Chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Julia Quinn, Bridgerton theo chân một gia đình thượng lưu giữa thời Nhiếp chính tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland thế kỷ XIX.
Qua lời dẫn chuyện chua ngoa của nhân vật Lady Whistletown (Julie Andrews), từng chi tiết trong công cuộc kén chồng giàu của các chị em nhà Bridgerton đã được thuật lại. Đó là một cuộc giằng co không hồi kết khi người ta bị giằng xé giữa việc lấy nhau vì tiền, hay lấy nhau vì tình.
Gia đình nhà Bridgerton trong bộ phim cùng tên. |
Sau khi ra mắt, series phim với kinh phí sản xuất lên tới 5 triệu bảng Anh mỗi tập nhận phản hồi tích cực. Giới phê bình ca ngợi Bridgerton đã thổi làn gió mới vào thể loại phim cổ trang bằng dàn diễn viên đa chủng tộc, tình dục táo bạo cũng như dàn nhạc dây hòa tấu nhiều bản hit hiện đại theo phong cách cổ điển.
Bộ phim với các quý tộc da màu
Xoay quanh chuyện tình ái của giới quý tộc Anh thời Nhiếp chính, Bridgerton không tránh khỏi số phận bị đem so sánh với Downton Abbey - “ngôi sao” của dòng phim cổ trang Âu Mỹ trên màn ảnh nhỏ những năm qua.
Downton Abbey được coi như phiên bản “tẩy trắng” xã hội Anh quốc những năm đầu thế kỷ XX. Các nhân vật chính trong phim đều mang tư tưởng cấp tiến so với xã hội đương thời - một quyết định dễ hiểu từ vị trí nhà làm phim, khi độ lùi thời gian đã chứng minh tính đúng sai của nhiều vấn đề trong lịch sử.
Với Bridgerton, bộ phim cổ trang gần như tự bứt mình khỏi bối cảnh lịch sử đã ươm mầm cho nó, bắt đầu từ khoảnh khắc nam chính Simon Basset (Regé-Jean Page), Công tước xứ Hastings, xuất hiện. Basset là một trong số những quý tộc da đen nắm giữ vai trò quan trọng trong tác phẩm.
Bridgerton xóa bỏ lối mòn giới quý tộc Anh thế kỷ XIX trên màn ảnh chỉ là người da trắng. |
Dàn diễn viên đa dạng sắc tộc là nét tiến bộ của Bridgerton so với Downton Abbey và nhiều tác phẩm khai thác cùng chủ đề. Lần đầu tiên khán giả được thấy nhân vật da màu trở thành quý tộc, thậm chí nữ hoàng, trên màn ảnh. Trong Bridgerton, họ đã thoát khỏi số phận gia nhân mờ nhạt, hoặc hoàn toàn bị gạt bỏ, như trước đây.
Tình dục là con dao hai lưỡi
Tình dục là "đặc sản" của Bridgerton. Việc đề cập thẳng thắn (và văn minh) tới chủ đề tình dục đã góp phần giúp series phim nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng ngay khi ra mắt.
Bridgerton mô tả trực diện cách dàn nhân vật trẻ trung và ngây thơ trong phim xoay xở để tìm hiểu bản chất của tình dục cũng như cách các cuộc giao hoan diễn ra. Sau 200 năm, nỗi băn khoăn của các tiểu thư nhà Bridgerton vẫn là dấu hỏi lớn của nữ tú nam thanh khi bước vào tuổi dậy thì.
Sau 5 tập đầu Bridgerton, khán giả kỳ vọng bộ phim sẽ duy trì được cách tiếp cận tích cực về chủ đề tình dục. Tuy nhiên, sang tới tập 6, Swish, họ đã phải nhăn trán.
Trong tập phim, mâu thuẫn trong quan điểm muốn/không muốn có con đã khiến cuộc truy hoan của Daphne (Phoebe Dynevor) và Simon biến thành thảm họa. Người phụ nữ tìm cách lừa bạn tình để thụ thai.
Khi Simon ngỡ ngàng hỏi sao cô lại làm thế, Daphne chỉ đáp đại ý nếu anh đã làm mọi cách để không có con, cô cũng sẽ làm mọi cách để điều ngược lại xảy ra.
Bộ phim đề cập một cách cởi mở và thẳng thắn các chủ đề liên quan đến tình dục. |
Trên mạng xã hội, một số khán giả cho rằng cảnh phim đánh dấu thời khắc quyền chỉ huy trong mối quan hệ giữa cặp vợ chồng trẻ thay đổi. Daphne đã nắm bắt cơ hội để đạt được điều cô muốn giữa xã hội mà phụ nữ luôn chịu thiệt thòi, bắt đầu từ vấn đề tình dục.
Một số khác, dựa trên việc Simon bị ép thực hiện hành vi tình dục mình không muốn, cho rằng cảnh phim đã mô tả một biểu hiện của hiếp dâm.
Nhạc phim là bản hit thế kỷ
Sự phá cách độc đáo của Bridgerton thể hiện rõ nét trong cách nhà làm phim xây dựng phần âm nhạc trong tác phẩm. Bên cạnh những bản nhạc không lời được sáng tác mới, Bridgerton gây bất ngờ khi “cài cắm” vào tác phẩm hàng loạt bản hit của thế kỷ XXI.
Xem phim, khán giả dễ nhận ra giai điệu ca khúc của Billie Eilish, Ariana Grande, Taylor Swift, Maroon 5… vang lên giữa khung cảnh nước Anh thế kỷ XIX. Tất cả đều được chuyển soạn để biểu diễn bằng tứ tấu đàn dây.
Những bản nhạc cover ca khúc hiện đại trong Bridgerton không chỉ là màn “chơi trội” của nhà làm phim nhằm khiến tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, hay khác biệt với tác phẩm cùng thể loại. Đó còn là dấu hiệu nhận biết, cho thấy bộ phim đã vượt ra khỏi những quy chuẩn truyền thống.
Bridgerton đề cập tới vấn đề nữ quyền, chủng tộc, thách thức những công thức cũ mòn của dòng phim cổ trang Âu Mỹ. Việc cover những bản hit hiện đại theo phong cách cổ điển chính là một ẩn ý thông minh chỉ ra xu hướng đấu tranh đó.