Sochi 2014?
Trả lời về vấn đề trên, ông Thomas Bach, Chủ tịch của IOC cho biết: “Vào thời điểm đó, chúng tôi chưa được nghe những giải trình từ phía Nga và chưa có bằng chứng về sự vi phạm mang tính hệ thống”.
Bản báo cáo của WADA vào năm 2015 chưa đủ để IOC đưa ra một quyết định trừng phạt mạnh tay. Tuy nhiên, Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) và Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) đã ra án cấm các VĐV Nga được tranh tài tại Rio ở hai môn thể thao này.
Dù vậy, sau thời gian dài điều tra và thu thập những tư liệu liên quan đến sự “nhúng tay” của chính quyền cũng như cơ quan tình báo của Nga, IOC nhận định đã có đủ bằng chứng.
“Lúc này, mọi thứ đã rõ ràng và rất khác so với trước kia”. Chủ tịch Thomas Bach lý giải về quyết định loại Nga khỏi Olympic mùa đông 2018.
Hình ảnh lỗ thủng được cho là để đánh tráo các mẫu thử. Ảnh: Nytimes. |
Quyết định của IOC liệu đã chặt chẽ?
Báo cáo của Schmid Commission chỉ ra chưa có “tài liệu hoặc bằng chứng cụ thể nào” chứng minh sự can thiệp của điện Kremlin đến những bê bối doping. Hiện tại, Rodchenkov, nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc đưa bê bối doping của Nga ra ánh sáng thì đang phải sống lưu vong.
Tuy nhiên, với phán quyết của mình, IOC đã gián tiếp thừa nhận có sự can thiệp của những người đứng đầu nước Nga vào vi phạm trên khi ra lệnh cấm tham gia các hoạt động Olympic suốt đời với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ thể thao Vitaly Mutko cũng như Thứ trưởng Yuri Nagornykh.
Án phạt này đặt ra dấu hỏi liên quan đến công tác tổ chức World Cup 2018 khi ông Mutko là người chịu trách nhiệm điều hành sự kiện túc cầu lớn nhất năm sau.
Bê bối doping có thể khiến Nga bị loại khỏi World Cup 2018?
Trong một thông báo mới nhất, Joseph de Pencier, Chủ tịch Viện nghiên cứu của Tổ chức phòng chống doping quốc gia (iNADO) yêu cầu FIFA nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu tuyển Nga có là một phần của bê bối doping với sự trợ giúp của chính quyền hay không? Nếu cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới kết luận tuyển Nga “có tội”, iNADO yêu cầu FIFA xem xét loại tuyển Nga khỏi World Cup 2018.
Quá trình điều tra của WADA đã phát hiện mười một cầu thủ nước này có liên quan đến doping và con số này có thể tăng thêm trong tương lai.
Trả lời iNADO, FIFA cho biết đang theo dõi sát sao các thông báo mới nhất của WADA và cam kết hỗ trợ cơ quan này hết sức có thể.
Ở một diễn biến khác, FIFA khẳng định án phạt của IOC liên quan đến thể thao Nga tại Olympic mùa đông sẽ “không ảnh hưởng đến việc chuẩn bị của World Cup 2018”.
iNADO đề xuất FIFA loại Nga khỏi World Cup 2018 nếu đội tuyển nước này có liên quan đến bê bối doping. Ảnh: Paddy. |
Động thái nào của nước Nga trước án phạt của IOC?
Người đứng đầu Ủy ban Olympic Nga, Alexander Zhukov cho biết đoàn thể thao nước này sẽ kháng cáo với phán quyết của IOC.
Tuy nhiên, ông Zhukov đã sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất: “Tích cực mà nói, IOC vẫn cho phép các VĐV trong sạch của Nga tham dự Olympic mùa đông 2018. Và nếu tại đây chúng tôi không có bất kỳ vi phạm nào, trong tương lai, án cấm với Ủy ban Olympic Nga cũng sẽ được xóa bỏ”. Tờ ABC của Australia dẫn lời thành viên cấp cao của thể thao Nga.
Danh sách các VĐV được trao lại HCV Olympic do đối thủ sử dụng doping kể từ năm 1966. Đồ họa: Nytimes. |
Một số quan chức khác của Nga đưa ra phản ứng gay gắt hơn. Alexei Kurashov, Chủ tịch liên đoàn trượt tuyết tự do Nga và Alexei Kravtsov, Chủ tịch Liên đoàn trượt băng Nga nhận định án phạt trên là “xúc phạm, mang tính sỉ nhục và không có căn cứ”.
Hiện tại, chưa có phản hồi chính thức từ Tổng thống Wladimir Putin trước án phạt của IOC. Tờ Guardian dự đoán nước Nga có thể sẽ tẩy chay đối với kỳ thế vận hội mùa đông nếu phán quyết trên không được thu hồi.