Gần đây, một em học sinh lớp 10 đã lựa chọn kết thúc cuộc đời của mình sau thời gian dài chật vật với nhiều áp lực và cảm xúc tiêu cực
Không lâu trước đó, một nam sinh viên mất tích khi vào TP.HCM nhập học. Sau thời gian dài tìm kiếm, công an phát hiện em đã tử vong, với nguyên nhân là tự sát.
Hai vụ việc trên là những ví dụ gần đây đã thu hút sự chú ý của mạng xã hội. Tuy nhiên, tình trạng mắc bệnh tâm lý, thậm chí xuất hiện suy nghĩ tự tử, không phải hiếm ở các bạn trẻ.
Theo báo cáo của UNICEF năm 2018, khoảng 8-28% trẻ em Việt Nam gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó các em thuộc nhóm tuổi vị thành niên chật vật nhiều hơn cả.
Kỳ vọng và áp lực lớn từ gia đình, nhà trường về việc học tập tốt, về các chuẩn mực xã hội, cũng như sự tăng tiếp xúc với Internet, được báo cáo liệt kê là “các yếu tố tiềm tàng đối với sức khỏe tâm lý xã hội, dẫn đến tình trạng cô lập xã hội, lo lắng, buồn phiền, lo âu, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và trong một số trường hợp là tự tử”.
Nhiều trẻ em Việt Nam mắc bệnh tâm lý do các áp lực học tập từ cha mẹ, nhà trường. Ảnh: UNICEF. |
Dẫu bệnh tâm lý và hệ lụy của nó là thật, nhiều gia đình vẫn tránh bàn luận về chủ đề này, coi đó là vấn đề cấm kỵ.
Sự thiếu nhận thức về sức khỏe tinh thần cũng như khác biệt thế hệ khiến nhiều người lớn cho rằng các bạn trẻ đang làm quá lên, hoặc đem con ra so sánh với bản thân ngày xưa.
Những phản ứng như vậy từ cha mẹ khiến các bạn trẻ cảm thấy bị phán xét, không được tôn trọng, từ đó khó mở lòng và có xu hướng dồn nén những cảm xúc tiêu cực, gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Cha mẹ không tin, trẻ khó chia sẻ
Một nghiên cứu năm 2018 với chủ đề nhận thức về sức khỏe tâm lý ở Hà Nội đã thực hiện phỏng vấn sâu với 15 sinh viên. Hầu hết cho biết có sự khác biệt lớn giữa cách hiểu của người trẻ về bệnh tâm lý và nhận thức phía cha mẹ, khiến các bạn không sẵn sàng chia sẻ với gia đình, nhất là khi vấn đề đó ảnh hưởng kết quả học tập.
Không riêng Việt Nam, nghiên cứu năm 2017 ở Mỹ, Australia và Anh cho thấy 12-16% cha mẹ không muốn, không cần, hoặc không sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ khi con có triệu chứng trầm cảm. Nhiều người bỏ qua hoặc không nhận thức được sự trầm trọng của bệnh tâm lý ở con trẻ.
The Independent thực hiện một khảo sát ngắn với khoảng 250 người với câu hỏi: "Bạn sẽ tìm đến ai nếu cảm thấy bất ổn về tâm lý?". Trong khi 44% chọn bạn bè, chỉ có hơn 20% nói rằng sẽ chia sẻ với cha mẹ.
Tổ chức YoungMinds tại Anh, chuyên hỗ trợ sức khỏe tâm lý ở trẻ em và người trẻ, đã thực hiện một nghiên cứu về tự hại (self-harm). Trong đó, họ hỏi người tham gia sẽ tìm đến ai nếu cần thông tin và sự trợ giúp về tự hại.
Kết quả là, 76% tìm đến mạng xã hội, 61% chọn bạn bè, nhưng chỉ 16% tin tưởng cha mẹ để nói về vấn đề này.
Nhiều trẻ em không sẵn sàng tìm đến cha mẹ khi gặp vấn đề tâm lý. Ảnh: Getty. |
Theo The Conversation, trầm cảm ở trẻ vị thành niên có thể nghiêm trọng hơn cha mẹ nhận thức được. Trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân và không muốn làm cha mẹ buồn lòng, thất vọng.
Vấn đề tâm lý đã khó giãi bày, nay lại gặp sự cản trở của định kiến. Nhiều bạn trẻ, sau khi lấy hết dũng khí để chia sẻ với cha mẹ, nhận lại câu trả lời rằng vấn đề của mình không đủ quan trọng hay to lớn để tiếp nhận chữa trị.
Những thanh thiếu niên có hành vi tự sát thường chưa từng được chữa trị hay chẩn đoán trầm cảm trước đó. Sau khi thấy con có hành động trên, cha mẹ mới nhận thức rõ hơn về bệnh tâm lý và hầu hết nói rằng họ sẽ làm mọi thứ vì con. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, cha mẹ vẫn nhất quyết không tin, theo The Conversation.
Trò chuyện về sức khỏe tâm lý
Những cuộc đối thoại về cảm xúc và sức khỏe tâm lý không dễ thực hiện. Chúng đòi hỏi sự cởi mở, tin tưởng, lắng nghe mà không phán xét từ cả hai phía. Điều này càng khó khăn trong gia đình Châu Á và Việt Nam, khi con cái thường được kỳ vọng phải nghe lời cha mẹ.
UNICEF gợi ý một số bước để thực hiện cuộc trò chuyện này.
Thứ nhất, cha mẹ cần tạo một không gian an toàn, yêu thương bằng cách thể hiện tình cảm với con, nói rằng mình yêu và tin tưởng con.
Cuộc trò chuyện nên diễn ra trong tâm thế thoải mái, khi cha mẹ và con đang vui đùa hoặc làm hoạt động chung nào đó. Tránh đề cập những vấn đề này khi không tỉnh táo hay lúc tâm trạng không tốt.
Thứ hai, khi trò chuyện, cha mẹ nên cố gắng lắng nghe nhiều hơn nói để trẻ cảm thấy được tôn trọng, tin tưởng.
Thứ ba, cha mẹ cần để ý đến những phản ứng tức thời của mình khi lắng nghe con, chẳng hạn như thở dài, đảo mắt. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến trẻ cũng như những cuộc trò chuyện về cảm xúc trong tương lai.
Cuối cùng, cha mẹ có thể hỏi con muốn được đáp lại thế nào sau khi chia sẻ, thay vì vội đưa ra lời khuyên hay kết luận bài học cuộc sống. Đôi khi, trẻ có thể chia sẻ để "xả", hoặc muốn được tự tìm cách giải quyết vấn đề.
Cha mẹ nên bắt đầu nói chuyện với con về sức khỏe tâm lý càng sớm càng tốt. Ảnh: talkitoutnc.org. |
Theo The Guardian, những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái về cảm xúc và sức khỏe tinh thần nên diễn ra sớm nhất có thể để xóa bỏ những định kiến về bệnh tâm lý vẫn còn phổ biến trong xã hội.
Ở Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn chưa có nhận thức đúng về sức khỏe tinh thần và thậm chí phủ nhận sự tồn tại của bệnh tâm lý bởi chúng không hiện hữu rõ ràng như bệnh thể chất.
Nhưng với những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra gần đây, có lẽ đã đến lúc cha mẹ bắt đầu trò chuyện và chia sẻ với con trước khi quá muộn.