Nữ BTV nổi tiếng kể, ngôi nhà tuổi thơ cô gắn bó có diện tích rất nhỏ, phòng làm việc của ba cô cũng nhỏ trong ngôi nhà ấy. Cô nhớ: "Phòng tôi có gấu bông, có nệm mút, bàn, tủ phấn, tủ tường... Phòng ba duy nhất một cái bàn và một cái tủ, ngủ thì nằm thẳng xuống sàn.
Dùng điện thoại cục gạch, đi xe số, quần áo vài bộ... gia tài lớn nhất của ba là dàn máy tính. Từ căn phòng ấy, sáng, trưa, chiều, tối, ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm kia, những giai điệu vang lên - những giai điệu được chơi tự động bằng máy tính, với phần mềm do ba mày mò lập trình''.
Ba và mẹ BTV Hoài Anh. |
Trong ngôi nhà bé nhỏ thuở ấy, đôi khi chỉ là giai điệu của duy nhất một bài hát, bất hủ như Hotel California hoặc là một vài ca khúc mới đương thời. Nó lặp đi lặp lại đến mức Hoài Anh thấy chẳng còn gì hay ở những ca khúc mà người ta đã mệnh danh là "sống mãi" ấy.
Hoài Anh chia sẻ đã lớn lên trong những thanh âm như thế, những thanh âm mà đến tận mấy chục năm sau này cô mới hiểu, nó là cả ước mơ được chắt chiu nuôi dưỡng, cần mẫn và vất vả nhưng say mê.
Nữ BTV bồi hồi: "Ngày ấy, tôi vô tình, chưa đủ sự quan tâm để hiểu được những thứ cứ lặp đi lặp lại ấy là bao nhiêu trăn trở, nghĩ suy, sáng tạo, hoài thai, là dằng dặc những đêm thức trắng của ba. Mỗi một lần chơi lặp lại bài hát đó là một lần ba quyết tâm làm cho nó hay hơn, cho phần mềm của mình thông minh hơn.
Những giai điệu mà ngày đó tôi chỉ nghĩ là một trong những thú vui giải trí của ông, chính là công trình nghiên cứu - phần mềm Tự động hoà âm mà hơn chục năm sau đã trở thành đại diện của Việt Nam được trao giải 3 trong cuộc thi APICTA - giải thưởng CNTT - Truyền thông thường niên dành cho các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".
BTV Hoài Anh. |
Hoài Anh bảo ngày ba bước lên bục nhận giải, tóc bạc trắng, già hơn tất cả những thí sinh lớn tuổi tham dự cuộc thi đó.
"Sau ngày cưới của tôi, đây là lần thứ hai tôi thấy ba mặc vest. Bộ vest giúp ba đỡ hom hem gầy guộc. Và nụ cười tươi khiến ba trẻ lại. Nụ cười mang hình ảnh chàng sinh viên trường Đại học Tổng hợp Lý Liên Xô của mấy mươi năm trước trở về.
Nhìn ba bây giờ - tóc trắng phơ phơ khiến tôi thấy đôi lúc còn già hơn cả ông nội. Chắc khó ai tưởng tượng được ngày xưa ba đẹp trai thế nào. Chàng thiếu niên từ năm mười mấy tuổi đã đam mê và chế tạo được bộ phận điều khiển từ xa và tự động vận hành cho xe ô tô đồ chơi.
Chàng sinh viên chuyên Lý nhưng đánh trống cũng rất hay và cắt may rất đẹp. Ông còn là một trong những kỹ sư đầu tiên chuyển hệ TV nước ta từ đen - trắng sang màu những năm 1980. Và đúng 2 ngày nữa, ông sẽ lại đón nhận những giây phút vô cùng ý nghĩa của cuộc đời: chờ đợi phần công bố trao giải Nhân tài đất Việt 2015.
Suốt bao năm qua, chưa bao giờ tôi giúp hay đóng góp được gì cho ba trong những thành công của ông. Đến tận ngày hôm nay, ngày ba bảo vệ công trình trước Hội đồng giám khảo ngay tại Hà Nội, tôi cũng đã không thể có mặt. Trở về nhà sau ngày làm việc liên tục từ sáng, tôi thao thức không ngủ được.
Cám ơn công trình nghiên cứu của ba, giúp mọi người biết nhiều hơn đến những sáng tạo thầm lặng của ông và giúp tôi nói được những suy nghĩ này đến ba, những suy nghĩ lần đầu tiên tôi thổ lộ. Con mong ba luôn khoẻ mạnh, và sẽ nở nụ cười đẹp nhất - nụ cười trai trẻ cho khoảnh khắc ước mơ gần nửa đời người toại nguyện!" - Hoài Anh bày tỏ.