Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

BS Trình Văn Hải: ‘Hạnh phúc khi được cứu người không đắn đo’

“Người anh cả của khoa Cấp cứu” là cách mà bác sĩ Trình Văn Hải hiện diện trong lời kể, những câu chuyện của đồng nghiệp và bệnh nhân tại Bệnh viện FV.

Benh vien FV,  BS Trinh Van Hai anh 1

Dừng chân nơi cửa phòng của bác sĩ Trình Văn Hải - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV, nhiều người không khỏi hướng mắt đến cúp Doctor’s Oscar với dòng chữ Bác sĩ phòng chống dịch Covid-19 xuất sắc, được đặt trang trọng trên nóc tủ đựng hồ sơ.

Nhưng ít ai biết, đằng sau chiếc cúp ấy, ngoài niềm hạnh phúc được thắp lên từ sự tôn trọng đến từ đồng nghiệp, còn có cả những ám ảnh khó nguôi ngoai của vị trưởng khoa với vẻ ngoài cương trực.

“Cuộc hôn nhân với cam kết trọn đời” cùng khoa Cấp cứu

“Chọn khoa Cấp cứu là bước vào cuộc hôn nhân với cam kết trọn đời, không nói chuyện đổi thay”, bác sĩ Trình Văn Hải mở đầu câu chuyện.

Qua lời kể của vị trưởng khoa, “cuộc hôn nhân” ấy bắt đầu từ năm 1992, khi ông còn là bác sĩ trẻ vừa rời ghế giảng đường. Lúc đó, khoa Cấp cứu luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng, duyên tiền định của ông với Khoa Cấp cứu cũng từ đó chớm nở.

Từ xưa đến nay, khoa Cấp cứu vẫn được xem là ‘trạm tiền tiêu’, nơi đầu sóng ngọn gió.

Bác sĩ Trình Văn Hải - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV

“Từ xưa đến nay, khoa Cấp cứu vẫn được xem là ‘trạm tiền tiêu’, nơi đầu sóng ngọn gió bởi chịu nhiều tầng áp lực từ lượng bệnh dồn dập và tính chất khẩn cấp của công việc. Nhiều bệnh viện phải sắp xếp nhân lực cho khoa cấp cứu bằng cách xoay tua các bác sĩ khoa khác để thay phiên. Bác sĩ trẻ thời đó cứ rỉ tai nhau làm cấp cứu như đi… đày, nên sau thời gian thực tập bắt buộc, không mấy ai gắn bó lâu dài. Ấy thế mà cũng được hơn 30 năm tôi ‘chung sống’ với nghề này”, bác sĩ Hải hóm hỉnh.

Công việc tại khoa đòi hỏi các bác sĩ phải có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm vững vàng để có thể chẩn đoán chính xác và xử lý kịp thời nhiều tình huống, với đa dạng bệnh nhân từ trẻ em đến người lớn tuổi, từ cấp cứu nội khoa đến đa chấn thương.

Nhiều năm công tác, có lẽ ông cũng “thấm thía” được những khó khăn và áp lực của nhiều đồng nghiệp ở khối công lập, khi phải đối mặt với vấn đề quá tải và thiếu hụt nguồn lực.

Khi đầu quân cho Bệnh viện FV vào năm 2003, bác sĩ Hải có cái nhìn khác hoàn toàn về công việc cấp cứu, bởi nơi đây được trang bị nguồn lực chất lượng, chú trọng cả yếu tố con người và trang thiết bị. Quan trọng hơn, bệnh viện có quy trình chuẩn chỉnh về việc kiểm tra chất lượng định kỳ, thậm chí mỗi ngày, đảm bảo các thiết bị và máy móc vận hành trơn tru trong quá trình sử dụng.

Là bệnh viện 3 lần liên tiếp đạt chứng nhận JCI, khoa Cấp cứu FV được trang bị phòng khử nhiễm, phòng áp lực âm, máy ép tim tự động, máy thở di động, 3 xe cấp cứu như “phòng hồi sức di động”… Bên cạnh đó, bệnh viện có quy trình phân lọc bệnh dựa trên chuẩn lọc bệnh Úc Châu (ATS), giúp xác định bệnh nhân cần ưu tiên điều trị dựa trên mức độ khẩn cấp của tình trạng lâm sàng.

“Đi từ việc thấu hiểu tâm lý người bệnh là không muốn ở phòng cấp cứu quá lâu, FV đặt ra quy chuẩn lưu bệnh tại phòng cấp cứu trong vòng 4 giờ, để họ cảm thấy thoải mái trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, FV cũng chú trọng việc kiểm soát đau cho bệnh nhân trong thời gian chờ chẩn đoán theo thang đo mức độ đau”, bác sĩ Hải cho biết.

Để thực hiện quy trình này, các bác sĩ cấp cứu phải nhanh nhẹn từ khâu nhận bệnh, khám bệnh, chẩn đoán cho đến điều trị và giúp bệnh nhân được giảm nhẹ cơn đau đến mức thấp nhất có thể.

Với BS Trình Văn Hải, lý do quan trọng nhất khiến ông quyết định gắn bó với Bệnh viện FV suốt 2 thập kỷ là chính sách nhân văn trong việc ưu tiên cứu sống bệnh nhân.

“Được cứu người mà không đắn đo, tôi nghĩ ai hành nghề y cũng chỉ ước ao có thế”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Áp lực cứu người nơi “trạm tiền tiêu”

Hơn 3 thập kỷ làm nghề, bác sĩ Hải không ít lần trải qua những đêm trực kinh hoàng. Đó có thể là ca đại phẫu trong trạng thái chạy đua với tử thần, chịu đựng lời hăm dọa của bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh… Đó cũng là đặc thù công việc của người bác sĩ cấp cứu. Dù trong thời điểm và hoàn cảnh nào, bệnh nhân xuất thân ra sao, họ đều phải vận dụng tất cả phương tiện, kỹ thuật hiện có để toàn sức cứu người bệnh.

Việc xử lý mọi vấn đề của người bệnh và dàn xếp những bức xúc, căng thẳng từ phía thân nhân là nhiệm vụ song song của bác sĩ cấp cứu.

Bác sĩ Trình Văn Hải - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV

Không ngẫu nhiên bác sĩ cấp cứu được coi là nghề vừa vất vả, áp lực cao, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhiều lúc, bác sĩ Hải nhận bệnh nhân trong tình trạng được người qua đường đưa đến cấp cứu, không có thân nhân, không rõ gốc gác; hay những nạn nhân trong các vụ ẩu đả băng nhóm. Có ca nặng do bệnh lý, nhưng cũng nhiều ca bất ngờ như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngộ độc... Cũng không ít cảnh tượng gặp một lần là ám ảnh cả đời.

“Một lần giữa đêm muộn, tôi cùng kíp trực cấp cứu bệnh nhân đa chấn thương do nổ khí gas. Ra đến nơi, thấy người được cuốn trong chiếu, đặt trên băng ghế tầm 1 m của ôtô, tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao người trưởng thành lại nhỏ đến thế. Lúc ôm bệnh nhân khỏi xe, tôi mới thấy hai chân rời ra. Nội tạng lòi ra ngoài vì mất da bụng. Lúc đó bệnh nhận vẫn thều thào cầu cứu”, bác sĩ kể.

Ở “trạm tiền tiêu”, việc xử lý mọi vấn đề của người bệnh và dàn xếp những bức xúc, căng thẳng từ phía thân nhân là nhiệm vụ song song. Không chỉ nỗ lực giải thích tiên lượng bệnh, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, bác sĩ cũng cố gắng để mọi người không bị sốc tinh thần. Chưa kể, việc thân nhân có hành động mất bình tĩnh trước phòng mổ là chuyện không hiếm gặp.

Gần nửa cuộc đời dành trọn cho sự nghiệp y khoa, điều khiến bác sĩ Hải xót xa nhất không phải nỗi vất vả thể xác và nguy hiểm phải đối mặt, mà là cảm giác bất lực khi phải đưa ra quyết định liên quan tới sinh mệnh của bệnh nhân.

Sau hơn 3 năm, nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 không phai nhạt trong tâm trí vị trưởng khoa, trái lại, nó trở thành nỗi đau in hằn trong tâm thức, khiến cảm xúc của ông trở nên nghẹn ngào.

“Còn nhớ thời điểm đại dịch ập đến, tất cả bệnh viện đều quá tải và FV không ngoại lệ. Chúng tôi không đủ nguồn lực để cấp cứu cho tất cả ca nguy kịch. Bác sĩ phải đứng trước lựa chọn dành máy thở cho người có nhiều cơ hội sống hơn. Đó thật sự là những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời hành nghề y của tôi, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Lúc đó tôi cảm thấy mình bất lực thực sự trong vai trò một bác sĩ cấp cứu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn bị ám ảnh trước những quyết định đó”, bác sĩ Hải xúc động.

Bức chân dung được “vẽ lại” bởi những người sát cánh

Khác với hình dung của nhiều người về khoa Cấp cứu ở bệnh viện lớn - chỉ có áp lực và căng thẳng, cảm nhận đầu tiên khi mọi người bước vào nơi “đầu sóng ngọn gió” của FV là sự ấm áp. Cách mà các bác sĩ, điều dưỡng cư xử với nhau tựa như gia đình - nơi bất kỳ ai cũng được quan tâm, thấu hiểu. Tất cả có được nhờ sự gắn kết của “người anh cả” Trình Văn Hải.

8 năm gắn bó với khoa Cấp cứu của Bệnh viện FV, trong mắt chị Trịnh Quang Thanh Vân (thư ký y khoa), bác sĩ Trình Văn Hải là người hóm hỉnh, hay pha trò nhưng rất nghiêm cẩn trong công việc.

Hai mặt tính cách này của ông phần nào giúp xoa dịu áp lực của toàn bộ nhân viên y khoa đang ngày đêm gác "cổng sinh tử". Tuy nhiên, khi đối mặt với cuộc đua giành giật sự sống cho bệnh nhân, bác sĩ Hải chính là người anh lớn bản lĩnh và trầm tĩnh, luôn là chỗ dựa đáng tin cậy cho cả ê kíp.

“Bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm, bác sĩ và điều dưỡng đều có thể liên hệ bác sĩ Hải để hỏi han ca bệnh, bởi điện thoại của bác luôn mở 24/7, không bao giờ hết pin”, chị hóm hỉnh.

Còn với anh Phạm Minh Thi - Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu, bác sĩ Hải không chỉ là lãnh đạo khoa, mà còn là người thầy đứng lớp cho toàn bộ điều dưỡng của Bệnh viện FV, với chứng chỉ Basic life support (hướng dẫn thực hành hồi sinh tim phổi cơ bản).

“Có khi tôi chưa kịp trình bày, bác sĩ đã biết chuyện, nhờ thường xuyên hỏi han đội ngũ điều dưỡng của khoa. Những lời thăm hỏi mỗi ngày khiến mọi người cảm thấy ấm lòng lắm. Đằng sau vẻ ngoài có phần lạnh lùng, bác sĩ Hải được tất thảy mọi người yêu mến vì giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết với nghề, luôn dành cho đồng nghiệp sự ưu ái và tình cảm chân thành, không phân cấp bậc”, anh nhận xét.

Benh vien FV,  BS Trinh Van Hai anh 15

Sự trầm tĩnh khi nói về cách xử trí những ca bệnh nặng, nỗi ưu tư khi cấp cứu cho những bệnh nhân thập tử nhất sinh, ánh mắt rưng rưng khi kể về nỗi ám ảnh mang tên Covid-19… tất cả dường như chưa đủ để vẽ nên bức chân dung sống động của bác sĩ Trình Văn Hải.

Có lẽ, việc tô điểm và hoàn thiện cho bức tranh ấy được chính những người sát cánh cùng ông nơi “trạm tiền tiêu” khắc họa qua những lời tâm tình ấm áp. Dõi theo lời kể, ai cũng nhận ra hình ảnh người thầy, người lãnh đạo, người anh lớn luôn vững tâm bền chí nơi “cửa tử”, cũng là tấm gương sáng để các thế hệ bác sĩ trẻ tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV noi theo.

Tú Chi

Ảnh: Duy Hiệu

Bạn có thể quan tâm