Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'BS Phong phát ngôn cá nhân nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến người bệnh'

Theo các chuyên gia, BS Phong chia sẻ việc bệnh nhân khỏi bệnh sau khi đến chùa Ba Vàng là vô căn cứ, có thể khiến một số người lầm lạc, không còn tin vào y học hiện đại.

BS Nguyễn Hồng Phong xuất hiện trong buổi thuyết pháp ở chùa Ba Vàng Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ tại buổi thuyết pháp ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), tối 21/3.

Tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), tổ chức buổi pháp thoại được phát trực tiếp trên trang Facebook và website của chùa, với hàng trăm người tham dự.

Trong buổi pháp thoại này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã mời một số phật tử lên chia sẻ. Một trong số đó là anh Nguyễn Hồng Phong. Người này nói mình là bác sĩ (không nói nơi công tác), tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Nhiều bệnh nhân của anh sau khi chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ nhưng không phát hiện ra bệnh hoặc diễn tiến bất thường. Anh khuyên bệnh nhân của mình đến chùa Ba Vàng "thỉnh oan gia trái chủ" và đã có kết quả thần kỳ. Bệnh nhân của bác sĩ Phong chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn.

Zing.vn xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của TS Trương Hồng Sơn Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, về vấn đề này.

Y học thế giới đã phát triển trong nhiều thế kỷ, khởi đầu từ giai đoạn y học tâm linh (Spiritism Medicine). Người châu Âu, Hy Lạp cổ tin rằng bệnh tật là "sự trừng phạt của thánh thần" và chữa bệnh là một "món quà từ các vị thần". Vào thời kỳ xa xưa đó, nền y học La-Hy mang nhiều tính chất thần thoại. Mỗi khi mắc bệnh, người La Mã đến đền thờ cầu khẩn các vị thần linh: Minerva, Diana, Hygiea...

Tại vùng Lưỡng Hà và Ai Cập, thời kỳ cổ đại, khoảng thời gian 3.500-1.500 năm trước Công nguyên, nền y học sơ khai đã phát triển. Siêu nhiên có mặt trong tất cả khía cạnh bệnh tật và chữa bệnh. Bệnh tật và tai họa đều được gán cho tác nhân siêu nhiên như thần thánh, ma quỷ…

Thời kỳ này, việc chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị bệnh đều cần đến ma thuật, cúng kiến, cầu khẩn. Các phù thủy, shaman (người lên đồng), thầy pháp... là những người đứng ra phù phép, cúng kiến để “chữa bệnh" cho mọi người.

Ở phương Đông, Kinh Vệ Đà ghi lại những tài liệu được soạn ra trong khoảng 1.500-1.000 trước Công nguyên cho thấy những thầy thuốc, được xem như thần thánh, chiến đấu chống lại ma quỷ, cử hành những nghi thức thần bí chống lại bệnh tật, dịch bệnh.

Y thuật tâm linh là hiện tượng chữa bệnh dựa vào quyền lực thần bí. Thời kỳ này, người ta tin rằng bệnh là do sự quở phạt của thần linh. Khi có bệnh, họ nhờ cậy vào “thầy mo”, “thầy cúng”, cầu thần linh cho khỏi.

Y học trong giai đoạn này kém hiệu quả do dựa trên cơ sở mê tín. Vì vậy, thời gian dài không có tiến bộ đáng kể. Dần dần, nó được thay thế bởi nền y học tiến bộ, hiệu quả hơn, là giai đoạn y học kinh nghiệm (Empiric Medicine), rổi chuyển sang giai đoạn y học khoa học (Scientific Medicine) hay y học thực nghiệm (Experimental Medicine).

Ngày nay, y học thế giới đã bước vào giai đoạn y học hiện đại với các nền tảng là y học chứng cứ (Evidence Based Medicine) và y học cá thể hóa (Personalized Medicine).

Hiểu về lịch sử của y học thế giới để thấy rằng đã có những bước tiến rất dài về kiến thức, thực hành và quan điểm sai lầm chỉ tồn tại ở cộng đồng kém phát triển, tồn tại nhiều hành vi mê tín, dị đoan.

Dù phát ngôn cá nhân nhưng ảnh hưởng người bệnh

Phát ngôn khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong trong buổi pháp thoại tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) tối 21/3 vừa qua, dù anh này đính chính chỉ mang tính cá nhân, sẽ ảnh hưởng rất nhiều người, nhiều bệnh nhân.

Những phát ngôn này có thể khiến một số người bệnh lầm lạc, không còn tin vào y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh khoa học nữa. Họ có thể tìm đến phương pháp chữa bệnh mang tính mê tín dị đoan, truyền miệng, vô căn cứ. Từ đó, bệnh có thể không được chữa khỏi, thậm chí gây ra nhiều biến chứng và nguy hiểm đến tính mạng.

khuyen benh nhan len chua chua benh anh 1
Theo TS Trương Hồng Sơn, dù phát ngôn của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong mang tính cá nhân, nó có sự ảnh hưởng lớn đến người bệnh. Ảnh cắt từ clip.

Quy trình làm việc không hợp lý

Trong phần chia sẻ tại buổi pháp thoại ở chùa Ba Vàng, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, nói: "Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc diễn tiến bất thường. Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, không mê tín gì đến bệnh nhân của tôi. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay, quỳ lạy tổ tiên, cha mẹ,... bệnh nhân đến khám lại. Điều thần kỳ đã xảy ra, tôi chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn".

Theo tôi, quy trình làm việc này của bác sĩ Phong là chưa hợp lý. Thông thường, việc không tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho bệnh nhân trong một giai đoạn điều trị là tình trạng có thể xảy ra. Bởi, bệnh tật rất phức tạp, thay đổi khác nhau giữa các cơ thể người, mức độ và tình trạng bệnh phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài cũng như trong cơ thể.

Trong trường hợp bác sĩ chưa đưa ra được chẩn đoán, ca bệnh này có thể sẽ được đưa ra trong cuộc họp giao ban bệnh viện hoặc các cuộc hội chẩn, để các thầy, đồng nghiệp cùng xem xét và thảo luận. Thông thường, sau cuộc hội chẩn, nguyên nhân gây bệnh sẽ được tìm ra.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu sau khi hội chẩn, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị, người bệnh sẽ được chuyển lên các bệnh viên tuyến trên hoặc các bệnh viện chuyên khoa - nơi có các bác sĩ với trình độ chuyên môn cao hơn và nhiều kinh nghiệm hơn để chẩn đoán và chữa trị.

khuyen benh nhan len chua chua benh anh 2
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: BSCC.

Khỏi bệnh sau khi lên chùa là vô căn cứ

Việc sau khi lên chùa "thỉnh vong", sau đó khỏi bệnh, hợp thuốc là vô căn cứ. Đến nay, tại Việt Nam, không ít các vụ việc chữa bệnh bằng cách mê tín, thổi, sờ, giẫm, đạp… đã được báo chí đưa tin là lừa đảo, không có thật. Việc "thỉnh vong" theo tôi cũng là hiện tượng tương tự như vậy.

Về mặt bệnh lý, để được xác định đúng và đưa ra hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân phải được khám và chẩn đoán dựa trên các cơ sở khoa học. Tùy từng chuyên khoa sẽ có sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và tâm lý liệu pháp. Nhưng dù là phương pháp hay sự kết hợp nào, người bệnh cũng phải tuân thủ theo phác đồ bác sĩ điều trị.

Sự tồn tại của thế giới tâm linh được một bộ phận cộng đồng công nhận và điều đó giúp cân bằng cuộc sống, có nơi nương tựa về mặt tinh thần. Chúng giúp con người làm việc lành, việc thiện, tránh làm điều ác. Nhưng chúng ta cần tránh những việc mê tín, dị đoan, đặc biệt là trong y học, vì nó liên quan trực tiếp sức khoẻ của con người.

Đang có một 'bệnh viện' ở chùa Ba Vàng? Rất nhiều video trên kênh YouTube Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán) xuất hiện người chia sẻ bản thân chữa khỏi bệnh nhờ "biết đến chùa Ba Vàng".

"Không thể có chuyện bác sĩ 'bí' thì khuyên bệnh nhân lên chùa"

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khi chuẩn đoán phải ra căn nguyên bệnh, hội chẩn, làm xét nghiệm. Đi chùa chỉ phục vụ mục đích cho bệnh nhân an lòng, không thể đưa người bệnh vào đó để chữa bệnh bằng một phương pháp "thần thánh" nào cả. 

"Bác sĩ phải có trách nhiệm phải tìm cho ra bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong nói nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh nhờ vào chùa, vậy con số là bao nhiêu? Tại sao không chẩn đoán ra bệnh lại khuyên họ đến chùa?", bác sĩ Khanh bức xúc nói. 

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, về mặt chuyên môn, vị bác sĩ này chưa đủ "tầm".

"Y học hiện nay phát triển rất nhiều, nếu chẩn đoán không ra bệnh thì bác sĩ phải hội chẩn với đồng nghiệp, đâu thể nào 'bí' thì khuyên bệnh nhân của mình đi chùa chữa. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh, bản thân mình là thực thể thì phải can thiệp y học hiện đại, không thể nào cầu nguyện, giải nghiệp mà hết được bệnh", chuyên gia này nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Bộ Y tế: Khuyên bệnh nhân lên chùa chữa bệnh là bậy bạ

Bức xúc trước hành động khuyên người dân lên chùa chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, nhiều độc giả yêu cầu cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc.

TS Trương Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm